Tài khoản

user_avatar
❤ Mẹ Dory ❤   

Mang thai 39 tuần.

08/2019

Hướng dẫn cách rặn và thở khi sinh thường

1. Hướng dẫn cách thở khi sinh thường

Trước khi đến với cách rặn và thở đúng, chúng ta cần hiểu biết về cơn co tử cung. Cơn co tử cung có tính chất chu kỳ và thường gồm 3 thì sau:

  • Thì co: Bụng của thai phụ thường có cảm giác cứng lên và cơn đau tăng dần
  • Thì kéo dài: Cảm giác đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài.
  • Thì nghỉ: Cơn đau bụng sẽ giảm dần và có thể không còn cảm giác đau nữa. Đây chính là khoảng cách giữa các cơn gò tử cung và là thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực chuẩn bị cho cơn đau tiếp theo.

Thai phụ cần tập trung dựa vào chu kỳ của cơn gò tử cung để thở đúng cách:

  • Lúc cảm thấy cơn đau, tức là có cơn co bắt đầu xuất hiện. Thai phụ nên thở nhanh dần, hít bằng mũi và thở ra bằng miệng. Đến khi cơn đau tăng dần, thai phụ sẽ thở nhanh và nông hơn, thở làm sao tạo được tiếng rít như tiếng huýt sáo nhỏ là được.
  • Khi cơn đau giảm dần thì thai phụ nên thở chậm hơn, sâu hơn, vừa thở vừa thư giãn, để lấy lại năng lượng chuẩn bị cho cơn co tử cung kế tiếp.



sinh thường
Thai phụ nên thở nhanh dần, hít bằng mũi và thở ra bằng miệng khi thấy cơn đau



2. Hướng dẫn cách rặn khi sinh thường

Rặn đúng cách không chỉ giúp đẩy thai ra ngoài dễ dàng mà còn giúp thai phụ tiết kiệm sức lực. Nếu rặn không đúng thì quá trình sinh sẽ kéo dài khiến mẹ bị mất sức, bé có thể bị ngạt vì không kịp ra ngoài và cần phải có sự can thiệp của các phương pháp khác. Để rặn hiệu qủa, thai phụ nên lưu ý theo các hướng dẫn sau:

  • Khi sinh sản phụ sẽ cần nằm đầu cao một góc khoảng 45 độ, mông hơi nâng cao lên. Hai chân đạp vào 2 bàn đỡ và hai tay nắm chặt lấy 2 thành của bàn sinh.
  • Khi cảm nhận được cơn gò tử cung, mẹ cần hít sâu một hơi thật sâu rồi dồn hơi rặn mạnh để dồn hơi xuống vùng bụng dưới giúp đẩy bé ra. Lưu ý khi thai phụ cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi không còn cảm thấy đau nữa. Khi rặn thai phụ phải cố gắng dồn hơi xuống bụng và không nên phát ra âm thanh.
  • Rặn khi cơn co tử cung đang diễn ra mới mang lại hiệu quả cao. Sự kết hợp giữa lực của cơn gò tử cung, lực rặn của sản phụ và và lực đẩy của nhân viên y tế sẽ giúp bé ra đời tự nhiên một cách dễ dàng.
  • Giữa 2 cơn gò tử cung, mẹ nên thư giãn, hít vào thở ra đều đặn, nhịp nhàng để lấy sức chuẩn bị cho cơn gò kế tiếp.



sinh thường
Khi sinh sản phụ sẽ cần nằm đầu cao một góc khoảng 45 độ, mông hơi nâng cao lên. Hai chân đạp vào 2 bàn đỡ và hai tay nắm chặt lấy 2 thành của bàn sinh



3. Những lưu ý nhỏ trong quá trình sinh thường

  • Ở người mới sinh con lần đầu (sinh con so), quá trình rặn sinh thường kéo dài từ 30 - 40 phút. Còn ở người sinh con rạ thì quá trình này có thể ngắn hơn và thường kéo dài từ 20 - 30 phút.
  • Trước khi sinh, thai phụ có thể luyện tập cách thở theo hướng dẫn bên trên và đừng nên quá căng thẳng, lo lắng mà hãy hít thở đều đặn và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nếu đây là lần đầu sản phụ sinh thường, tầng sinh môn còn khá chắc nên bác sĩ sẽ phải cắt tầng sinh môn để giúp đường ra của em bé rộng hơn, bé dễ ra hơn và hạn chế tối đa các sang chấn ở vùng đầu của bé. Ngoài ra, việc cắt tầng sinh môn cũng giúp tránh trường hợp tầng sinh môn bị rách, dẫn đến mất thẩm mỹ và tổn thương cơ vòng hậu môn.

Quá trình mang thai và sinh con khiến người mẹ thay đổi rất nhiều từ ngoại hình đến tâm sinh lý. Chính vì vậy, việc trang bị cho mình những kiến thức trong thai kỳ và chăm sóc bé là điều cực kỳ cần thiết.

--- Nguồn - Vinmec international hospital. ---