Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

10/2017

Biến chứng thường gặp khi sinh mổ (P1): Mẹ bầu có thể sẽ phải đối mặt với điều gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tỷ lệ sinh mổ nên ở mức 10-15% là hợp lý, tuy nhiên trên thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều do ngày càng nhiều mẹ bầu lựa chọn phương pháp đẻ mổ. Sau đây, Bibabo xin liệt kê một số rủi ro có thể gặp khi sinh mổ chị em cần biết trước khi đưa ra quyết định của mình.

Những điều mẹ có thể phải đối mặt

Các biến chứng trong và sau khi gây tê tủy sống

Gây tê tủy sống là phương pháp giảm đau được sử dụng nhiều nhất khi sinh mổ. Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt vời của nó đối với mẹ bầu sinh mổ, nhưng bên cạnh đó, phương pháp này còn kéo theo rất nhiều “rắc rối” trong và sau khi được thực hiện.

Nguy cơ mẹ bầu có thể gặp khi chọc tuỷ sống sinh mổ có thể kể đến như:

  • Thất bại: Không chọc được do vôi hoá, thoái hoá cột sống, gù, vẹo. Có thể chuyển sang chọc đường bên hoặc chuyển qua phương pháp vô cảm khác.

  • Chọc vào các rễ thần kinh: Khi tiến hành chọc, mẹ bầu có thể thấy đau chói, giật chân một bên hoặc cả hai bên. Lúc đó, bác sĩ sẽ rút kim ra và chọc chỗ khác.

  • Chọc vào mạch máu: Nếu kim có máu chảy ra, bác sĩ sẽ đợi một lúc nếu máu loãng dần và trong trở lại thì tiêm thuốc. Nếu máu tiếp tục chảy thì bác sĩ sẽ rút kim ra và chọc chỗ khác.

Về các nguy cơ mẹ bầu có thể gặp phải sau khi gây tê tủy sống, mời mẹ đọc thêm tại bài viết của Bibabo: Gây tê tủy sống (P2): Tác dụng phụ ngay sau sinh và về lâu dài của phương pháp gây tê tủy sống.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành công văn cấm sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với các trường hợp sản phụ bị nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật,… Lý do là thai phụ mắc tình trạng này có nguy cơ cao gặp tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng nếu gây tê tủy sống. Những trường hợp này sẽ đươc áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản thay vì gây tê tủy sống.

 Nguy cơ tử vong cao

So với sinh thường qua đường âm đạo, phụ nữ sinh mổ có nguy cơ tử vong cao hơn gấp 4 lần trong các tình huống khẩn cấp và gấp 3 lần với các trường hợp tự nguyện.

Nhiễm trùng

Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được uống một liều thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng sau khi sinh mổ. Ba loại nhiễm trùng chính là:

  • Nhiễm trùng ở vết mổ: Các triệu chứng gồm sốt cao, vùng da viêm đỏ đau, phù nề hoặc bầm tím quanh vết mổ, vết thương tiết dịch, trở nên tệ hơn và không tự liền lại sẹo. Nguy cơ này còn tăng cao hơn nếu bạn bị mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì.

  • Nhiễm trùng niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung): Nếu bạn bị vỡ ối trước khi sinh hoặc khám âm đạo quá nhiều lần trước khi sinh mổ thì hiện tượng này có khả năng xảy ra nhiều hơn.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Các ống nhỏ (ống thông) được đưa vào trong quá trình mổ để làm sạch bàng quang có thể gây nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng bạn sẽ gặp khó khăn, cảm thấy đau và nóng rát khi đi tiểu.

Mất máu

Phụ nữ sinh con bằng phương pháp sinh mổ còn có nhiều khả năng bị xuất huyết hơn những chị em sinh thường. Việc mất máu là do các mạch máu bị cắt, gây ra tình trạng mất máu nặng vô cùng nguy hiểm. 

Xuất hiện nhiều cục máu đông

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông, và điều này có thể trở nên nghiêm trọng, tùy thuộc vào vị trí cục máu đông. Nếu cục máu đông ở trong phổi có thể gây nghẽn mạch phổi, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nếu có bất kì triệu chứng ho, khó thở, hoặc sưng đau ở bắp chân sau khi sinh mổ, hãy liên lạc ngay cho bác sĩ.

Viêm nhiễm màng tử cung

Tình trạng này có thể gây đau đớn, khiến mẹ bị sốt và tiết dịch âm đạo có mùi hôi. Việc điều trị chứng bệnh này cũng mất rất nhiều thời gian và mẹ phải dùng đến những loại kháng sinh nặng.

Mẹ bầu sinh mổ sẽ có thể phải đối mặt với rất nhiều biến chứng.

Nguy cơ phải cắt bỏ tử cung

Nguy cơ phải cắt bỏ tử cung trong hoặc sau khi sinh mổ chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với các mẹ sinh thường.

