Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

09/2017

Những điều mẹ cần biết về ngôi thai (P1): Khi nào con quay đầu và các kiểu ngôi thai phổ biến


Vào giai đoạn cuối thai kì, ngôi thai là vấn đề được các mẹ bầu quan tâm hàng đầu. Khi nào thì con bắt đầu quay đầu, vì sao con quay đầu muộn và mẹ nên làm gì để giúp con quay đúng ngôi thai chuẩn là những thắc mắc phổ biến của các mẹ. Hãy cùng Bibabo tìm hiểu về vấn đề này mẹ nhé!

Bao nhiêu tuần thì con sẽ quay đầu?

Phần lớn thời gian trong thai kì , thai nhi sẽ ở vị trí đầu hướng lên trên, mông ở dưới. Đến tuần thứ 28, thai nhi bắt đầu xoay đầu xuống phía dưới để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.

Tuy nhiên, nếu đến tuần 28 mà bạn vẫn thấy con mình “án binh bất động” thì cũng không cần quá lo lắng vì có nhiều trường hợp đến tuần 35 (đối với con đầu) hay tuần 37 (đối với con thứ) thì con mới chịu quay đầu. Thậm chí có bé còn “lì” đến tận tuần 40 mới chịu chuyển mình ấy chứ, tuy nhiên trường hợp này rất ít.

Ngược lại, có những bé lại quay đầu quá sớm. Nếu rơi vào trường hợp con quay đầu sớm hơn tuần 28, mẹ cần tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế hết mức nguy cơ sinh non, ví dụ như vận động nhẹ nhàng hay hạn chế đi đường xa,...

Các kiểu ngôi thai và phương pháp sinh thích hợp

  • Ngôi đầu

Ngôi thai thuận lợi nhất cho cả mẹ và bé khi chuyển dạ là ngôi thai đầu: Đầu thai nhi hướng về âm hộ, gáy quay về phía bụng, mặt quay về phía lưng và mông hướng về phía ngực của mẹ. Tư thế này sẽ giúp bé dễ dàng chui ra ngoài trong quá trình chuyển dạ.

Ngôi đầu có 4 kiểu:

    • Ngôi chỏm: Đầu em bé cúi tốt, bác sĩ khám sờ thấy thóp sau.

    • Ngôi thóp trước: Đầu em bé không cúi tốt, hơi ngửa, bác sĩ sờ được thóp trước.

    • Ngôi trán: Đầu em bé ngửa lưng chừng, bác sĩ sờ được từ mũi đến miệng, không sờ được cằm.

    • Ngôi mặt: Đầu em bé ngửa hết cỡ, bác sĩ sờ thấy cằm.

Tuy nói là thuận lợi nhất nhưng cũng không phải cứ thai nhi ngôi đầu là mẹ có thể sinh thường. Nếu thai nhi là ngôi chỏm hay ngôi mặt, mẹ có thể yên tâm sinh con bằng phương pháp tự nhiên nếu không có vấn đề sức khỏe gì. Nhưng nếu thai nhi ngôi mặt nhưng cằm xoay về phía lưng mẹ thì có thể mẹ sẽ phải sinh mổ.

Đối với ngôi thóp trước và ngôi trán, mẹ có thể được chỉ định sinh mổ vì lúc này, đường kính đầu con đi qua xương chậu của mẹ là quá lớn, khó có thể sinh con theo phương pháp sinh thường được.

ngoi-thai.jpg

Một số ngôi thai thường gặp.

- Ngôi sau

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù thai nhi đã xoay đầu nhưng mặt con lại hướng về phía bụng, gáy hướng về phía lưng của mẹ, gọi là ngôi sau. Cùng là quay đầu xuống dưới nhưng ngôi thai này lại gây nhiều rắc rối trong quá trình vượt cạn của mẹ, ví dụ như:

  • Mẹ sẽ phải chịu những cơn đau lưng dữ dội trong suốt quá trình chuyển dạ, dù không có cơn gò.

