Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

12/2017

Sự phát triển thị lực và một số bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi

Em bé của bạn có thể nhìn thấy từ khi mới chào đời, nhưng lúc đầu, thị lực của con còn khá mờ và tầm nhìn của bé sẽ phát triển dần trong năm đầu tiên. Cho đến khi con bạn được một tuổi, bé sẽ nhìn thấy cả thế giới giống như bố mẹ.

Khi bé phát triển, đôi mắt của bé sẽ thu nhận được rất nhiều thông tin về thế giới xung quanh, nhờ phát triển về thị lực mà con có thể học cách nắm bắt, ngồi, lăn, bò, và đi.

Bố mẹ hãy xem thị lực của con phát triển thế nào qua từng giai đoạn nhé!

Khi còn sơ sinh

Khi sinh ra, tầm nhìn của bé rất mờ nhưng mắt bé vẫn có thể nhận ra ánh sáng, hình dạng và các cử động. Con cũng có xu hướng hướng mắt về phía cửa sổ hoặc các nơi phát ra nguồn sáng. Nếu có ánh sáng đột ngột, mắt con có thể nhấp nháy theo ánh sáng. Bạn có thể nhận thấy con nhìn vẩn vơ, đó là vì con chưa thể nhìn được vào vật gì cụ thể.

Trong tháng đầu tiên, bé chỉ có thể tập trung nhìn với khoảng cách 20-30cm, điều đó có nghĩa là con chỉ thấy được khuôn mặt nào ở gần mắt của mình. Nếu bạn giữ con gần mình, con sẽ thấy mặt bạn và điều này chắc chắn sẽ làm con rất thích thú .

Trẻ 1 tháng tuổi

Mặc dù con không nhìn được khoảng cách xa, nhưng điều đó không quan trọng vì điều con thích thú nhất bây giờ chính là khuôn mặt bạn. Bạn là người gần con nhất, do đó hãy dành thời gian âu yếm và giao tiếp bằng mắt với con và dành cho con thời gian để học thêm về các chức năng này. 

Lúc này con bạn có thể đã biết cách tập trung nhìn vào một thứ gì đó. Điều đó có nghĩa là nếu bạn di chuyển đồ vật trước mặt con, con có thể dõi mắt theo đồ vật đó. Hoặc bạn có thể chơi trò "tiếp xúc mắt" bằng cách đưa mặt mình đến gần mặt con, rồi từ từ di chuyển đầu từ bên này sang bên kia, lúc đó bạn có thể thấy mắt của con sẽ tập trung nhìn vào mắt của bạn. 

Thời gian này, em bé của bạn có thể nhìn thấy màu sắc, nhưng không thể nhận ra sự khác biệt giữa các tông màu tương tự như màu đỏ và cam. Vì thế bạn hãy tìm đồ chơi có màu tương phản như màu đen và trắng hoặc có độ tương phản cao để thu hút sự chú ý của bé.

Trẻ 2-3 tháng tuổi

Sự khác biệt của các màu sắc đang trở nên rõ ràng hơn đối với bé và con bắt đầu phân biệt được các sắc màu tương tự nhau. Con giờ đây thích màu sắc tươi sáng hơn, các loại hình phức tạp và chi tiết cũng sẽ làm con thấy hứng thú. Do đó hãy cho con xem các quyển sách, tranh ảnh hay đồ chơi có màu sắc tươi sáng.

Trẻ 4 tháng tuổi

Bé bắt đầu nhận biết được khoảng cách, đây được gọi là nhận thức sâu. Đồng thời con đã có thể kiểm soát tốt cánh tay, bé có thể nắm được tóc, vòng cổ hoặc đồ chơi trong tầm tay của mình. 

Trẻ 5 tháng tuổi

Con bắt đầu nhìn được những vật nhỏ. Bé cũng có thể nhận ra một đồ vật sau khi chỉ nhìn thấy một phần của đồ vật đó.

