Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

10/2017

Đặc điểm và cách chăm sóc vết khâu sau sinh "từ A đến Z" dành cho các mẹ sinh mổ

Phương pháp mổ đẻ có thể coi là lựa chọn phổ biến của nhiều mẹ vì tâm lý sợ đau cũng như mong muốn chọn ngày giờ đẹp nhất cho con chào đời. Hơn nữa trình độ y tế hiện đại giúp phẫu thuật mổ đẻ diễn ra an toàn và vết mổ nhỏ mảnh không ảnh hưởng tính thẩm mỹ trên cơ thể. 

Tuy nhiên, phương pháp vệ sinh vết mổ sau sinh  và chế độ ăn uống của mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình lành cũng như thẩm mỹ của vết mổ. Bibabo sẽ cung cấp một số kiến thức cơ bản về cách chăm sóc vết mổ sau sinh mà mẹ nào lựa chọn phương pháp sinh mổ đều nên biết nhé!

Đặc điểm của vết khâu sinh mổ

Vết mổ sau khi làm phẫu thuật có 2 loại: kiểu ngang và kiểu dọc, hiện nay đa phần đều áp dụng kiểu mổ ngang. Chỉ khâu cũng đa phần là loại chỉ có thể thấm hút, loại chỉ này ở trong cơ thể, sau 6 tuần sẽ tự tiêu hết không cần các phương pháp cắt chỉ khác.

Tuy nhiên, do cơ địa và do vấn đề vệ sinh, một số mẹ sau sinh có thể xuất hiện dấu hiệu cơ thể không chấp nhận chỉ khâu, dẫn đến nhiễm trùng, vết thương mưng mủ. Vì vậy, mẹ cần để ý kỹ, nếu trong khoảng 2 tuần vết mổ có dấu hiệu ngày càng đau hơn, làm mủ,… thì nên đến bệnh viện để kiểm tra, cắt chỉ, chăm sóc đặc biệt để hạn chế việc viêm nhiễm vết mổ.

Trong trường hợp vết mổ khiến bạn thấy đau quá không chịu được, bạn nên nói với các bác sĩ để họ cho thuốc giảm đau an toàn với cả mẹ và bé. Sau khoảng 2 đến 3 tuần, vết mổ sẽ lành thành sẹo. Vết sẹo trong thời kỳ hồi phục ban đầu sẽ có hiện tượng sưng, phồng nhẹ, màu sắc cũng đậm hơn so với màu da bình thường, nhưng trong vòng 6 tuần sau khi phẫu thuật, vết sẹo sẽ co lại rõ rệt.

Vết thương do mổ đẻ chỉ dài khoảng 11-15cm, cùng với việc vết mổ dần dần lành, màu sắc của vết sẹo cũng dần dần mờ và gần với màu da hơn, hơn nữa vết sẹo cũng sẽ co lại, về cơ bản không ảnh hưởng gì đến thẩm mỹ bên ngoài.

Trong thời gian 3-5 ngày đầu tiên sau khi mổ đẻ, mẹ thường sẽ được nhân viên y tế chăm sóc và vệ sinh vết mổ sau sinh đúng cách. Mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho vết mổ, không được tự ý tháo băng, không làm ướt băng gây nhiễm trùng vết mổ không đáng có.

Những lưu ý khi chăm sóc vết khâu sau sinh mổ

Sang tuần thứ 2, mẹ có thể nhờ người nhà vệ sinh vết mổ sau sinh cho tới khi vết mổ se miệng và có dấu hiệu liền. Tuyệt đối không được phép dùng các biện pháp kiêng cữ sau sinh gây mất vệ sinh, nhiễm trùng vết mổ. Vết mổ sau sinh của mẹ  phải được vệ sinh hàng ngày, các dụng cụ vệ sinh cần đảm bảo sạch sẽ, vô khuẩn.

- Hàng ngày có thể sử dụng dung dịch kháng khuẩn tại chỗ để vệ sinh vết mổ với hàm lượng kháng sinh thấp.