  • Màng ối nhanh chóng bị vỡ ngay thời điểm bắt đầu chuyển dạ, dễ gây ra suy thai và nguy hiểm đến tính mạng của con nếu không sinh kịp.

  • Thời gian chuyển dạ kéo dài hơn.

  • Có thể phải dùng nhiều thủ thật (giác hút, phooc-sep,...) để hỗ trợ.

  • Tư thế tốt nhất cho quá trình chuyển dạ lúc này là mẹ bò bằng bốn chi để đầu bé tách ra khỏi xương sống để chui ra ngoài và giảm đau cho mẹ.

  • - Ngôi mông

Trong trường hợp ngôi mông, bé sẽ giữ nguyên tư thế trong thai kì mà không xoay đầu xuống dưới, có nghĩa là đầu con hướng lên trên, mông quay xuống phía dưới tử cung của mẹ.

Ngôi mông có hai kiểu:

    • Ngôi mông đủ: Thai nhi ngồi tư thế xếp bằng trong tử cung, bác sĩ có thể sờ thấy mông và hai bàn chân con khi khám.

    • Ngôi mông thiếu: Gồm các trường hợp: kiểu mông (thai nhi vắt ngược hai chân lên ôm sát vào ngực, bác sĩ khám sẽ sờ thấy mông bé, không thấy chân), kiểu chân (thai nhi đứng, sờ được chân mà không thấy mông) và kiểu gối (em bé quỳ, sờ được đầu gối).

Thường thì nếu thai nhi không ở ngôi thuận, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Nhưng nếu thai nhi ở vị trí ngôi mông đủ hoặc ngôi mông thiếu kiểu mông, mẹ có thể được chỉ định sinh thường tùy theo tình hình sức khỏe của mẹ và sự thay đổi vị trí của thai nhi khi chuyển dạ.

Với ngôi mông kiểu chân, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ. Ngoài ra, ngôi mông cùng những bất thường khác như vỡ ối, tử cung có vết mổ cũ, sinh đôi, con so nặng trên 3 kg…, bác sĩ cũng sẽ chỉ định sinh mổ. 

  • Ngôi xiên hay ngôi ngang

Thai nhi nằm chắn ngang hoặc xiên cổ tử cung do chỉ xoay được nửa chừng. Trường hợp này xảy ra khi nhau thai nằm thấp hoặc sản phụ mang thai đôi.

Với kiểu ngôi thai này, mẹ bầu bắt buộc phải sinh mổ vì cơ thể con không thể chui qua khung xương chậu của mẹ được.

Vì sao con không quay đầu?

Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân đặc biệt làm bé không xoay đầu khi chuyển dạ. Một số nguyên nhân phổ biến là:

    • Nước ối quá nhiều trong túi ối: Tình trạng phổ biến ở các bà mẹ bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ. Do đó, thai nhi sẽ có nhiều không gian để chuyển động hơn bình thường nên có thể ở vị trí bất kỳ trong những tuần cuối.

    • Bé sinh non: Khi chưa đến tuần quay đầu mà mẹ đã chuyển dạ khiến bé chưa kịp quay đầu xuống và chưa sẵn sàng đầy đủ để chào đời.

    • Nước ối quá ít: Thai nhi bị mắc kẹt và không có đủ không gian để quay đầu.

    • Mang song thai/đa thai: Thai nhi có ít không gian để quay đầu.

    • Tử cung của mẹ có hình dạng bất thường khiến bé không thể xoay đầu xuống dưới. 

    • Mẹ lớn tuổi, hút thuốc lá.

    • Dị tật thai nhi.

    • Dây rốn nối từ bé với bánh nhau quá ngắn, hoặc bé bị dây rốn quấn cổ, cản trở bé trong việc quay đầu xuống dưới.


Xem thêm bình luận