Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

11/2017

Giải pháp lý tưởng giúp mẹ bầu "đánh bay" cảm giác chán ăn trong thai kỳ

Tuân theo một chế độ dinh dưỡng tốt là điều cực kì cần thiết khi bạn có thai. Thai kì là một khoảng thời gian đặc biệt trong cuộc đời khi bạn được phép tăng cân và ăn 2 tiếng một lần! Nhưng khi bạn đang hào hứng chất chồng tủ lạnh bằng vô số các loại thức ăn lành mạnh, thì bạn lại phải đối mặt với một vấn đề “nan giải” khác khi mang bầu: Chán ăn. Chưa hết, vấn đề này còn đi kèm với tình trạng buồn nôn và tăng nhạy cảm với các loại mùi, ngay cả khi đó là món ăn yêu thích của bạn.

Việc tăng cân đủ là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang ăn đủ nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của em bé. Dựa vào cân nặng trước khi có thai, đa số phụ nữ cần tăng từ 11-15kg trong cả thai kì. 

Trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên, khi tình trạng nghén nặng nhất, có thể bạn chỉ tăng được khoảng 0.5-2 kg, hoặc thậm chí còn giảm cân. Nhưng đây không phải là vấn đề bạn cần quá lo lắng vì tại thời điểm này, thai nhi còn quá nhỏ và không cần quá nhiều chất dinh dưỡng. Thời gian này chỉ cần bạn uống đầy đủ vitamin và bổ sung đủ các loại chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai là đủ. 

Sau tam cá nguyệt thứ nhất, bạn nên tăng khoảng 0.5 kg/tuần. Nếu bạn vẫn bị chán ăn ở tam cá nguyệt thứ hai và vẫn không tăng đủ số cân cần thiết trong tam cá nguyệt thứ ba thì bạn cần phải trao đổi ngay chế độ ăn của bạn với bác sĩ sản.

Nếu bạn đang rơi vào tình trạng chán ăn trong thai kì thì hãy thử một sô cách để vượt qua tình trạng này ở từng tam cá nguyệt trong bài viết của Bibabo nhé!

1. Tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu)

- Hiện tượng chán ăn trong 3 tháng đầu

Chán ăn lúc này thường đi kèm với hiện tượng buồn nôn và nôn, khoảng 70-85% phụ nữ sẽ trải qua tình trạng này khi mang thai. Hiện tượng nghén có thể là một cách cơ thể bảo vệ bào thai khỏi các thực phẩm có nguy cơ có hại cho sức khỏe – đây có thể đó là lời giải thích cho việc bạn đột nhiên sợ một loại thực phẩm nào đó.

Nồng độ hormone trong cơ thể tăng cũng gây nên tình trạng buồn nôn và tăng nhạy cảm với mùi cũng như làm bạn chán ăn. Thậm chí có người còn có cảm giác như đang nếm vị đắng kim loại trong miệng.

- Các cách giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể trong giai đoạn này

  • Uống nhiều nước: Bạn nên uống ít nhất 8 cốc nước/ngày, nước gừng hoặc nước chanh có thể giúp bạn giảm cảm giác buồn nôn. Việc uống nhiều nước còn quan trọng hơn việc ăn nhiều.

  • Đừng ăn quá nhiều trong một bữa: Bạn nên ăn khoảng 6 bữa nhỏ 1 ngày thay vì ăn thật nhiều trong một bữa.

  • Ăn uống nhẹ nhàng: Trong ngày, bất kì lúc nào bạn cảm thấy dễ ăn nhất thì hãy cố gắng ăn nhiều protein và tinh bột nhất có thể để duy trì lượng đường huyết ổn định. Bạn có thể ăn hoa quả như chuối, trộn với sữa chua để bổ sung thêm canxi và protein. Bánh quy làm từ các loại hạt nguyên cám cũng là một món ăn tốt và giúp bạn giảm nghén.

  • Tránh các loại thức ăn có mùi mạnh: Bạn nên tránh các loại thức ăn nhiều chất béo và gia vị, nên ăn gà nướng hoặc xà lách cá hồi.

  • Ăn các món yêu thích: Chế độ ăn uống đa dạng là rất cần thiết khi mang thai, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy cải bó xôi khiến bạn thấy ghê cổ và bạn thích cải kale hơn, thì hãy cứ ăn cải kale. Bạn sẽ sớm thích cải bó xôi lại thôi.

Tuân theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học là việc làm cần thiết khi mang thai.

