Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

08/2018

Hiểu biết về lồi rốn- thoát vị rốn ở trẻ để không áp dụng những cách chữa sai lầm làm hại con trẻ


Trên thực tế, rất nhiều mẹ quan tâm tới vấn đề rốn của con lõm hay lồi. Không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ, ba mẹ ông bà còn lo lắng con gặp vấn đề về ruột và tiêu hóa. Từ đó, nhiều mẹ tìm cách để “chữa rốn lồi” cho con khiến con khó chịu, bị tổn thương da. Hôm nay, hãy cùng Bibabo tìm hiểu chi tiết về hiện tượng lồi rốn - thoát vị rốn để có thể biết tường tận và có cách ứng xử thích hợp khi con có rốn lồi nhé.

Thế nào là thoát vị rốn?

Thoát vị rốn là hệ quả của việc thành bụng của trẻ còn chưa đóng lại hết, chừa một cái lỗ ở ngay rốn, làm rốn thông với ổ bụng trong của trẻ qua cái lỗ này. Khi đó, một số cấu trúc trong bụng trẻ như mô mềm, mô mỡ, đôi khi là ruột non của trẻ cũng có thể lọt qua cái lỗ và làm phình rốn lên. Khi bé hoạt động mạnh gây tăng áp lực lên bụng như ho, ói, rặn đi cầu, đi tè thì các cấu trúc này càng bị đẩy qua lỗ, làm cục lồi bự hơn lên, trông rất “khó chịu”. Tuy nhiên khi lấy tay ấn vào, thì các cấu trúc linh động này lại bị đẩy ngược trở lại vào bụng, rốn xẹp đi một phần.

Tại sao trẻ bị thoát vị rốn?

Thoát vị rốn xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng phổ biến hơn cả ở trẻ sinh non, trẻ bị bệnh Down hoặc các bệnh lý đặc biệt khác làm gia tăng áp lực lên ổ bụng, làm nhão cơ thành bụng.

Thoát vị rốn có chữa được không?

Ngay khi thấy rốn con lồi lên như thế, mẹ bỉm sữa sẽ lo lắng và tìm nhiều cách để chữa cho con, trong đó các mẹ thường truyền tai nhau cách dùng đồng xu quấn vào băng gạc và buộc đè lên rốn của bé. Tuy nhiên các mẹ lại không hiểu được bản chất của vấn đề là do thành bụng chưa đóng lại hết nên việc chèn ép trên hoàn toàn không có tác dụng. Trẻ bị buộc bụng như vậy còn cảm thấy khó chịu, sẽ quấy khóc, vùng da bụng cũng bị tổn thương.

Trên thực tế, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm vì khi bé lớn dần lên, cơ bụng của bé cũng sẽ dần dần hoàn chỉnh và đa số các trường hợp sẽ tự đóng lại hoàn toàn. Có trên 90% trẻ bị thoát vị rốn sẽ tự hết khi trẻ được 2 tuổi.

Trường hợp thoát vị rốn nguy hiểm

Tuy rất hiếm, nhưng cũng có những trường hợp ruột lọt vào trong cục lồi, kẹt lại và gây đau, tắc ruột ở trẻ. Khi đó, mẹ ấn vào cục lồi nhưng không thấy thu nhỏ lại, trẻ đau, khó chịu, quấy khóc. Hoặc mẹ thấy bụng của con to tròn đầy hơn bình thường, vùng da của rốn lồi đổi sang màu đỏ, ói nhiều thì có thể trẻ bị nghẹt thoát vị rốn. Bạn cần ngay lập tức đưa con đi khám và điều trị theo chẩn đoán, chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ trên 2 tuổi mà mẹ thấy thoát vị rốn vẫn không biến mất thì nên đưa trẻ đi khám để xem xét đến khả năng phẫu thuật, đóng lỗ thành bụng lại. Nếu trẻ nhỏ hơn nhưng cục thoát vị quá lớn cũng được các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện phẫu thuật sớm.

Chăm sóc trẻ bị thoát vị rốn

Chữa khỏi thoát vị rốn là không thể, nhưng mẹ có thể thực hiện những việc sau để giúp cho cục thoát vị không lồi hơn nữa:

  • Chú ý vệ sinh cẩn thận vùng rốn như bình thường.

  • Hạn chế để trẻ khóc nhiều.

  • Cho trẻ ăn nhiều chất xơ để tránh phải rặn bụng mạnh, nhưng cũng lưu ý không quá nhiều dễ bị tiêu chảy.

  • Không được quấn chặt bụng con, vừa không giảm lồi rốn mà lại gây khó chịu cho bé.

Hi vọng với những gì Bibabo đã chia sẻ, các mẹ có con bị thoát vị rốn không quá hoang mang, lo lắng. Đồng thời các mẹ chuẩn bị đón con chào đời sẽ không vì để con “không bị lồi rốn” mà tác động đến quá trình rụng rốn của con. Chúc các mẹ khỏe, con ngoan!


Xem thêm bình luận