Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2018

Hiểu rõ về giấc ngủ của con - Mẹ cho bú đúng nhu cầu của trẻ


Ăn và Ngủ - đó là hai hoạt động chính quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời. Giấc ngủ có vai trò lớn lao trong sự phát triển về sức khỏe, trí não của trẻ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng giấc ngủ của trẻ sơ sinh khác hoàn toàn so với người lớn, cả từ cấu trúc của giấc ngủ đến cách đi vào giấc ngủ. Chính vì vậy, mẹ sữa cần nắm rõ về giấc ngủ của trẻ để cho bú đúng cách, cân bằng nhu cầu Ăn và Ngủ của con.

Tại sao chúng ta cần phải ngủ?

Các mẹ sữa có biết rằng, đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được lý do tại sao chúng ta phải ngủ? Tuy nhiên, lợi ích của giấc ngủ thì đã được tìm ra. Việc ngủ tốt sẽ hỗ trợ quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch, tốc độ chuyển hóa các chất, trí nhớ, học hỏi và những hoạt động thiết yếu khác. Kỷ lục thế giới về người thức lâu nhất thuộc về  Randy Gardner, lập vào năm 1965. Ông đã không ngủ liên tục trong 11 ngày 24 phút. Tuy nhiên, Randy Gardner đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng: mất tập trung, giảm trí nhớ, ảo giác và cả hoang tưởng…

Còn đối với trẻ em nói chung, trẻ sơ sinh nói riêng, giấc ngủ là một hoạt động giúp tối ưu hóa tăng trưởng, phát triển và não bộ. Hiểu rõ về giấc ngủ của con giúp mẹ thiết lập được thói quen ngủ khỏe mạnh, lịch sinh hoạt Ăn - Ngủ tốt nhất cho con.

Trẻ sơ sinh cần bao nhiêu thời gian để ngủ?

Trước hết mẹ cần hiểu, trong nhu cầu ngủ hoặc bất cứ nhu cầu nào khác của con, mỗi trẻ đều có các “mức” khác nhau. Có trẻ ngủ nhiều, cũng có trẻ ngủ ít hơn hẳn. Số liệu dưới đây là thời gian Trung Bình mà trẻ sơ sinh ngủ một ngày 24 tiếng, cả ban ngày và ban đêm:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: 16-18 giờ (mỗi giấc khoảng 3-4 tiếng).

  • Trẻ từ 2-6 tháng tuổi:  14-16 giờ/ngày.

  • Trẻ 6 tháng- 1 tuổi: 14 giờ/ngày.

  • Trẻ 1-3 tuổi: 10-13 giờ/ngày.

  • Trẻ 3-5 tuổi: 10-12 giờ/ngày.

  • Trẻ 5-10 tuổi: 10-12 giờ/ngày.

  • Trẻ 10-18 tuổi: 8-9 giờ/ngày.

Giấc ngủ của con trẻ có gì đặc biệt?

Đầu tiên mẹ cần biết về cấu trúc của một giấc ngủ trước nhé. Mỗi giấc ngủ đều gồm nhiều “chu kì ngủ”. Mỗi chu kỳ ngủ gồm có 2 giai đoạn là Ngủ sâu và Ngủ động. Giai đoạn ngủ sâu có 4 thì gồm: thì đầu tiên chúng ta buồn ngủ, díp mắt lại; thì thứ 2 là ngủ nông, hay cựa quậy người và dễ tỉnh nếu có tiếng động; thì thứ 3 và thứ 4 sẽ là ngủ sâu và rất sâu mà ông bà thường nói là “trời có sập cũng không chịu tỉnh” đấy ạ. Còn giai đoạn ngủ động chính là khoảng thời gian của những giấc mơ, não hoạt động nhiều và cũng rất dễ tỉnh ngủ nếu có động tĩnh nhỏ. Mẹ có nhớ giấc mơ đêm qua? Nó chỉ là giấc mơ cuối cùng của mẹ trong nhiều giấc mơ mẹ đã có nhé.

Đối với người lớn, một chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 90 phút, trong đó ¾ thời gian là ngủ sâu và ¼ thời gian là ngủ động. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh 6 tháng đầu đời, chu kì ngủ của con sẽ chỉ từ 20-50 phút mà thôi. Đồng thời có tới 50% là thời gian ngủ động. Khi ngủ động, con được kích thích và hoàn thiện quá trình phát triển não bộ. Đúng là “con ngủ nhiều sẽ thông minh” các mẹ sữa ạ.

Con ngủ động và những gì mẹ hay lầm tưởng

Nếu không biết về chuyện ‘ngủ động” này của con, chắc chắn ba mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và bối rối khó hiểu, lo lắng, chán nản. Tại sao ư? Tại vì có cảm giác con mình ngủ rất ít, dễ thức dậy. Vừa mới dỗ ngủ đây thôi, đặt xuống giường một cái, chưa kịp đặt cái chân xuống giường thì đã thấy con giật mình đánh thót mà thức dậy, ọ ẹ lên chỉ vì...ván giường két nhẹ theo cái xoay người của mẹ. Mẹ cũng thấy con vặn vẹo người, trở mình thường xuyên và kết luận ngay lập tức là con thiếu canxi, vitamin D mà không biết rằng đây là một biểu hiện hoàn toàn bình thường của con.

Và rồi mẹ thấy mình “thất bại” quá, con bú sữa mẹ mà ngủ kém trong khi con người ta bú sữa công thức ngủ ngoan ơi là ngoan. Thế là mẹ bắt đầu nghĩ cách đút con ăn sữa công thức, thật sai lầm!

Hiểu giấc ngủ của con- Cho con bú đúng nhu cầu, đúng thời điểm

Khi con đang ngủ mà cảm thấy đói, con sẽ thức dậy đòi bú bất kể thời gian lúc đó là ban ngày hay ban đêm, là lúc mẹ vừa cho con ăn và tưởng con đã “no” hay lúc mẹ đang sốt ruột nóng gan vì mãi chưa thấy con dậy đòi ăn. Vậy nên mẹ cần chiều theo nhu cầu và bản năng của con nhé, nhất là trong 6 tháng đầu đời. Nếu thấy con ngủ quá lâu mà không thèm dậy bú, mẹ hãy tìm cách đánh thức con dậy để cho bú đủ lượng cần thiết trong ngày nhé. Mẹ hãy lựa thời điểm con lơ mơ tỉnh lại, chưa la khóc để cho con bú ngay vì nếu để đến lúc con khóc to vì quá đói rồi thì sẽ rất khó khăn để cho con bú.

Mẹ an tâm bởi sau khoảng 3 tháng tuổi, giấc ngủ của con sẽ từ từ ổn định hơn, thời gian ngủ sâu dài ra, ngủ động ngắn lại và sau 6 tháng thì giấc ngủ đã có cấu trúc giống như người lớn. Mẹ sữa cố gắng đừng can thiệp điều chỉnh giấc ngủ của con theo ý muốn của ba mẹ trước 6 tháng tuổi nhé.

Xem thêm bình luận