Tụ dịch lòng tử cung (bế sản dịch)

Trong những ngày đầu sản dịch có thể được đào thải ra qua âm đạo, sau đó ngưng hẳn, hoặc kéo dài dai dẳng, có thể kèm sốt, căng tức trằn vùng hạ vị hay khi sờ nắn trên bụng có thể thấy đáy tử cung còn ở trên cao, ấn vào cảm giác căng tức và đau. Siêu âm tử cung và hai phần phụ, thấy tử cung lớn, lòng tử cung có ứ dịch. 

Hiện tượng trên là do cổ tử cung đóng kín làm cho sản dịch không thoát ra ngoài được, gây ứ đọng trong lòng tử cung, nếu không xử trí khối ứ dịch hóa mủ có thể gây viêm nội mạc tử cung và gây nhiễm trùng máu.

Chấn thương các cơ quan lân cận

Tình trạng này là khá hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, đó là trong quá trình phẫu thuật, mẹ có thể bị chấn thương các cơn quan lân cận như bàng quang.

Dính kết

Sinh mổ tiềm ẩn nguy cơ bị dính kết khi cơ thể đang tự chữa lành vết mổ. Vết mổ đẻ trong quá trình lành có thể sẽ bị dính cùng nhau hoặc dính với các bộ phận khác. Tình trạng này có thể gây đau nhức, sức khỏe giảm sút và thậm chí phải phẫu thuật lại.

Dính kết có thể gây đau, bởi nó hạn chế sự vận động của các cơ quan nội tạng, thi thoảng có thể dẫn đến các vấn đề như tắc ruột và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu chúng bị đè lên hoặc bị cơ quan lân cận chèn ép.

Mất nhiều thời gian phục hồi

Phụ nữ trải qua ca sinh mổ thường phải mất nhiều thời gian để nằm viện hơn các ca sinh thường. Điều này sẽ khiến các mẹ gặp khó khăn trong sinh hoạt do ở bệnh viện không thể thoải mái bằng ở nhà. Ngoài ra, mẹ cũng sẽ khó gần gũi với con hơn và thời gian phục hồi sức khỏe cũng lâu hơn.

Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy đau trong một khoảng thời gian sau khi sinh và lâu hồi phục hơi so với sinh thường. Bạn có thể sẽ cảm thấy đau ở vết mổ cũng như thấy khó chịu ở vùng bụng trong một vài tuần sau khi mổ, khi cơ thể đang tự chữa lành vết thương. Bạn phải sử dụng thuốc giảm đau nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bản thân.

Ảnh hưởng đến việc cho con bú

Việc cho con bú ngay sau sinh mổ hoàn toàn không đơn giản vì mẹ phải mất đến 3-4 giờ sau sinh để phục hồi sức khỏe. Những loại thuốc gây mê sử dụng trong ca sinh mổ cũng có thể trì hoãn nguồn sữa của mẹ về sau sinh.

Mẹ có thể còn gặp hiện tượng cương sữa. Biểu hiện của hiện tượng này là: Sau sinh mổ, vào ngày thứ 3 – 4 trở đi hai bên ngực căng sữa, ấn căng đau, có sốt cao và kèm theo nổi hạch hai bên nách. Nếu gặp hiện tượng này, mẹ có thể dùng tay kiên mát-xa mạnh hai bên ngực để cho sữa chảy ra nhiều, động tác mát-xa như vậy giúp cho sự tiết sữa ra được dễ dàng, tránh được sự cương tắc ở các tuyến vú. 

Ảnh hưởng đến những lần mang thai sau này

Nghiên cứu cho thấy, các mẹ sinh mổ thường mất nhiều thời gian để phục hồi trước khi thụ thai lần tiếp theo hơn các mẹ đẻ thường. Thời gian này thường là từ 1-2 năm.

Một khi bạn đã đẻ mổ, bạn có nhiều khả năng phải đẻ mổ trong lần mang thai sau. Nhưng không phải luôn là như vậy và vẫn có mẹ đẻ thường an toàn sau lần đẻ mổ trước (VBAC). Ngoài ra, những mẹ đã từng sinh mổ khi mang bầu lần 2, 3 cũng phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các chứng nhau tiền đạo, nhau cài răng lược… có thể ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ.

Vết sẹo trên tử cung còn có thể sẽ có thể mở ra một lần nữa trong lần mang thai hoặc sinh con tiếp theo (vỡ tử cung), nhưng điều này ít xảy ra.

Tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh

Bệnh trầm cảm sau sinh sẽ phổ biến hơn ở những phụ nữ đã sinh mổ hơn ở những phụ nữ đẻ thường nhưng sau 2 tháng, tỷ lệ này là như nhau. Vì thế nên mẹ cũng không cần phải lo lắng quá nhé.

Mời mẹ đọc tiếp về những biến chứng có thể xảy ra với bé và cách giúp mẹ hạn chế những biến chứng khi sinh mổ tại phần 2 nhé!


Xem thêm bình luận