Tài khoản

user_avatar
BIBABO - ĂN DẶM   

An tâm làm mẹ.

09/2017

Những điều "tối quan trọng" mẹ cần làm để giúp bé làm quen với ăn dặm bé chỉ huy BLW suôn sẻ

Ăn dặm bé chỉ huy bắt đầu bằng việc cho bé ngồi trên ghế, với tay bốc lấy đồ ăn để đưa vào miệng, nhưng đó không phải là tất cả những gì phương pháp này hướng tới. Mục tiêu của phương pháp chính là giúp bé có khả năng xử lý thức ăn tốt, tự lập trong việc ăn uống và có niềm hứng thú với thức ăn. 

Khi một em bé hội tụ đủ các điều kiện sẵn sàng ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (khoảng từ 6 tháng tuổi) là mẹ có thể cho bé tập ăn được rồi. Nhưng trong quá trình làm quen với ăn dặm nói chung và phương pháp này nói riêng, mẹ cần biết một số bí quyết sau đây, để hành trình ăn dặm tự chủ của bé thật vui vẻ và suôn sẻ nhé: 

“Ăn dặm không phải là cuộc chiến” là cuốn sách rất hữu ích về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy BLW.

  • Khi mới bắt đầu cho bé ăn BLW, đồ ăn cho bé nên là các loại củ quả hấp chín vừa phải, không quá cứng nhưng cũng không nên chín mềm. Mẹ cứ chọn các loại củ, quả có thể cắt thành hình thanh dài bằng ngón tay giữa, độ lớn bằng 2 ngón tay chụm lại là được. Cách chế biến đơn giản nhất là hấp đồ ăn trong nồi cơm điện khi mẹ nấu cơm, đồ ăn vừa giữ được giá trị dinh dưỡng và mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian trong việc chuẩn bị đồ ăn cho bé. 

  • Mẹ buộc phải tuân thủ quy định cắt thức ăn cho bé trong giai đoạn mới tập ăn: Thức ăn có dạng hình que cỡ 1- 2 ngón tay và sử dụng dao lượn sóng để tạo độ bám cho thức ăn giúp bé dễ cầm nắm. Vì mỗi em bé là các cá thể hoàn toàn khác nhau nên mẹ cần chú ý theo dõi bé mỗi ngày để điểu chỉnh thức ăn cho phù hợp. Không được cho ăn các loại thức ăn như rau lá, khoai bứ, các loại quả còn vỏ trơn, quả, hạt nhỏ, hình tròn khi bé mới tập nuốt và chưa biết nuốt hoặc chưa nuốt thành thạo. 

  • Để đồ ăn trực tiếp lên khay của ghế ăn nhằm mục tiêu giúp bé không bị xao lãng, vì nếu mẹ đựng đồ ăn vào một chiếc khay đẹp đẽ, thì bé sẽ hất hết đồ ăn trong khay đi để gặm khay ăn bằng nhựa mà thôi. 

  • Mỗi lần cho bé ăn, mẹ chỉ đặt tối đa 2 miếng thức ăn khác loại lên bàn và cho bé ăn. Bé ăn hết hoặc “nghịch” hết thì mẹ lại đặt lượt đồ ăn tiếp theo lên bàn. Tránh việc bày nhiều miếng thức ăn khiến bé phân vân không biết chọn miếng nào, hay tỏ ra “tham lam” nghịch miếng này được một tí lại vứt đi để khám phá miếng khác. 

  • Mẹ có thể sẽ thấy sốt ruột nếu như chưa thấy bé cho được đồ ăn lên miệng hay bé cầm bị rơi rớt, nhưng hãy thật kiên trì, đừng trợ giúp bé quá nhiều (trừ trường hợp các bé ăn được 1 tuần trở lên mà vẫn không biết cầm nắm thức ăn, như trong bài viết Giải pháp tuyệt vời cho bé ăn dặm bé chỉ huy không biết cầm nắm thức ăn, mẹ xem ngay thôi!), cũng đừng cầm đồ ăn và nhét vào miệng bé vì như thế tức là bạn đút bé ăn rồi. Một số bé còn thấy sợ khi bị mẹ nhét đồ ăn như vậy và không chịu ăn nữa. Mẹ có thể đẩy miếng thức ăn lại gần tầm tay với của bé hoặc đẩy tay bé để bé đưa đồ vào miệng chính xác nhé. 

Tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ đầu là một trong những yếu tố quyết định thành công khi cho bé ăn dặm bé chỉ huy.

  • Khi bé bị ọe, nếu bé vẫn vui vẻ ăn tiếp thì mẹ hãy lau dọn sơ cho bé rồi để bé tiếp tục, nếu bé khóc thì hãy cho bé ra khỏi ghế, dỗ dành bé và dừng bữa ăn tại đó. 

  • Cho bé bú sữa trước bữa ăn ít nhất 1 tiếng, để cho dù bé có ọe hết ra thì sữa cũng đã kịp tiêu hóa hết (ọe ra cặn sữa). Nếu sau khi bé ăn 1 giờ, bạn cho con ăn dặm BLW mà con trớ ra sữa chưa tiêu hóa (sữa toàn nước), thì hãy kéo dài thêm 30-60 phút nữa rồi mới cho bé ăn dặm. Đa số các bé chưa thể nuốt ngay trong 1-2 tuần đầu tiên nên mẹ không cần phải lo làm như vậy con sẽ ăn vặt, hệ tiêu hóa của bé cũng chưa đủ trưởng thành để hấp thu được nhiều thức ăn thô nên mẹ cũng không lo bé no mà chê sữa, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn và luôn nhớ cho bé ngồi thẳng lưng để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

  • Sau khi bé đã biết nuốt và nuốt tốt, còn ọe ít, thì mẹ không cho bú sữa trước 1 tiếng nữa mà có thể cho bé ăn ngay sau khi bú để tránh bị ăn vặt. 

  • Mẹ hãy để bé tập trung ăn uống bằng cách tắt hết tivi, dọn dẹp hết đồ chơi hay những thứ dễ làm bé xao lãng, vị trí ngồi ăn của bé cũng nên được cố định một nơi. Nên tập cho bé một thói quen ăn uống lành mạnh từ đầu, khi ăn phải ngồi vào ghế, tập trung vào việc ăn uống. Nên cho bé ăn cùng bữa với gia đình bất cứ khi nào bạn có thể, còn nếu không được thì khi bé ăn, người lớn nên hạn chế việc trò chuyện với bé, can thiệp vào việc ăn của bé như cổ vũ quá nhiều, dụ dỗ bé ăn, lau tay chân, miệng cho bé vì nghĩ bé ăn “dơ” làm bé khó chịu và mất tập trung. 

  • Mẹ cũng không nên cho bé tập ăn khi đói hay khi buồn ngủ bởi khi đó bé sẽ quấy khóc hoặc ăn quá vồ vập gây nguy hiểm cho bé. 

  • Mẹ cần tránh mắc phải những sai lầm sau: 

    • Mong con ăn được nhiều, đặt kỳ vọng quá cao là con phải ăn giỏi, ăn tốt, lên cân. 

    • Nhầm lẫn các khai niệm ọe/hóc và xử lý vội vàng, gây nguy hiểm cho bé.

    • Hỗ trợ sai cách.

    • Cho ăn thực phẩm có nguy cơ gây hóc, dị ứng hoặc bé chưa xử lý được. 

    • Bé vẫn còn ti lúc ngủ (bé ti lúc ngủ thường sẽ đòi phải ngủ thì mới ăn, như vậy rất khó có thể chấp nhận việc ăn dặm khi còn thức, hoặc vừa ăn vừa ngủ, rất nguy hiểm).

(Bài viết có tham khảo, tổng hợp từ sách Ăn dặm không phải là cuộc chiến)

Xem thêm bình luận