Tài khoản

user_avatar
BIBABO - ĂN DẶM   

An tâm làm mẹ.

10/2017

"Đọc vị" mong muốn của trẻ sơ sinh thông qua tiếng khóc của bé

Khi trẻ con khóc, đó là cách bé thông báo tình trạng đói, đau, sợ hãi, buồn ngủ hoặc nhiều vấn đề khác. Do đó việc hiểu những gì con bạn đang cố gắng "nói" với bạn là điều rất cần thiết, và có thể rất khó để giải thích tiếng khóc của bé, đặc biệt là giai đoạn đầu này. 

Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy đọc những dấu hiệu sau đây để có thể nắm bắt được các thông điệp của con nhé!

Trẻ khóc khi đói

Đây có thể là lý do đầu tiên bạn nghĩ đến khi con khóc. Tiếng khóc khi trẻ đói có thể dễ dàng phân biệt với những tiếng khóc khác bởi chúng có xu hướng ngắt quãng, ít chói tai, cao thấp không đều. Khi đói, trẻ có thể sẽ khóc không ngừng nghỉ cho đến khi nhận được sự chú ý, vì vậy bạn cần để ý và cho con ăn trước khi bé quá đói hoặc rơi vào trạng thái bị kích động.

Một số dấu hiệu đói ở trẻ sơ sinh là đưa tay lên miệng hoặc bạn thấy phản xạ miệng con đòi ăn khi đưa ngón tay lại gần miệng bé, miệng chóp chép, dụi mặt vào ngực mẹ,...

Trẻ khóc khi gặp các vấn đề về tiêu hóa

Một số lý do bạn có thể nghĩ đến khi con khóc là bé bị đau bụng hoặc có vấn đề về tiêu hóa. Có thể bé bị đầy hơi hoặc khó chịu, nên con có thể khóc ngay khi vừa mới ăn xong. Tiếng khóc của con lúc này sẽ rất to, con cũng có thể co đầu gối lên ngực để “báo hiệu” rằng mình đang đầy bụng và cần được ợ hơi.

Bị táo bón cũng là nguyên nhân làm cho bé khóc, hay thậm chí việc đóng bỉm/tã quá chặt cũng làm đau bụng bé, đặc biệt khi bé lại ăn no, nó càng làm cho bé không thoải mái.

Một số cách xoa dịu bé bạn có thể thực hiện lúc này là:

- Quấn cho bé để giúp bé dễ đi vào giấc ngủ.

- Sử dụng "white noise" (tiếng ồn trắng - dạng âm thanh phát ra đều đều) như bật máy hút bụi, bật máy sấy tóc, tiếng tivi hoặc các âm thanh nhẹ nhàng để làm dịu bé.

- Thay đổi tư thế của bé.

- Vỗ mông bé, đung đưa nhẹ nhàng lên xuống hoặc qua lại, đặt bé nằm và cầm 2 chân bé tạo cử động giống đạp xe đạp.

- Thay đổi thực đơn ăn của bạn để tránh sữa mẹ có chất gây đầy bụng, nếu là sữa công thức, bạn có thể đổi loại sữa khác để xem cơ thể con phản ứng thế nào.

Trẻ đang  mắc hội chứng Colic - khóc dạ đề

Nếu con bạn khóc từng cơn với cường độ khác nhau nhiều hơn ba tiếng đồng hồ liên tục trong ba ngày hoặc nhiều hơn trong ít nhất ba tuần và không có lời giải thích y khoa nào về tình trạng khóc của bé, thì rất có thể bé bị đang ở giai đoạn khóc dạ đề (colic) - một thuật ngữ dùng để mô tả tiếng khóc không thể kiểm soát ở một đứa trẻ khỏe mạnh.

Một em bé đang trong giai đoạn khóc "dạ đề" (Colic) có thể hành động thật sự không thoải mái kéo dài. Sự khóc và khó chịu của trẻ có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng thường là căng thẳng nhất vào khoảng 6 giờ chiều và nửa đêm.

