Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2018

Đừng chỉ nhìn vào cân nặng và chiều cao, đây mới là những chỉ số phát triển quan trọng của trẻ mà mẹ cần quan tâm

Các mẹ sữa trong cộng đồng Bibabo, các mẹ có nhận ra những câu hỏi xin giúp đỡ, xin lời khuyên trong các hội nhóm mình sinh hoạt có một phần rất lớn là về cân nặng của trẻ hay không? Rằng “bé nhà em bú mẹ hoàn toàn nhưng tháng này không tăng cân”, hay “mẹ chồng em thấy con chị hàng xóm bú sữa công thức, người bụ bẫm toàn ngấn là ngấn nên thích lắm, hỏi cả tên hãng sữa về bảo em đi mua cho con uống thêm cùng sữa mẹ”... Các bà, các mẹ mình thích nhất, chính là con bụ bẫm, béo núng nính ngấn tay chân, má “phị phị” thì mới đáng yêu, mới là “lớn nhanh”, “khỏe mạnh”. Nhưng mẹ sữa ơi, “béo” không phải là “khỏe”, và có rất nhiều những chỉ số phát triển khác mẹ cần quan tâm trong giai đoạn sơ sinh và những năm đầu đời để con phát triển, thông minh mẹ ạ.

Chẳng bao giờ “béo” lại là “khỏe” cả, dù người lớn hay trẻ em

Các mẹ cũng biết về bảng cân nặng, chiều cao theo tháng tuổi của bé trai, bé gái sơ sinh phải không ạ? Các mẹ chỉ mong sao cho con mình không nằm ở những đường lằn dưới, những đường thể hiện con bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Nhưng đã có mẹ nào quan tâm tới việc con vượt cả những đường lằn trên hay chưa? Hoặc mẹ suy nghĩ tăng vượt trội như thế mới càng tốt, càng khỏe mạnh? Mẹ sữa ơi! Khi bé con được khen bụ bẫm, béo khỏe ở Việt Nam thì theo chuẩn WHO lại là thừa cân, béo phì đó ạ. Tương tự như thế, một trẻ bị các bà, các cô hàng xóm chê còi cọc suy dinh dưỡng, thì vào chuẩn của WHO lại là bình thường.

Vậy tại sao các mẹ đều thích con béo, bụ bẫm?

Bởi quá nhiều các lý do, cảm nhận cảm quan và lối mòn suy nghĩ truyền thống bao đời nay. Các bà các mẹ gặp nhau thì đầu tiên là hỏi so cân nặng. Bé nào nặng ký hơn thì mẹ vui tươi hớn hở, chia sẻ sữa bột này tốt, con ăn dặm sớm nên giờ đút được cả bát bột đầy. Bé nào nhẹ ký thì mẹ thở dài, lo sữa mình không đủ chất, buồn mẹ chồng chê không biết chăm con.

Cũng bởi vì mỗi khi đưa con đi khám nhi, các mẹ đều được yêu cầu đo cân nặng, chiều cao của con nên lầm tưởng rằng đây là những tiêu chí quan trọng nhất, cần quan tâm hàng đầu?

Những chỉ số nào còn quan trọng hơn cả so với chiều cao và cân nặng?

Theo UNICEF, trẻ sơ sinh đến 5 tuổi có 5 lĩnh vực phát triển, trong đó 4 lĩnh vực thuộc về trí não, 1 lĩnh vực thuộc về thể chất và vận động. Tuy nhiên, việc đo các chỉ số về phát triển não, chức năng nhận thức, tâm lý trẻ không dễ và không nhanh bằng việc đo cân nặng, chiều cao (về thể chất của trẻ) nên các mẹ thường không am hiểu, không đánh giá đúng tầm quan trọng của những chỉ số này.