Bạn có thể chơi với con các trò chơi đơn giản ví dụ như trò tìm kiếm: Bạn hãy giấu đồ mà con yêu thích (ví dụ gấu bông) nhưng vẫn đề hở một phần và hỏi con "gấu bông đâu rồi, con tìm nó xem nào". Nếu con phát hiện ra, con có thể phát ra những tiếng ê a và vui thích chỉ tay vào đồ mà mình tìm được.

Đến khoảng 9 tháng tuổi, mắt con mới bắt đầu chuyển về màu thực của mắt.

Em bé của bạn cũng có thể bắt chước biểu hiện trên khuôn mặt của bạn, bạn có thể thử các trò chơi đơn giản như phồng má hoặc chu miệng ra phía trước xem con có bắt chước lại được không.

Trẻ 8 tháng tuổi

Tầm nhìn của bé bây giờ rõ ràng hơn, gần giống như của người lớn và bé đã có thể nhìn thấy đồ vật ở khoảng cách xa hơn. Tuy vậy, tầm nhìn ngắn của con vẫn còn tốt hơn tầm nhìn xa, điều đó cũng đủ để con nhận ra người và đồ vật trong căn phòng.

Trẻ 9 tháng tuổi

Đôi mắt của con bắt đầu chuyển về màu thực của mắt do đó bạn có thể thấy những thay đổi của con một cách rõ rệt. Tầm nhìn của con cũng trở nên rõ ràng, sắc nét hơn, do đó con có thể lấy và cầm được các vật nhỏ hoặc chỉ chính xác vào vật mà con muốn.

Trẻ 12 tháng tuổi

Sau 12 tháng, bé có thể nhận ra sự khác biệt giữa gần và xa. Con sẽ có thể nhận ra những người mà mà con biết ở một khoảng cách nhất định.

Một số vấn đề liên quan đến thị lực ở trẻ sơ sinh 

Bé có thể gặp phải các tổn thương bên ngoài nếu bị va chạm, nhiễm bụi, nhiễm trùng do vật lạ chọc vào mắt hoặc bị bỏng nước, các hóa chất bay vào mắt. Những tác động này sẽ ảnh hưởng tới thị lực của bé nếu không được sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời. 

Ngoài ra, bé cũng có thể gặp phải một số vấn đề bẩm sinh hoặc nguy cơ bị bệnh bên trong mắt khiến bé bị giảm thị lực, ví dụ như:

  • Chứng giảm thị lực: Một hoặc cả hai bên mắt của bé có thể nhìn không rõ. Căn bệnh này thường chỉ xảy ra với một mắt của bé và mắt nhiễm bệnh mờ hẳn so với mắt còn lại. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng nếu không được điều trị, một mắt kia sẽ không còn có thể phát triển bình thường được nữa. 

  • Lẹo mắt: Nếu thấy bờ mi mắt của bé nổi mụn nhỏ, sưng đỏ thì mẹ cần đưa bé đi khám ngay thay vì sử dụng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng. Nếu để lâu và xử lý không đúng cách bệnh có thể nặng thêm và gây ảnh hưởng tới thị lực của trẻ. 

  • Lác mắt: Trẻ sơ sinh có thể có vẻ hơi bị lác trong những tháng đầu đời, và thường giảm và hết hẳn hiện tượng này khi được khoảng 3-4 tháng tuổi. Nếu sau thời điểm đó mà trẻ vẫn bị lác mắt thì cha mẹ cần đưa bé tới bác sĩ để được hướng dẫn các bài luyện tập mắt sớm nhất. 

  • Viêm tắc tuyến lệ: Viêm tắc tuyến lệ là một trong những khuyết tật chiếm khoảng 6% số trẻ sơ sinh và rất khó phát hiện. Do đó, nếu cha mẹ thấy bé có một trong hai biểu hiện sau thì nên cho bé tới thăm khám bác sĩ sớm để thực hiện thủ thuật thông tắc tuyến lệ hoặc có hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ, tránh ảnh hưởng đến thị lực của bé: Biểu hiện thứ nhất là mắt bé lúc nào cũng ướt; biểu hiện thứ hai là mắt hoặc vùng chảy ra nước mắt có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng, mỗi khi ngủ dậy mắt thường có rất nhiều gỉ vàng, ướt, dính quanh mí mắt.