Tiếng khóc của trẻ khóc dạ đề sẽ là khóc thét dữ dội, mặt đỏ ửng lên, khóc cùng một thời điểm trong ngày – thường là khóc về chiều, tối và khuya.

Ngoài ra, trẻ còn có thể có một số biểu hiện như tay nắm chặt, bụng căng, đầu gối co lên, và lưng cong.

942-so-sinh.jpg

Tiếng khóc của bé có rất nhiều ý nghĩa.

Khi mắc hội chứng Colic, trẻ sẽ thường xuyên ngủ không sâu và thường khóc ré lên khi đang ngủ.

Thậm chí viêc ăn uống của trẻ cũng bị đứt quãng bởi những cơn khóc quấy, trẻ có thể ợ hơi khi đang khóc to.

  • Nguyên nhân của hội chứng Colic

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm câu trả lời hơn 50 năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này.

Có một giả thuyết cho rằng đó là do hệ tiêu hoá non nớt của trẻ đang dần hình thành, nên có thể trẻ sẽ bị đau dạ dày vì bị dị ứng hoặc không dung nạp được một số chất có trong sữa mẹ và sữa công thức.

Ngoài ra còn có thể do những nguyên nhân khác như hệ thần kinh của trẻ vẫn còn đang phát triển và chưa ổn định, hoặc trẻ thấy đau khi ợ hơi.

  • Colic có nguy hiểm không?

Câu trả lời là không, ngoại trừ việc nó gây căng thẳng cho bố mẹ. Nếu quá sốt ruột, bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ nhi để kiểm tra xem trẻ có mắc chứng thoát vị hay một căn bệnh nào hay không.

Nên nhớ chứng khócquấy này không làm bé đau đớn gì cả, có chăng là bố mẹ thấy ‘không chịu đựng nổi’ mỗi khi thấy con mình khóc mãi không thôi mà thôi.

Rất may, kiểu khóc này không kéo dài mãi mãi, 60% trẻ sơ sinh sẽ trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong 3 tháng, và 90% trường hợp sẽ tốt hơn khi trẻ được 4 tháng tuổi.

Trẻ khóc vì bé cần ợ hơi

Ợ hơi không phải là bắt buộc ở trẻ nhỏ nhưng nếu con bạn khóc sau khi cho ăn, điều có ấy có thể là do con cần được ợ hơi. Trẻ sơ sinh sẽ nuốt cả không khí khi bú sữa mẹ hoặc ti bình, và bụng con có thể sẽ khó chịu vì có nhiều khí, do đó, vỗ ợ hơi sẽ làm cho bé cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. 

  • Cách vỗ ợ hơi cho trẻ: Khi bé ăn xong, bạn ôm bé, giữ lưng thẳng, để đầu bé tựa vào vai mẹ, khum bàn tay lại và vỗ nhẹ vào lưng bé đến khi nghe thấy tiếng ợ phát ra.

Trẻ khóc vì buồn ngủ

Có những lúc bé mệt mỏi, bé có thể rơi vào giấc ngủ dễ dàng, tuy nhiên có nhiều trường hợp trẻ sẽ “báo hiệu” cơn buồn ngủ bằng cách "khóc" và tỏ vẻ cáu gắt đặc biệt khi con bị quá mệt.

Tiếng khóc của trẻ khi buồn ngủ thường sẽ là tiếng ê a, ngắt quãng, khóc rồi lại nín. Ngoài ra, khi gắt ngủ trẻ có thể quay lưng lại với những gì người lớn đang làm, khóc kèm theo một số hành động như dụi mắt, kéo tai,...