- Tay người nhà khi làm vệ sinh cần rửa sạch sẽ trước khi thay băng cho mẹ.

- Có thể dùng băng gạc để bảo vệ vết mổ, tuy nhiên không được phép băng quá chặt hoặc quá lỏng gây tổn thương vết mổ.

70440-4.jpg

Dần dần vết mổ sẽ se lại và mờ dần, gần giống như màu da.


– Trong quá trình liền vết mổ, mẹ nên bổ sung các loại vitamin A, B, C có vai trò kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giảm viêm nhiễm nhiễm trùng vết mổ, các loại vitamin này có nhiều trong cam, quít, bưởi, cà rốt. Ngoài ra, vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ, có nhiều trong trứng, sữa. Protein cũng là nguyên liệu chính tạo nên tế bào mới, hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể khoảng 200g thức ăn có chứa protein như thịt, cá, trứng, sữa, đậu,…

Những điều nên đặc biệt tránh khi chăm sóc vết khâu sinh mổ

- Không dùng bất cứ một loại thuốc nào bôi lên vết mổ nếu chưa được sự cho phép của nhân viên y tế.

- Trong thời gian đầu sau khi mổ đẻ sản phụ chỉ nên ăn cháo và uống nước, cho tới khi “xì hơi” mới cho sản phụ ăn thêm các loại thực phẩm khác. Ngoài ra sản phụ không được ăn quá no vì sau khi sinh mổ nhu động ruột kém nên sản phụ dễ bị táo bón, đầy hơi và khó tiêu hóa.

- Mẹ nên nằm nghiêng để tránh những cơn đau co dạ con và tránh hiện tượng buồn nôn.

- Mẹ có thể nằm trên giường nghỉ ngơi sau khi sinh, việc vệ sinh vết mổ sau sinh có thể nhờ đến nhân viên y tế. Tuy nhiên mẹ cũng không nên nằm quá nhiều, sẽ dễ gây hiện tượng ứ sản dịch. Trong thời gian 24h đầu nên có sự vận động nhẹ nhàng để lấy lại cảm giác bằng các vận động trở mình và ngồi dậy thật nhẹ nhàng.

- Sau 24h mẹ nên xuống giường và đi lại nhẹ nhàng, sự vận động này giúp sản dịch được thải ra ngoài, máu được lưu thông, thúc đẩy sự tuần hoàn máu giúp vết mổ nhanh lành và tránh nguy cơ dính ruột.

- Trong vòng hai tháng mẹ  nên tránh vận động mạnh, cần chú ý các hoạt động đi lại cúi xuống, không mang vác vật quá nặng, không đi lại quá nhiều bằng cầu thang bộ và việc vệ sinh vết mổ sau sinh đi kèm với việc theo dõi vết mổ là không thể bỏ qua.

- Khi vết mổ có hiện tượng đau dài ngày sản phụ nên tới ngay cơ sở y tế để được điều trị. Vết mổ có hiện tượng sưng phù, mọc lông sản phụ có thể nhổ thử một vài lông, nếu thấy mủ đi theo chân lông (dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ) phải lập tức tới cơ sở y tế để được chăm sóc và vệ sinh vết mổ sau sinh đúng cách.

- Thường xuyên theo dõi thân nhiệt sản phụ, nếu thân nhiệt trên 38 độ thì rất có khả năng sản phụ đã bị viêm nhiễm và nên tới cơ sở y tế để được theo dõi.

- Chú ý đại tiểu tiện của sản phụ phải kịp thời, tránh hiện tượng nước tiểu bị ứ lại, đại tiện bị táo bón.
- Mẹ tuyệt đối kiêng ăn  rau muống (dễ bị sẹo lồi), thịt gà khiến vết mổ lâu lành, gạo dẻo dính như gạo nếp dễ khiến vết mổ bị sưng, mưng mủ và  hải sản dễ bị dị ứng, ngứa ngáy, nổi ban.

Xem thêm bình luận