Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2017

Có nên vắt sữa cho con bú hay không?

Có rất nhiều mẹ đã chia sẻ: “Vừa sinh con mà con không chịu ti mẹ, phải vắt sữa ra bình cho con bú” hay “con không thích ti mẹ, vắt ra bú bình thì bé mới chịu bú ngoan”. Và cũng có rất nhiều mẹ còn phân vân “liệu vắt sữa như vậy, con không chịu bú mẹ thì mẹ có bị mất sữa không?”,... Trong bài viết này Bibabo xin giải đáp thắc mắc chung của rất nhiều mẹ về vấn đề “Có nên vắt sữa hay không?”

Chia sẻ của các mẹ

Mẹ bacuccung trên diễn đàn WTT đã chia sẻ câu chuyện của mình:

“Mình đã có 3 bé, cả 3 đều không bú mẹ hay nói đúng hơn là các bé không thích ti mẹ. Mỗi lần mình cho bú đều rất vất vả. Mẹ thì mồ hôi nhễ nhại, con thì khóc ngằn ngặt, tím cả mặt. Bé thứ 3 mình cũng kiên trì cho bú nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng. Mình có chút kinh nghiệm về vắt sữa chia sẻ với các mẹ vì hiện nay bé nhà mình gần 1,5 tuổi nhưng sữa mình vẫn rất nhiều (hơn 1,5l/ ngày). 

1. Uống nhiều nước (không cần ăn nhiều, không cần ăn cháo móng giò,... chỉ cần ăn đủ đạm để sữa đảm bảo chất lượng cho con).

2. Vắt sữa đều đặn: Khoảng 4 tháng đầu 3 tiếng mình vắt một lần. Bây giờ thì ngày mình vắt 4 lần thôi. Tối vắt cữ cuối là 10h và đến 7h hôm sau mới vắt tiếp, cữ này vắt được 700ml.
3. Khi vắt không nhìn vào bình sữa, nên thư giãn như xem phim, nghe nhạc chẳng hạn (mình vắt mà cứ nhìn vào bình sữa là sữa không ra được luôn )”

Mẹ Thanh Hà từ diễn đàn WTT cũng chia sẻ:

“Do con mình mồm bé xíu, mà đầu ti mình to nên ngay từ lúc sinh, bé chỉ bú mẹ đúng 2 hôm khi ở trong viện, nhưng mình sinh mổ nên lúc đó sữa chưa về, bé chỉ mút ti không. Đến hôm thứ ba thì không hiểu sao bé nhất định không bú mẹ nữa, cứ bế cho bé ti là bé khóc ngằn ngặt. Thế là mình phải đầu tư mua máy hút sữa để vắt sữa ra bình cho bé bú.

Mình vẫn kiên trì tập cho bé bú mẹ đến khi bé đầy tháng vẫn không chịu bú mẹ, mình nản quá nên thôi, không cho bé bú nữa mà chỉ hút sữa thôi. Mình rất chịu khó ăn uống, chân dê, chân chó, cháo móng giò, uống sữa ông thọ, uống nhiều nước cộng với hút sữa đều, cách hai tiếng mình hút một lần, lúc đầu mỗi lần hút được 100ml/ bên, nhưng càng về sau thì sữa càng ít đi. 

Đến khi bé được hai tháng thì mình hoàn toàn hết sữa. Vì thế nên mình nghĩ các mẹ có hút sữa thì cũng phải kết hợp giữa việc cho bé bú và hút sữa thì sữa mới về nhiều, còn chỉ hút không mà bé không bú thì sữa sẽ dần mà hết đó”.

huong-dan-dung-dung-cu-vat-sua-de-tang-sua-cho-con-bu_1438230090-113359chieu-vat-sua-giup-me-san-xuat-gap-doi-luong-sua-cho-be-yeu.jpg

Mẹ cần đảm bảo vệ sinh trong quá trình vắt sữa và biết bảo quản sữa mẹ vắt ra đúng cách.

Lời khuyên của bác sĩ

Bác sĩ Đặng Thu Hiền (Theo báo Tri thức trẻ) đã đưa ra lời khuyên cho các mẹ khi cho nuôi con sữa mẹ: Người mẹ nên ăn uống đầy đủ, hạn chế thức ăn béo ngọt, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc 200ml sữa công thức trước khi ngủ, tăng cường cho con bú, vắt sữa khi không gần con.

BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) cho biết: Sữa mẹ để trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng trong vòng 72 giờ. Sữa mẹ trữ đông có thể dùng được sau khi vắt trong vòng 2 tuần đến 6 tháng tùy thiết bị trữ đông.

"Việc vắt sữa mẹ trữ lạnh hoặc trữ đông cần đảm bảo các điều kiện vệ sinh thì mới an toàn cho trẻ. Đầu tiên, trước khi vắt sữa, bà mẹ phải rửa tay đúng cách và vệ sinh đầu vú. Dụng cụ vắt sữa và đựng sữa cũng phải đảm bảo sạch sẽ. Ngăn mát tủ lạnh hoặc tủ đông chứa sữa phải dành riêng để chứa sữa, không chứa thức ăn, thức uống khác để tránh vi khuẩn lây nhiễm sang. Nhiệt độ của tủ lạnh phải giữ khoảng 4oC và tủ đông phải đảm bảo ít nhất là -15oC và nhiệt độ ổn định. 

Nếu không tuân thủ đầy đủ các điều kiện trên, sử dụng sữa trữ đông cho con ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và một trong những nguy cơ dễ mắc phải nhất là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa”.

Kết luận

Thông qua lời chia sẻ của các mẹ và những thông tin từ các bác sĩ, Bibabo có thể kết luận cho các mẹ rằng: Việc có nên vắt sữa hay không tùy thuộc vào tình trạng của các mẹ. Những mẹ khó cho con bị như bị đầu ti to so với bé, các bệnh khác liên quan đến vú; những trường hợp không gần con nhiều,… thì có thể vắt sữa trữ đông để tiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. 

Ngược lại nếu cơ thể mẹ hoàn toàn bình thường và mẹ có thời gian gần con thì nên cho bé bú trực tiếp nhiều hơn. Ngoài ra, mẹ cần đảm bảo vệ sinh trong quá trình vắt sữa và biết bảo quản sữa mẹ vắt ra đúng cách.

Mong rằng bài viết này đã giúp các mẹ biết rằng mình có nên vắt sữa ra cho con bú hay không. Cảm ơn các mẹ đã luôn đồng hành cùng Bibabo!


Hãy là người đầu tiên để lại bình luận