Tài khoản

user_avatar
ℳẸ BẮP☘ XOÀI   

Tham gia từ tháng 03/2017 .

02/2019

Trầm cảm sau sinh

TRẦM CẢM SAU SINH


Từ “trầm cảm sau sinh” chỉ những cơn buồn nản của người mẹ trong thời kỳ hậu sản.

xảy ra từ ba đến 14 ngày sau khi sinh. Nó cũng có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé.

Không nên nhầm lẫn trầm cảm sau sinh với chứng rối loạn do căng thẳng hậu chấn thương, mà một số người mẹ gặp phải khi sinh khó, dù hai hội chứng này có thể xảy ra cùng một lúc.


Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ, và đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ,

Tuy vậy, thật an ủi khi biết rằng người ta đã xác định được chứng trầm cảm sau sinh chỉ xảy ra trong một thời gian và có thể điều trị.


CÁC DẤU HIỆU CỦA TRẦM CẢM SAU SINH


Bạn có thể bị trầm cảm sau sinh nếu bạn có năm hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây, xảy ra hầu như mỗi ngày, hầu hết thời gian trong ngày, và kéo dài ít nhất là hai tuần liên tiếp:

• Vô cùng buồn chán, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng,

• Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục,

• Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết,

• Khóc mọi lúc, khóc suốt cả ngày trong vài ngày liên tiếp, hoặc có những cơn hoảng sợ…

• Mất hứng thú hay không vui vẻ trong các hoạt động và sở thích thông thường

• Rối loạn giấc ngủ, không thể ngủ ngay cả khi bé ngủ, Khó ngủ vào ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày.

• Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng tăng hoặc giảm không chủ định

• Cảm giác là kẻ vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi chế ngự cảm xúc

• Bồn chồn hoặc trì trệ

• Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định,

• Cảm thấy cuộc đời không đáng sống, tuyệt vọng, lòng tự trọng thấp...

• Cáu kỉnh hay tức giận

• Tránh né bạn bè và gia đình,

• Lo lắng quá nhiều cho con, hoặc không quan tâm đến con, sao nhãng việc chăm sóc con, không có khả năng chăm sóc con, có ý nghĩ không yêu con, hay cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé,

• An ủi không đem lại kết quả, cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực,

Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.


Ngoài ra, cứ mỗi 1.000 người mẹ mới sinh thì có khoảng từ 1-3 người bị một dạng trầm cảm còn nghiêm trọng hơn, được gọi là chứng rối loạn tâm thần sau sinh, khiến người mẹ có những hoang tưởng hoặc ảo giác, thường dẫn tới việc làm hại chính mình và con


Và chứng trầm cảm dường như có thể lây nhiễm - những người đàn ông có nguy cơ trầm cảm cao hơn nếu vợ bị trầm cảm sau sinh . Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều người mới làm bố bị chứng trầm cảm, Họ thấy những người mới làm bố thường hạnh phúc nhất trong những tuần đầu sau khi em bé được sinh ra , và bị trầm cảm từ 3 đến 6 tháng sau đó. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp này thường không được phát hiện và chữa trị.


SO SÁNH VƠI HỘI CHỨNG “BABY BLUES”

Hội chứng “baby blues” là một dạng trầm cảm nhẹ sau sinh mà rất nhiều phụ nữ mới làm mẹ đều trải qua. Hội chứng này bắt đầu 1–3 ngày sau sinh và kéo dài khoảng 10 ngày đến vài tuần. Khi mắc hội chứng “baby blues”, nhiều phụ nữ có tâm trạng bất ổn định, một phút trước đang hạnh phúc, vui vẻ, một phút sau có thể khóc ngay mà không cần lý do gì. Họ cảm thấy lo lắng, bối rối, gặp vấn đề về ăn uống hay giấc ngủ. Có đến 80% những phụ nữ mới làm mẹ mắc phải hội chứng “baby blues”. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ tự nhiên biến mất.


