Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

10/2017

Những lưu ý khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn giúp mẹ nhanh hết đau sau sinh

Rất nhiều mẹ sau khi sinh xong phải làm phẫu thuật khâu tầng sinh môn. Để các vết khâu mau lành và không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì mẹ cần phải lưu ý tới việc chăm sóc vết khâu tầng sinh môn. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, vết khâu có thể bị nhiễm trùng và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.

Tại sao phải khâu tầng sinh môn?

Trong quá trình sinh thường, nếu thai nhi quá to hoặc cổ tử cung mở chưa hết,… thì trong quá trình sinh con, âm hộ của mẹ thường bị rách. Một số trường hợp, các bác sĩ buộc phải áp dụng thủ thuật rạch tầng sinh môn để giúp mẹ “vượt cạn” dễ dàng hơn. Thông thường, vùng bị rách hoặc bị rạch là tầng sinh môn ở vùng giữa âm đạo và hậu môn. Sau khi sinh xong, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại tầng sinh môn. Và việc chăm sóc vết khâu này là rất quan trọng.

Sau bao lâu vết khâu sẽ liền lại?

Thông thường, sau 2- 4 tuần, vết khâu sẽ liền da. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Các vết khâu sẽ tự tiêu và việc này sẽ mất từ 2 – 12 tuần, tùy thuộc vào loại chỉ khâu. Vì vậy, mẹ cần biết cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn để vết thương không bị nhiễm trùng và nhanh lành.
Các lưu ý khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Vết khâu tầng sinh môn sau sinh cũng giống như những vết khâu khác trên cơ thể khi bị thương. Nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ khiến vết thương lâu lành, nhiễm trùng, để lại sẹo, so cơ, viêm nhiễm phụ khoa,… Vì vậy, khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn, các mẹ cần chú ý những vấn đề sau đây:

– Trong 3 ngày đầu, chị em chăm sóc vết khâu bằng dung dịch Povidine thấm ướt bông gòn, bôi nhẹ lên vết khâu mỗi ngày 1 lần. Nên thay băng vệ sinh ít nhất 6 tiếng 1 lần và quan sát màu sắc, mùi và lượng sản dịch chảy ra. Nếu sản dịch có mùi hôi thì có thể mẹ đã bị nhiễm trùng, cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Cham-soc-vet-khau-tang-sinh-mon-sau-sinh98.jpg

Đa phần chị em sẽ phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường.

– Mỗi lần đi vệ sinh, các mẹ nên dùng nước ấm xối nhẹ lên vết thương từ trên xuống. Sau đó dùng khăn mềm và sạch lau khô vết thương. Mẹ có thể vừa tiểu tiện vừa xối nước bằng vòi hoa sen để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu.

– Nên đi lại nhẹ nhàng. Ban đầu, việc đi lại sẽ khiến các mẹ bị đau nhưng đi lại thường xuyên sẽ giúp lưu thông máu huyết, giảm khả năng vết khâu bị sưng và giúp mau lành.

– Nên kiểm tra vết khâu hằng ngày xem có bị sưng đỏ và tiết dịch không. Nếu có những triệu chứng trên thì vết khâu đã bị nhiễm trùng. Lúc này, các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
– Ăn nhiều thức ăn chứa chất xơ, nhuận tràng như rau xanh, trái cây để tránh tình trạng táo bón sau sinh. Khi bị táo bón các mẹ phải rặn mạnh, điều này có thể làm tổn thương khi vết khâu chưa lành.

– Dùng quần lót bằng chất liệu bông mềm, giặt sạch và phơi khô dưới ánh nắng trực tiếp để tránh bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, mẹ có thể mua quần chip dùng một lần để sử dụng cho an toàn.

– Nên kiêng việc quan hệ tình dục sau sinh từ 4 – 6 tuần để vết khâu tầng sinh môn lành hẳn.

– Đặc biệt, các mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc sát trùng theo các kinh nghiệm dân gian vì có thể làm nhiễm trùng vết khâu nặng hơn và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Với những kiến thức chăm sóc vết khâu tầng sinh môn trên đây, hi vọng rằng mẹ có thể tham khảo để áp dụng cho bản thân một cách tốt nhất nhằm giảm đau, hạn chế nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành. Các mẹ  nên đặc biệt lưu ý là nên đi lại thật nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu một chỗ vì như thế sẽ khiến vết thương lâu lành hơn. 

Chúc mẹ luôn khỏe mạnh để chăm sóc tốt nhất cho bé yêu của mình nhé!