Nếu thấy con ngáp lần đầu, hãy đưa con đi ngủ, hoặc bạn có thể hát ru, nói chuyện nhẹ nhàng, ôm bé để xoa dịu sự khó chịu của bé. Bạn cũng có thể dùng "âm thanh trắng" (white noise) hoặc quấn cho bé để đưa bé vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Trẻ khóc vì muốn được âu yếm

Các bé rất thích được yêu thương, thích nhìn mặt bố mẹ, thích nghe giọng nói, thậm chí thích nghe nhịp tim đập của bạn hoặc chỉ đơn giản bé thích mùi cơ thể của bạn. Do đó khóc là một cách để bé nói rằng bé muốn được gần bạn hơn để có thể "tận hưởng" những niềm vui của mình.

Có thể bạn sẽ băn khoăn rằng liệu ôm bế con quá nhiều có làm bé "quen hơi" bạn và không thể rời bạn không? Nhưng bạn đừng quá lo lắng về điều này, trong giai đoạn 1,2 tháng đầu, hãy cứ ôm con khi con muốn, bạn có thể quấn cho bé, vuốt ve khuôn mặt của bé và nói với bé "mẹ đang ở đây với con, hãy yên tâm". Bạn cũng có thể đặt con lên ngực mình, dùng tay mát xa nhẹ nhàng lưng của bé hoặc bạn có thể địu bé đi 1 vòng. 

Trẻ khóc vì tã/bỉm bẩn

Làn da của bé rất nhạy cảm, việc đi tè, ị ra bỉm sẽ làm da bé khó chịu và khóc để báo hiệu cho bạn biết "mẹ ơi, con vừa tè/ị rồi". Hãy thay bỉm/tã cho bé để đảm bảo bé được thoải mái bằng cách thường xuên kiểm tra và sờ vào bỉm thấy nặng hoặc sau 2h bạn có thể thay bỉm cho bé 1 lần.

Trẻ khóc vì cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh

Khi bé thấy lạnh, bé có thể phản ứng lại bằng cách khóc. Ví dụ như khi bạn cởi quần áo để thay tã/bỉm hoặc làm vệ sinh cho bé bằng khăn lạnh. Bé có thể thích được quấn và thích sự ấm áp, nhưng cũng không được quá nóng. Các bé giường như sẽ phản ứng lại việc quá lạnh nhiều hơn là bị nóng.

Trẻ khóc vì con bị đau, khó chịu

Khi con chưa biết nói, cách hiệu quả nhất để bé "thông báo" với bố mẹ chính là khóc, khi con bị đau cũng vậy, nhưng điều này khá là khó để nhận ra. Bé có thể khóc vì lí do bị tóc quấn chặt vào ngón tay gây đau và làm giảm lưu thông máu làm bé khó chịu, hoặc là vì bất kì lí do nào khác.

Một số bé có thể rất nhạy cảm với loại vải mà con mặc, hoặc bị ngứa do các loại mác gắn ở quần áo gây ra. Hay thậm chí có bé rất khó tính từ những việc nhỏ nhất, ví dụ bạn bế sai tư thế hoặc con uống bình sữa không phải bình sữa mà con vẫn uống hàng ngày.

Tiếng khóc của bé lúc này sẽ là tiếng khóc với cường độ ngày càng lớn và gay gắt. Bạn hãy thường xuyên kiểm tra cơ thể con đảm bảo con không bị đau, ngứa bởi tóc, quần áo,… Nếu thấy bé khóc khi ti bình, mặc dù bé đói và muốn ti nhiều mà bé vẫn khóc thì hãy thử đổi loại bình hoặc núm ti mới cho bé. 

Trẻ khóc vì bị đau răng

Thông thường bé bắt đầu mọc răng từ khi được 6 tháng tuổi. Việc mọc răng có thể sẽ làm bé bị đau do lợi nứt ra để răng nhú lên. Mọc răng cũng có thể khiến lợi bé bị sưng và không ăn được, do đó bé lại "khóc" để báo hiệu cho bạn rằng con bị đau. Hãy kiểm tra thử lợi của con bằng ngón tay, và có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có 1 mấu nhỏ mọc lên, đó có thể là chiếc răng "đầu đời" của bé (chiếc răng đầu tiên có thể mọc từ tháng thứ 4-7, nhưng cũng có thể sớm hoặc muộn hơn).

