Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2018

Móng giò có thực sự lợi sữa như dân gian vẫn quan niệm?

Mong muốn mang lại những phân tích khoa học về mọi yếu tố tác động đến quá trình nuôi con sữa mẹ của các mẹ bỉm sữa, Bibabo gửi đến các mẹ bài viết dựa trên một cái nhìn mới về một quan niệm truyền thống: Mẹ sau sinh ăn móng giò lợi sữa. Nếu có tác dụng thực sự, tại sao nhiều mẹ vẫn không thấy sữa về sau những ngày triền miên ăn móng giò hầm? Tại sao có những mẹ chỉ ăn một bữa đã thấy sữa căng tức ngực? Các mẹ sữa hãy cùng tìm hiểu.

Móng giò lợi sữa

Từ ngày xửa ngày xưa, các bà các mẹ trong nhà đã truyền tai nhau về món ăn lợi sữa dành cho bà bầu: Móng giò hầm đu đủ xanh. Ngay sau khi sinh, các mẹ đã được hầm cho một bát canh sánh đặc với những lát đu đủ mềm, những miếng chân giò ngân ngấn mỡ. Nhất là các mẹ chỉ thấy ra chút ít sữa non, vắt mãi mà lượng sữa ra không đầy được một cái cốc con con. Mấy ngày đầu tiên ở cữ đó, sớm trưa chiều tối các mẹ đều ăn móng giò hầm. Và rồi độ khoảng 3 ngày sau, sữa về ào ạt ướt cả áo, cả nhà đinh ninh công đầu thuộc về món móng giò hầm đu đủ kia. Có nhiều nhà không hầm móng heo thì chuyển sang cả móng dê, móng chó, móng bò và nghiễm nhiên, món ăn này được vang danh từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ mẹ từng sinh tới mẹ sắp sinh.

Vậy nhưng tại sao có những mẹ ăn mãi, ăn tới ngán mà sữa vẫn không về? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “sữa về” theo giai đoạn và phụ thuộc vào lượng hormone tiết ra trong cơ thể mẹ.

Cơ chế tạo sữa của mẹ

3 giai đoạn tạo sữa của mẹ bầu bắt đầu từ tuần thứ 16-20 của thai kỳ cho tới khi mẹ quyết định cai sữa cho con. Cụ thể là:

  • Giai đoạn 1: Tạo sữa vàng đầu tiên. Từ tuần thứ 16-20 của thai kỳ đến khoảng 72 giờ sau sinh, bầu ngực của mẹ sẽ tạo ra sữa non, loại sữa giàu dưỡng chất nhất, món quà quý giá nhất mà mẹ trao cho con lúc chào đời.

  • Giai đoạn 2: Từ khoảng 72 giờ sau sinh đến tuần thứ 6, mẹ sẽ chuyển sang tiết sữa già. Dòng sữa dồi dào về một cách ồ ạt khiến bầu vú mẹ thường xuyên cương cứng, chảy tràn, mẹ chỉ cần nghĩ đến con thôi cũng ướt áo.

  • Giai đoạn 3: Bắt đầu từ tuần thứ 6 cho đến khi cai sữa, mẹ sẽ tiếp tục sản xuất sữa đều đặn tùy thuộc theo nhu cầu ăn của con. Con bú nhiều thì sữa nhiều, con bú ít thì sữa ít.

Có nhiều hormone tham gia vào quá trình tạo sữa. Trong đó, chỉ cần trong 72 giờ sau sinh, mẹ được da tiếp da với con, ôm ấp, thủ thỉ với con, cho con mút núm vú mẹ liên tục trong các ngày tiếp theo thì lượng hormone Oxytocin tạo sữa sẽ gia tăng và kích hoạt giai đoạn tạo sữa thứ 2, tức là “sữa về”.

Nếu móng giò không lợi sữa, vậy chế độ ăn uống ảnh hưởng thế nào đến quá trình tạo sữa mẹ?

Như đã trình bày ở trên, hormone quyết định gần như hoàn toàn khả năng tạo sữa của mẹ. Trong đó, hormone tạo sữa Prolactin lại có một tương quan thú vị với hormone ngon miệng Dopamine. Khi mẹ sữa được ăn một món ăn ngon, mẹ thích ăn thì Dopamine sẽ tăng tạo cảm giác “ngon miệng”, còn khi ăn quá nhiều một món ăn, ăn món bị ép buộc, lượng hormone này sẽ giảm và tạo cảm giác “chán”. Điều thú vị ở đây chính là Dopamine ức chế Prolactin. Nhưng ngay sau khi ăn ngon miệng và Dopamine đạt mức cao nhất, nó sẽ giảm mạnh xuống và khiến cho Prolactin trỗi dậy. Vậy nên sau khi được ăn ngon miệng, mẹ sẽ sản xuất được nhiều sữa hơn, nhanh hơn.

Cơ chế này chứng minh điều gì? Đó là nếu mẹ sữa thích ăn món móng giò hầm nhưng không được ăn thường xuyên (trước sinh chẳng hạn) thì sau khi sinh, mẹ ăn xong món này sẽ có cảm giác sữa nhiều trở lại. Nhưng nếu mẹ cực ghét móng giò nhưng lại bị ép ăn để lợi sữa, thì cảm giác chán ngấy cũng sẽ không khiến lượng sữa sản sinh tăng lên được.

Vậy mẹ cần ăn uống thế nào để gọi sữa về?

Điều quan trọng nhất ở đây là đảm bảo mẹ ngon miệng, cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn khi ăn uống, ăn nhiều chất xơ, thường xuyên thay đổi món cho đỡ ngán và các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuân theo quy luật tự nhiên và giữ tinh thần luôn thoải mái sẽ giúp mẹ chuyển giai đoạn tạo sữa dễ dàng hơn.

Còn các mẹ thì sao? Các mẹ có cho rằng móng giò hầm thực sự có lợi cho việc tạo sữa? Hãy bày tỏ ý kiến của mình cho cả cộng đồng cùng bàn luận và chia sẻ nhé!


Xem thêm bình luận