Tài khoản

user_avatar
BIBABO - ĂN DẶM   

An tâm làm mẹ.

07/2017

Hướng dẫn mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 5-6 tháng (P1) Đã được sửa

Vậy là bé đã tròn 6 tháng tuổi và có đủ các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm. Mẹ quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp Ăn dặm Kiểu Nhật và đã tìm hiểu đầy đủ những điều cần lưu ý khi cho bé ăn. Mẹ đã mua sắm xong dụng cụ chế biến và cho ăn, mẹ cũng đã nấu xong món cháo thơm ngon, và rây xong cháo rồi. Giờ thì, hãy bắt đầu cho bé ăn dặm bữa đầu tiên thôi nào! 



Trước khi cho bé ăn, mẹ hãy nhớ: 

 

Giai đoạn 1 (bé 5-6 tháng): Bé nuốt chửng

- Thực phẩm chính: Sữa mẹ/ sữa công thức 

- Thực phẩm bổ sung: Chất đường bột (cháo gạo, cháo bánh mì...), rau, củ quả, đạm dễ tiêu (cá thịt trắng, đậu phụ: ở nửa sau  giai đoạn). Thức ăn để riêng từng món.  

- Dạng thức ăn:  Nửa đầu giai đoạn: Loãng, sánh hơn sữa. Nửa sau giai đoạn: Mịn, hơi đặc lại như sữa chua quậy đều. 

- Số bữa ăn dặm trong ngày: Nửa đầu giai đoạn: 1 bữa. Nữa sau giai đoạn: 2 bữa 

- Kỹ năng của bé: Khi đưa thức ăn vào mồm bé, bé sẽ có phản ứng ngậm mồm lại và nuốt
Lưỡi có phản xạ đưa và đẩy thức ăn từ đằng trước ra đằng sau và nuốt chửng.

- Lịch ăn gợi ý:
  • Nửa đầu giai đoạn: 6h: Sữa - 10h: Ăn dặm Sữa - 14h: Sữa - 18h: Sữa - 18h đến sáng hôm sau: bú sữa theo nhu cầu.
  • Nửa sau giai đoạn: 6h: Sữa - 10h: Ăn dặm Sữa - 14h: Sữa - 18h: Ăn dặm Sữa - 18h đến sáng hôm sau: bú sữa theo nhu cầu.


Làm quen với ghế ăn

Nhiệm vụ đầu tiên của mẹ trước khi cho bé ăn dặm đó là cho bé tập làm quen với ghế ăn. Mẹ nên cho bé tập ghế ăn trước khi bắt đầu ăn dặm khoảng 1 tuần hoặc hơn, để bé có thời gian làm quen với người bạn mới của mình. Mẹ có thể tham khảo cách cho bé ngồi ghế ăn tại bài viết Bibabo "mách" mẹ vài chiêu giúp bé làm quen với ghế ăn dặm nhé!
Nếu mẹ vẫn băn khoăn chưa biết chọn ghế ăn nào, mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau đây của Bibabo:

Lợi ích của ghế ăn dặm, mẹ đã biết chưa?

Đánh giá một số loại ghế ăn dặm phổ biến


Chuẩn bị cho giai đoạn ăn dặm

Mẹ nên chọn một cữ sữa của con để cho con ăn dặm trước khi bé bú sữa thay vì tăng thêm một bữa ăn nữa cho bé, điều này có thể khiến bé bị quá tải, no bụng và không hào hứng với thức ăn. Ngay sau khi bé ăn xong, mẹ vẫn cho bé bú sữa theo nhu cầu của bé và bữa ăn (dặm sữa) chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút.
Thời gian ăn dặm ban đầu của bé nên vào buổi sáng, để nếu có phản ứng dị ứng, mẹ có thể đưa đi kiểm tra kịp thời. 

 

Lượng ăn và số bữa ăn trong những ngày đầu tiên
Trong các tài liệu về ăn dặm kiểu Nhật, lượng ăn và số bữa ăn của bé đã được quy định rõ ràng, cụ thể, mẹ chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn là được.  
Mẹ vẫn nên tuân thủ nguyên tắc phòng tránh dị ứng cho bé, đó là mỗi thực phẩm mới cho bé ăn thử liên tục ít nhất 3 ngày, và chỉ thử 1 thực phẩm mới/ngày thôi nhé. Chi tiết mẹ có thể tham khảo tại bài viết Phòng tránh dị ứng thực phẩm cho trẻ ăn dặm.
Ở tuần đầu tiên ăn dặm kiểu Nhật, mẹ có thể cho bé ăn với lượng như sau:
- Ngày 1-3: Nhóm tinh bột: 1 thìa canh (15ml)

- Ngày 4-5: Nhóm tinh bột: 2-3 thìa canh (15ml) - Nhóm rau, củ, quả: 1 thìa canh (15ml)
- Ngày 6-8: Nhóm tinh bột: Trên 2 thìa canh, theo nhu cầu của bé - Nhóm rau, củ, quả: 2-3 thìa canh (15ml) - Nhóm đạm: Đậu phụ/Cá thịt trắng rây mịn: 1 thìa canh (15ml).
Các ngày tiếp theo lượng thực phẩm tăng dần, nhưng vẫn dựa vào nhu cầu của bé.
Lưu ý: Đây chỉ là hướng dẫn tham khảo, lượng ăn thực tế tùy thuộc vào nhu cầu ăn dặm của mỗi bé. Mẹ hãy ghi nhớ và đừng ép bé ăn hết suất khi bé đã có biểu hiện no rồi nhé.
Về số bữa ăn, ở nửa đầu của giai đoạn 1, mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa/ngày, để bé tập làm quen với thìa và thức ăn thô là chính. Sau khi bé đã quen hơn, mẹ có thể tăng lên 2 bữa/ngày vào nửa sau của giai đoạn.


Mời mẹ xem tiếp Phần 2 tại Hướng dẫn mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 5-6 tháng (P2)