Trẻ khóc vì không muốn bị kích thích quá nhiều

Sự kích thích đến từ thế giới xung quanh bé khiến bé cảm thấy hứng thú, tuy nhiên không phải lúc nào bé cũng thấy hào hứng với các kích thích đó vì có những thứ bé chưa thể xử lý hoặc khó để xử lý thông tin ví dụ như quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, bị truyền từ tay người nọ sang người kia,... Lúc này khóc là một cách để bé nói rằng “con đã đủ kích thích rồi”.

cach-do-tre-so-sinh-khoc.jpg

Đối với trẻ sơ sinh, “khóc” là cách duy nhất để nói rằng: “Mẹ ơi, con muốn…”

Khi bị kích thích quá mức, tiếng khóc của bé có thể đan xen lẫn với tiếng cười, hoặc thậm chí có lúc bé còn gào lên.

Những lúc thế này bạn có thể xoa dịu con bằng cách quấn cho bé vì nhiều bé thích được quấn và cảm thấy an toàn với thế giới bên ngoài. Nếu con bạn đã qua giai đoạn muốn được quấn hoặc không thích, hãy đưa con đến chỗ yên tĩnh và để con được thoải mái, thông thoáng một lát. 

Trẻ khóc vì muốn có thêm sự kích thích

Một đứa trẻ thích "đòi hỏi" có thể muốn đi ra và háo hức nhìn thế giới. Và thường thì cách duy nhất để ngăn chặn tiếng khóc là để bé hoạt động nhiều hơn. Điều này có thể sẽ khiến bạn mệt hơn vì cũng phải vận động cùng con. 

Bạn hãy đặt con vào địu, đưa con ra ngoài để con có thể khám phá các hoạt động xung quanh, hoặc là lên kế hoạch cho các hoạt động của con, đưa con đi chơi cùng với các gia đình có trẻ con khác, đưa con đi ra ngoài thường xuyên, đến những nơi thân thiện như công viên, bảo tàng, sân chơi, vườn thú. 

Nếu con không muốn các trò chơi, hãy địu con khi bạn giặt quần áo hay rửa bát, con có thể sẽ rất hứng thú. Lúc này hãy tăng cường nói chuyện, mô tả hoạt động của bạn cho con nghe. Ngoài ra, bạn có thể đưa con đến các nơi công cộng như cửa hàng, trung tâm thương mại vì con "đang muốn khám phá thế giới".

Trẻ khóc vì cảm thấy không khỏe

Nếu bạn đã đáp ứng tất cả những nhu cầu cơ bản của con, an ủi vỗ về nhưng con vẫn khóc thì có thể sức khỏe của bé có thể đang gặp vấn đề gì đó. Hãy thử cặp nhiệt độ cho bé để kiểm tra xem bé có sốt và kiểm tra, theo dõi kĩ xem bé có biểu hiện ốm đau nào không.

Tiếng khóc khi con bị bệnh khác với tiếng khóc khi con bị đói hoặc các lý do khác. Khi con mệt, con sẽ khóc với cường độ và âm thanh run run, ngoài ra trẻ còn có thể có một số động thái khác như ngáp hay dụi mắt. Khi con bạn khóc mà bản năng mách bảo bạn có gì đó không đúng, hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra. 

Bạn cần làm gì nếu con tiếp tục khóc

Nếu bạn đã kiểm tra bé rất kĩ và con không có dấu hiệu đầy bụng, bỉm vẫn sạch, không bị ốm,... thì cũng đừng quá hoang mang vì trẻ con luôn có lý do của riêng mình, nhiều khi bạn không hiểu tại sao con khóc, bạn hãy cứ vỗ về, an ủi con bằng tất cả yêu thương của mình ngay cả khi bạn thấy mình làm đủ mọi cách mà không ăn thua. Hãy luôn cố gắng giữ bình tĩnh và không cáu giận, nổi nóng với trẻ.