Nhưng mẹ phải biết rằng, ưu tiên trong 2-3 năm đầu đời chính là ưu tiên phát triển não, và cánh tay đắc lực giúp mẹ hoàn thành nhiệm vụ này chính là sữa mẹ. Rất nhiều những cuộc nghiên cứu đã được thiết lập, những kết quả đã được công bố đều chỉ ra rằng, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời phát triển hơn 30% so với trẻ không được bú mẹ, đặc biệt là phần não phát triển ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là nếu bạn kiên trì cho con bú mẹ hoàn toàn, không bị lung lay bởi con không bụ bẫm, không to như các bạn cùng tháng thì sau này, con sẽ thông minh hơn, nhận biết nhanh hơn, biết nói sớm hơn và sớm diễn đạt được trôi chảy, đúng ý hơn.

Bibabo xin hỏi, các mẹ có sẵn sàng đánh đổi 30% khả năng phát triển trí não của con lấy 30% khả năng tăng cân bụ bẫm (mà rất có thể dẫn tới khả năng bị béo phì, huyết áp cao, dày thành động mạch của con sau này)?

Những chỉ số phát triển của con mà bố mẹ cần quan tâm hơn nữa

Mẹ sữa hãy tạo môi trường tốt nhất để cân bằng sự phát triển cả 5 lĩnh vực của bé, cụ thể là:

Phát triển thể chất: Cho con phát triển thể chất khỏe mạnh và nâng cao kỹ năng vận động. Hãy tập cho con nằm úp bụng, cầm nắm các món đồ chơi an toàn, cảm nhận về đôi chân, học ngồi, học vịn đứng, chơi trò chơi vận động tay chân…

Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội: Để con cảm nhận được tình yêu thương của mẹ nhưng không “bám mẹ”, tiếp xúc với nhiều người khác. Những tháng đầu, mẹ là chỗ dựa và nên là chỗ dựa cho con, tạo được cảm xúc tin tưởng, yên tâm của con khi được mẹ cho bú, vỗ về, nói lời âu yếm. Sau khoảng 6 tháng, con bắt đầu chơi và tương tác với những người quen thuộc hay ở cạnh con nhất, chơi trò chơi và khám phá thế giới xung quanh.

Học hỏi và khám phá: Đó là khi con nhìn ngắm, cầm nắm, bò trườn, thậm chí là “bỏ vào mồm” những thứ thu hút sự chú ý và tò mò của con. Hãy chuẩn bị môi trường an toàn để con có thể tự do “lăn lộn” theo ý thích, các món đồ chơi kích thích với màu sắc, hình khối, âm thanh khác nhau để con cảm nhận.

Phát triển nhận thức về nề nếp: Nghe thật nặng nề và cảm giác không liên quan gì tới trẻ sơ sinh - khi con thích ăn, chơi, ngủ theo nhu cầu. Nhưng sự phát triển và uốn nắn dần dần vào những tương tác thói quen sẽ giúp trẻ ngoan ngoãn, nghe lời và độc lập hơn sau này. Tạo môi trường phù hợp nhắc nhở con đến giờ đi ngủ, cho con chơi với đồ chơi và bỏ chúng vào đúng chỗ…

Phát triển ngôn ngữ: Từ những âm thanh đơn giản như tiếng ồn, tiếng thì thầm, trò chuyện với con, tương tác với những âm thanh non nớt của con, mẹ có thể đọc sách cho con nghe, lặp lại những âm thanh con phát ra...đến việc nói chuyện rõ ràng ý tứ trong mọi việc con làm. Con có thể chưa hiểu hết, nhưng con sẽ học được vốn từ, cấu trúc câu trong những lời cha mẹ nói.

Sự thật thường mất lòng. Những mẹ có con “thật bụ bẫm” không phải là không tốt, nhưng có thể quan tâm hơn nữa tới những chỉ số phát triển não của con nhé.

Các mẹ sữa, đừng nhìn vào cái cân nữa, hãy quan sát mọi khía cạnh của con!

Xem thêm bình luận