Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2018

Mẹ chủng ngừa, uống thuốc khi cho con bú: Những lời “dọa dẫm” quá mức và sự thực

Mẹ và trẻ sơ sinh có mối dây liên hệ mật thiết trong suốt quá trình mang thai và chăm sóc sơ sinh, nuôi con bú. Những gì cơ thể mẹ tiếp nhận sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất và lượng sữa dành cho con yêu, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến trẻ. Cho con bú, mẹ phải cẩn trọng trong từng loại thực phẩm ăn hàng ngày, từng loại dinh dưỡng bổ sung và đặc biệt là các loại thuốc phòng chống, chữa bệnh nếu chẳng may mẹ mắc phải. Lời khuyên chính xác nhất nếu mẹ muốn phòng bệnh hay chữa bệnh giai đoạn này, đó là xin tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ có chuyên môn. Đừng bị ảnh hưởng từ những lời “dọa dẫm” nghiêm trọng mà từ bỏ cơ hội được mau khỏi bệnh, không bị giảm năng suất tiết sữa mà con thì vẫn an toàn, khỏe mạnh mẹ nhé.

Dùng thuốc trong thời gian cho con bú

Các mẹ chẳng may mắc phải một căn bệnh nào đó, dù nhẹ hay nặng trong thời gian cho con bú đều vô cùng lo lắng bởi các cảnh báo đã được nghe về sự ảnh hưởng của thuốc chữa bệnh truyền từ mẹ sang con qua sữa. Mẹ thường phân vân và chọn một trong hai phương án sau: Hoặc không dám uống bất kỳ một loại thuốc nào, hoặc ngừng cho con bú để đợi đến khi khỏi bệnh. Hai cách trên đều không khoa học một chút nào cả. Tại sao ư?

Một là, cơ chế “thấm vào sữa mẹ” của các loại thuốc khác nhau là khác nhau. Có loại thuốc dễ thấm vào sữa mẹ, có loại thì không. Cũng có loại đã thấm vào sữa mẹ nhưng sau đó lại đi ra máu, và sau vài giờ uống thuốc thì mẹ có thể cho con bú tiếp bình thường. Trên thực tế, chỉ có các chế phẩm thuốc chứa hợp chất phóng xạ và một số ít các loại thuốc có chống chỉ định với bà mẹ cho con bú (không tốt cho mẹ) hoặc không tốt cho bé bú mẹ mà thôi.

Hai là, khi trẻ được bú mẹ, trẻ sẽ được hưởng những kháng thể chống lại chính căn bệnh của mẹ, mà thường mầm bệnh/ yếu tố gây bệnh cũng xuất hiện bên cạnh con. Hệ miễn dịch thích ứng của mẹ sẽ trở thành của con qua sữa mẹ.

Những lưu ý khi dùng thuốc trong thời gian cho con bú

Đầu tiên, mẹ hãy xem xét các yếu tố sau để xem mình có nên dùng thuốc hay không?

  • Có nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị Loại bệnh đó?

  • Thuốc có làm giảm tiết sữa hay không?

  • Nồng độ thuốc vào sữa mẹ ở mức nào?

  • Có liệu pháp nào có thể trì hoãn việc dùng thuốc mà vẫn chữa được bệnh không?

Nếu mẹ bắt buộc phải dùng thuốc thì hãy cân nhắc các yếu tố tiếp theo:

  • Khả năng tiết dược chất vào sữa mẹ: Chất không ion hóa, trọng lượng phân tử nhỏ, phân bổ thưa, khả năng bám vào protein trong máu mẹ thấp nhưng hòa tan trong mỡ cao sẽ dễ đi vào sữa mẹ hơn. Chất có thời gian bán thải dài sẽ ở trong sữa mẹ lâu hơn.

  • Đường tiếp nhận thuốc như tiêm, uống, thoa, hít… Thuốc dạng uống sẽ có khả năng vào sữa mẹ cao hơn.

  • Liều lượng và thời gian điều trị.

  • Khả năng hấp thụ vào bé và tác hại (nếu có) từ các nghiên cứu trước đây.

  • Thể trạng của bé: bé bao nhiêu ngày/tháng tuổi? Có bệnh lý gì không? Những bé sinh non, còn ít tháng có thể bị tác động khác với các bé lớn hơn, khỏe mạnh hơn.

Làm sao để mẹ có thể biết được tất cả những thông tin quá “khoa học” và bằng chứng nghiên cứu như trên? Hãy đi khám và thảo luận với bác sĩ, nói rõ rằng mình đang cho con bú. Đồng thời, mẹ hãy đọc kỹ thông tin trong mục “Chống chỉ định” trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng nhé.

Mẹ cho con bú có được chủng ngừa?

Mẹ hoàn toàn có thể tiêm vắc xin, chủng ngừa khi khu vực sinh sống có nguy cơ phát dịch cao, trong mùa dịch, đi qua vùng phát dịch… Một số loại vắc xin còn được khuyến khích dùng cho các bà mẹ trong thời kỳ hậu sản, chăm sóc trẻ sơ sinh như uốn ván, bạch hầu, ho gà, cúm để bảo vệ toàn diện cho cả mẹ và con. Ngoài ra, các mũi tiêm nhắc lại của HPV, viêm gan A, viêm gan B vẫn có thể được tiêm cho mẹ trong thời gian cho con bú.

Các loại vắc xin bất hoạt không hề gây ảnh hưởng gì cho bé bú mẹ, nhưng vắc xin sống sẽ tiết virus và trong sữa mẹ. Thậm chí, vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella khi được tiêm cho mẹ sẽ tiết virus rubella vào sữa mẹ nhưng bé thường không có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc chỉ nhiễm rất nhẹ. Mẹ chỉ cần thận trọng khi quyết định chủng ngừa nếu con mình sinh non, có bệnh tim bẩm sinh hay có vấn đề hô hấp mãn tính).

Vắc xin viêm não Nhật Bản và lao không nên tiêm bởi chưa có đánh giá cụ thể nào. Quan trọng nhất, vắc xin Đậu mùa và Sốt vàng da tuyệt đối không được tiêm bởi đã có nghiên cứu chỉ ra khả năng cao ảnh hưởng đến con đang bú mẹ với các loại vắc xin này.

Lời khuyên duy nhất dành cho mẹ: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc hoặc chủng ngừa trong thời gian mang thai và cho con bú nhé!