Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2017

Cùng mẹ tìm hiểu cấu tạo bên trong và bên ngoài bầu vú mẹ

Bầu vú mẹ là nơi sản sinh ra nguồn sữa mẹ thơm ngon và dinh dưỡng cho con. Làm thế nào để duy trì ổn định nguồn sữa ấy, làm thế nào để đảm bảo chất lượng sữa cho con bú luôn là tốt nhất, làm thế nào nếu gặp phải tình trạng tắc sữa, mất sữa,…là những vấn đề khiến tất cả mẹ sữa trên thế giới đau đầu.

Điều đầu tiên mẹ phải làm trước khi đi giải đáp những câu hỏi trên đó là tìm hiểu về cấu tạo bầu vú mẹ. Khi mẹ có kiến thức, hiểu biết về bầu vú mẹ thì những thắc mắc trên sẽ được giải đáp rất rõ ràng.

Cấu tạo bên ngoài bầu vú

Bên ngoài của bầu vú mẹ gồm có các bộ phận:

- Da (dưới da là lớp mỡ đệm): Có nhiệm vụ tạo độ êm và đàn hồi cho bầu vú để chứa toàn bộ hệ thống cấu trúc và tuyến vú bên trong nở ra hay thu lại theo từng giai đoạn. Độ đàn hồi và dẻo dai của làn da này là rất quan trọng, cần được chăm sóc đúng cách.

- Đầu ti (núm vú - nipple): Là nơi thoát tia sữa, được bảo vệ bởi chất dầu tự nhiên tiết ra bởi quầng vú. Đầu ti có nhiều lỗ mở, do đó rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dễ nhiễm trùng, cần tránh tác động hay kích thích trực tiếp vào đầu ti.

- Quầng vú (areola): Là phần da màu tối hơn xung quanh đầu ti thu hút sự chú ý của bé, có những hạt là những túi tinh dầu li ti dưỡng da và bảo vệ đầu ti và quầng vú, tinh dầu cũng có mùi hương đặc thù để bé nhận ra mẹ. Dưới quầng vú, cách chân ti 1.5cm là nơi ống dẫn sữa phình ra to nhất để chứa sữa cho bé "vắt" bằng lưỡi và môi khi bú mẹ, ở đây cũng có đầu dây thần kinh kích thích hormone tiết sữa.

Cấu tạo bên trong bầu vú


- Mô: Bên trong bầu vú có ba loại mô: Mô tuyến, mô sợi (bao gồm dây chằng) và mô mỡ. Tỷ lệ tương đối của các loại mô thay đổi theo độ tuổi, chu kỳ kinh nguyệt, tuần của thai kỳ, và tình trạng dinh dưỡng.

- Cơ ngực + xương sườn, xương đòn gánh: Bầu vú chỉ có các mô mỡ, mô sợi, mô tuyến và không có cơ để tự nâng đỡ. Tuy nhiên, phía trong cùng trước lá phổi là một dàn xương và cơ chắc chắn giúp nâng đỡ 2 bầu vú trong các thời kỳ phát triển và thay đổi.

- Dây chằng (cooper ligaments/ suspensory ligaments/ fibercollagenous septa): Là một hệ thống sợi collagen bắt đầu từ xương đòn gánh, đan kết như một cái rổ nằm dưới da của cả bầu vú, nâng đỡ toàn bộ cấu trúc và tạo hình cho bầu vú.

- Mạch thoát bạch huyết (lymphatic drainage): Mỗi vú có nhiều đường mạch thoát bạch huyết với nhiều hạch ở vùng dưới ngực gần xương đòn và nách, tạo bạch cầu bảo vệ cơ thể.

- Dây thần kinh (nerve): Dây thần kinh ở vú phát sinh từ các chi nhánh của 4, 5 và 6 dây thần kinh liên sườn. Chi nhánh thấp nhất của các dây thần kinh liên sườn thứ 4 nhạy cảm nhất ở quầng vú ở vào khoảng vị trí 5 giờ ở ngực bên trái và vị trí 7 giờ trên ngực phải . Quầng vú là phần nhạy cảm nhất của vú, nhạy cảm ngày càng tăng khi sinh con.

- Mạch máu: Hệ thống mạch máu và khả năng cung cấp chất cho tuyến vú cũng quan trọng như sự luân chuyển máu trong dây nhau để nuôi thai nhi. "Động mạch trong vú" cung cấp 60% -70%, và "động mạch dọc bên vú" cung cấp 30% - 40% lượng máu cần thiết cho tuyến vú, đặc biệt cho quá trình trao đổi chất và tạo sữa trong tuyến vú.

- Mô mỡ: Ở 3 vị trí chính là ngay bên dưới da, mỏng nhất ở vùng gần núm vú, mô mỡ giữa các mô tuyến khác và mô mỡ sát cơ ngực. Số mỡ trong vú cũng như trong người khác nhau giữa người này và người khác, và thay đổi tùy theo sự thay đổi.

Cấu trúc tuyến vú (mammary gland)

- Nang sữa, túi nhỏ tạo sữa (nhà máy sữa - alveoli): Bao gồm rất nhiều các tế bào tạo sữa (lactocyte) và tạo sữa dưới tác động của hormone tạo sữa prolactin - sữa được tạo từ các tế bào sữa được chứa trong nang sữa.

- Bao nang (myoepithelial cell): Là tế bào dạng lưới, bao quanh mỗi nang sữa và co thắt để sữa bị đẩy sữa từ nang sữa vào ống dẫn sữa dưới tác động của hormone oxytocin. Đôi khi sữa được tạo, nhưng nang sữa không vắt (vì thiếu hocmon oxytocin), sữa không chảy vào ống dẫn sữa được, dẫn đến hiện tượng cương sữa (sờ thấy rõ các cục nang sữa căng cứng).

- Ống dẫn sữa (duct, ductules): Có nhiệm vụ nhận sữa từ các nang sữa, có khoảng 20 ống dẫn sữa. Khoang phình (lactiferous) là phần phình to của ống dẫn dưới quầng vú, cách chân ti khoảng 1.5cm, là nơi sữa được trữ tạm (ngắn hạn) trước khi được vắt/ hút ra ngoài

- Đầu thoát sữa (openning) là điểm kết thúc của ống sữa nơi đầu ti, mỗi bầu vú có khoảng 20 ống sữa nên có khoảng 20 lỗ thoát.

(Nguồn tham khảo: Betibuti)