NGUYÊN NHÂN GÂY TRẦM CẢM SAU SINH


Không có một nguyên nhân duy nhất, các vấn đề về thể chất và cảm xúc có thể góp phần gây bệnh:


- Về cơ thể: Trong vòng 24 đến 48 giờ đầu sau khi sinh, các nội tiết tố sinh dục (estrogen và progesterone) trong cơ thể bị giảm mạnh, khiến tình trạng cơ thể bị thay đổi đột ngột, và do đó có thể gây ra trầm cảm. Hormone tuyến giáp cũng có thể giảm mạnh làm bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản giống trầm cảm.

- Về cảm xúc. Sự thiếu ngủ gây khó khăn trong xử lý các vấn đề thậm chí rất nhỏ. Bạn cũng có thể lo lắng về khả năng chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Bạn có thể cảm thấy mình kém hấp dẫn, giảm giá trị hay cảm thấy bị mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bất kỳ vấn đề tương tự nào đều có thể góp phần vào trầm cảm sau sinh.

- Tình trạng mệt mỏi kéo dài: Một trong những nguyên nhân chính gây ra trầm cảm sau sinh là do thiếu nghỉ ngơi, vì thế những người khác có thể giúp đỡ mẹ bé bằng cách phụ làm việc nhà và chăm sóc em bé.


YẾU TỐ NGUY CƠ

• Có bệnh sử bị trầm cảm, trong khi mang thai hoặc vào những thời điểm khác

• Đã bị trầm cảm sau sinh ở lần mang thai trước

• Có các thành viên trong gia đình đã bị trầm cảm hoặc có các vấn đề về tâm trạng không ổn định

• Có những trải nghiệm căng thẳng như các biến chứng khi mang thai, bệnh tật hoặc mất việc làm

• Em bé có vấn đề về sức khỏe hoặc các nhu cầu đặc biệt khác

• Đẻ khó, đẻ mổ

• Gặp khó khăn khi cho con bú

• Gặp rắc rối trong mối quan hệ với người bạn đời hoặc những người thân khác.

• Không có ai giúp đỡ

• Bạn gặp khó khăn về tài chính

• Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy.

• Sinh con ở độ tuổi vị thành niên

• Mang thai ngoài ý muốn hoặc không được mong đợi


NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị giống như các trường hợp trầm cảm khác: phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu, trong đó người bệnh tập trung cải thiện mối quan hệ với người khác, chủ yếu với chồng và con.

Điều trị tâm lý được ưu tiên bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích đem lại là cao hơn các yếu tố có hại.


THAY ĐỔI CUỘC SỐNG

• Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh. Bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.

• Đặt kỳ vọng một cách thực tế. Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, điều chỉnh mong cầu của bạn, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.

• Dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn cảm thấy như thế giới đang đổ hết lên đầu bạn, hãy dành thời gian cho bản thân. Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.

• Tránh cô lập. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hoà mình trở lại với cuộc sống.

• Yêu cầu giúp đỡ. Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt bất cứ khi nào có thể.

• Cho con bú: Nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ có thể hạ thấp nguy cơ tiểu đường TYP 2 , ung thư vú , ung thư buồng trứng và trầm cảm sau sinh cho người phụ nữ .


ĐỀ PHÒNG BỊ TRẦM CẢM SAU SINH

• Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo hướng dẫn, hoạt động này giúp cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản, nhận thức tốt sẽ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh.

• Lên kế hoạch về tiền bạc liên quan mật thiết với chuyện em bé sắp ra đời

• Nghĩ ra các cách thức nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc em bé với người khác.

• Chú ý dồn tâm trí đến các vấn đề quan hệ gia đình trước khi em bé chào đời

• Hiểu rằng đời sống tình dục sẽ thay đổi sau khi sinh và có thể không trở lại bình thường trong vòng một năm hoặc lâu hơn để chủ động trong quan hệ vợ chồng.

• Tìm kiếm nhóm tương trợ cùng cảnh ngộ, những người mới làm bố mẹ, hoặc tra cứu thông tin về trầm cảm để chủ động đề phòng.


Khi hiểu về chứng trầm cảm, bạn có thể có những biện pháp đề phòng và chủ động giúp mình thoát ra trước khi nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn và con bạn

Chúc bạn là người mẹ can đảm và tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và gia đình.