  • Thay đổi nhiệt độ thức ăn: Nhiều phụ nữ thích ăn đồ lạnh khi có bầu, số khác lại thích đồ nóng sốt. Hãy ăn theo sở thích của bạn.

  • Uống vitamin cho bà bầu: Hãy uống vitamin có DHA đều như bạn đánh răng hàng ngày vậy. Tốt nhất là nên uống vitamin 1 tháng trước khi có bầu hoặc càng sớm càng tốt sau khi phát hiện ra mình mang thai. Việc này sẽ giúp bổ sung các loại dinh dưỡng còn thiếu cho bạn và thai nhi.

  • Hỏi thêm sự trợ giúp: Để vượt qua các cơn buồn nôn, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc bổ sung thêm vitamin B6 hoặc một vài loại thuốc chống nôn nếu tình trạng buồn nôn và nôn của bạn quá nặng.

2. Tam cá nguyệt thứ 2

- Hiện tượng chán ăn “biến mất”

Nhiều phụ nữ cho rằng đây là quãng thời gian trang mật của thai kì. Với đa số các phụ nữ có thai, đây là thời điểm các cơn nghén giảm đi và biến mất, khẩu vị cũng quay trở lại. Và đây cũng là lúc bạn sẽ cảm thấy luôn thèm ăn hơn bình thường.

- Các cách giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể trong giai đoạn này

Đây là thời điểm bạn nên bổ sung nhiều canxi (1000 mg/ngày), protein (75 mg/ngày), bổ sung đủ folate (do đó nên chọn ăn nhiều loại rau xanh đậm và nhiều chất xơ, điều này còn giúp chống táo bón), và ăn ít nhất 2 bữa cá một tuần để bổ sung đủ omega 3 cho sự phát triển não bộ của thai nhi.

Tuy nhiên không phải ai cũng lấy lại được cảm giác thèm ăn tại giai đoạn này. Nếu bạn vẫn còn cảm giác nôn nao, thì hãy tiếp tục duy trì chế độ ăn như ở tam cá nguyệt đầu tiên, tức là uống nhiều nước, ăn nhiều bữa nhỏ, tránh các loại thức ăn nặng mùi và uống vitamin đầy đủ để cung cấp đủ dưỡng chất cho bạn và em bé của bạn.

Mẹ bầu nên uống đủ nước trong cả 3 tam cá nguyệt.

3. Tam cá nguyệt thứ 3

- Cảm giác thèm ăn quay trở lại

Trong suốt những tháng cuối thai kì, các cơn buồn nôn gần như đã biến mất hẳn, bụng bạn sẽ ngày một to hơn và bạn sẽ cảm thấy thèm ăn trở lại mặc dù mới ăn vài miếng đã thấy no.

Nguyên nhân của việc “ăn vài miếng đã thấy no” ở giai đoạn này là vì tử cung của bạn ngày một lớn gây chèn ép lên các bộ phận cơ thể khác, trong đó có dạ dày, làm cho dạ dày không còn được ở vị trí thông thường của nó nữa. Thêm vào đó là cảm giác trào ngược dạ dày và táo bón làm bạn luôn cảm thấy đầy bụng và không có nhu cầu ăn. Lúc này việc đảm bảo dinh dưỡng vẫn là một vấn đề vô cùng quan trọng.

- Làm gì để đảm bảo dinh dưỡng trong 3 tháng cuối

  • Ăn những bữa nhỏ: Bạn nên tiếp tục chế độ ăn như trong 12 tuần đầu tiên: Ăn những bữa nhỏ để luôn duy trì đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Bạn sẽ không thể ăn nhiều trong một bữa do dạ dày sẽ nhanh chóng bị đầy. Tuy nhiên do khẩu vị đã quay trở lại, bạn nên chú trọng ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng và chia tay với các loại đồ ăn ít calori.

  • Ăn nhiều chất xơ: Bạn nên tiếp tục ăn những thực phẩm giàu chất xơ (rau lá xanh, bánh mỳ ngũ cốc nguyên cám, bơ, măng tây và hạt hướng dương). Những thực phẩm này không những giúp bạn hạn chế tình trạng táo bón mà còn cung cấp nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho bạn và bé.

  • Vẫn cần tiếp tục uống nhiều nước và uống vitamin đều đặn trong giai đoạn này. Hãy cố gắng có một chế độ ăn uống lành mạnh để có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh!

Chúc các mẹ có một thai kì an toàn và hạnh phúc!


Xem thêm bình luận