Tài khoản

user_avatar
BIBABO - ĂN DẶM   

An tâm làm mẹ.

07/2017

Hướng dẫn mẹ cho bé ăn dặm kết hợp với phương pháp ăn dặm bé chỉ huy - BLW (P1) Đã được sửa

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy Baby Led Weaning (BLW) là một phương pháp có đặc điểm trái ngược với quan niệm và hiểu biết thông thường về vấn đề ăn dặm của bé, do đó các bà mẹ chọn cho con ăn dặm theo phương pháp này thường bị gia đình phản đối kịch liệt. 

Để dung hòa quyết tâm của bản thân và mong muốn của cả gia đình, nhiều mẹ đã chọn cách áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu mẹ, hay còn gọi là ăn dặm 2 trong 1, tức là kết hợp ăn dặm bé chỉ huy (để bé tự ăn) cùng với một phương pháp ăn dặm do mẹ đút khác. 


1. Mẹ có thể kết hợp BLW cùng với các phương pháp sau:
- Ăn dặm kiểu Nhật: Được khuyến khích.
- Ăn dặm truyền thống phương Tây: Được khuyến khích.
- Ăn dặm truyền thống Việt Nam: Sẽ phải điều chỉnh rất nhiều khi kết hợp cùng với ăn dặm bé chỉ huy.


2. Lộ trình ăn dặm kết hợp  

a. Thời điểm kết hợp: Ngay từ khi bé có biểu hiện sẵn sàng ăn dặm.
Nếu mẹ chọn ăn dặm kiểu Nhật mà thấy bé vẫn chưa có biểu hiện sẵn sàng ăn dặm bé chỉ huy thì có thể cho bé ăn dặm kiểu Nhật trước, đến khi bé có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm bé chỉ huy thì bắt đầu cho bé tập ăn.
b. Giai đoạn từ 6 (hoặc 5) - 8 tháng: Bé được mẹ cho ăn bữa đút và bữa BLW tách riêng. Nhiều mẹ cảm thấy thích cho bé ăn BLW và đút trong cùng 1 bữa ăn vào thời điểm này, tuy nhiên, dưới đây là những nguyên nhân khiến cho cách làm này không được khuyến khích:
- Khi trong một bữa bé vừa được mẹ đút, vừa tự bốc thức ăn thì bé sẽ cảm thấy bối rối, không nên ăn như thế nào mới đúng. Hệ quả là có thể khiến bé từ chối cả 2 phương pháp tập ăn.
- Tâm lý của mẹ thường không vững vàng nên khi đút cho con ăn thường mong con ăn nhiều hơn bình thường, hệ quả là chỉ tập trung đút cho con, khiến bé cũng chỉ tập trung vào việc được đút ăn có quá ít thời gian tập tự bốc, hoặc bé có thể thấy việc tự xử lý thức ăn phiền phức hơn được đút ăn và sẽ không chịu tập BLW nữa. Ngược lại, nếu bé thích tập bốc hơn mà mẹ cứ cố gắng đút cho bé thì bé sẽ có phản ứng chống đối như la hét, quấy khóc, và đòi ra ghế ăn khiến buổi ăn trở thành trải nghiệm khó chịu của cả mẹ và bé. Nghiêm trọng hơn, có thể mẹ sẽ ép con ăn.  
- Mẹ vừa đút cho con ăn vừa cho con nghịch thức ăn có thể khiến con nghĩ rằng thức ăn là đồ chơi, nên sẽ không tập trung tìm hiểu cách xử lý thức ăn và ăn thực sự, tạo thái độ vừa ăn vừa chơi cho bé.
Do đó, mẹ cần tách riêng bữa đút thìa và bữa BLW cho bé, để hỗ trợ bé tập trung khám phá và tập trung ăn hơn. Cũng giúp bé có thể lựa chọn được kiểu ăn dặm mà bé thích. 

c. Giai đoạn 8 tháng trở lên: Do lúc này bé đã quen thuộc với cả 2 phương pháp và đã phân biệt được rõ khi tập ăn BLW và khi được đút, kỹ năng xử lý thức ăn của bé cũng phát triển hơn, nên nếu mẹ muốn kết hợp cả tập BLW và ăn đút trong cùng một bữa thì mẹ đã có thể áp dụng được mà không khiến bé bối rối. 

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý là không vừa cho bé ăn vừa cho bé tập BLW, mà vẫn nên phân chia thành 2 phần - giả sử mẹ đút cho bé trong khoảng 10 -15 phút sau đó cho bé tập BLW trong 10-15 phút tiếp theo, hoặc ngược lại bé tập BLW trước rồi mới được mẹ đút.
Lý tưởng nhất là mẹ vẫn tách riêng bữa đút và bữa BLW cho bé. 

d. Giai đoạn 9.5 tháng trở lên: Đâu đó trong khoảng thời gian này, bé sẽ bắt đầu tự lựa chọn kiểu ăn dặm mà bé thích và chỉ ăn dặm theo kiểu đó, từ chối ăn theo cách còn lại. Một số bé thì khăng khăng tự ăn, một số bé lại muốn được mẹ đút hơn. Hãy tôn trọng bé. 

Mẹ chỉ cần luôn giữ vững những nguyên tắc ăn dặm tích cực giúp con ăn ngoan, vui vẻ thì dù bé ăn dặm theo kiểu nào, con vẫn sẽ phát triển được hết các kỹ năng của mình và có niềm vui ăn uống. Nếu như bé lựa chọn chỉ theo một kiểu ăn dặm thì mẹ hãy áp dụng nguyên tắc cho ăn của từng phương pháp để cho bé ăn.

3. Độ thô của thực phẩm

Vì các bé ăn dặm theo phương pháp bé chỉ huy được chú trọng tập kỹ năng với thức ăn thô ngay từ đầu, nên kỹ năng xử lý thức ăn của các bé thường luôn tốt hơn so với các bạn ăn theo phương pháp ăn dặm khác. Do đó, khi kết hợp ăn BLW và ăn đút, mẹ cũng cần lưu ý quan sát khả năng xử lý thức ăn THỰC SỰ của bé để chuyển giai đoạn ăn đút và chế biến món ăn đút cho hợp lý.
Ví dụ: Một em bé được ăn dặm bé chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật, khi bé được 7.5 tháng tuổi mà bé đã có thể cầm thức ăn nhai nuốt tốt, hầu như không bị ọe và biết bốc nhón thì mẹ hoàn toàn có thể "nhảy cóc" sang giai đoạn 3 của ăn dặm kiểu Nhật và chế biến độ cứng cùng hình dáng thức ăn theo giai đoạn 3 đó. Làm tương tự với các phương pháp khác. 

Trong số các phương pháp ăn dặm có thể kết hợp với BLW thì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là lựa chọn tối ưu nhất. Bởi vì ăn dặm kiểu Nhật cũng tách riêng các món, do đó bé có thể cảm nhận được mùi vị nguyên thủy của từng món ăn và dễ dàng nhận ra nét tương đồng với BLW.


Mời các mẹ xem tiếp phần 2 tại Hướng dẫn mẹ cho bé ăn dặm kết hợp với phương pháp ăn dặm bé chỉ huy - BLW (P2)