"Đàn bà con gái, giỏi mấy thì cũng phải nhờ chồng, bày đặt bày ra làm đủ thứ, coi chừng cũng mất hết tiền. Đi làm làm gì, cứ kiếm chồng mà nương tựa." - Mẹ nói với con gái khi cố gắng thuyết phục cô..
Xem Thêm
"Đàn bà con gái, giỏi mấy thì cũng phải nhờ chồng, bày đặt bày ra làm đủ thứ, coi chừng cũng mất hết tiền. Đi làm làm gì, cứ kiếm chồng mà nương tựa." - Mẹ nói với con gái khi cố gắng thuyết phục cô đám cưới.
"Nhưng mẹ không tin là con có năng lực sao? Mẹ chưa thấy con thử sao cứ nghĩ là con không làm được?" - Cô con gái cố gắng nói lại bằng giọng yếu ớt.
Trong một diễn biến khác, một người bạn đã tâm sự với mình rằng anh ấy đã từng được làm việc với những tập đoàn tỷ đô đa quốc gia, đã từng gặp và làm việc với những người quyền lực nhất và ai cũng đánh giá cao năng lực của anh. Duy chỉ có mỗi ba mẹ anh là luôn nghĩ anh sẽ không làm được việc gì lớn, rằng nếu để anh làm việc lớn thì anh sẽ thất bại.
Dường như khoảng cách giữa hai thế hệ luôn dài vô tận và những đứa con thì không có đủ niềm tin của ba mẹ về năng lực của bản thân. Khi được hỏi tại sao thì ba mẹ sẽ nói rằng: “tôi sinh ra nó được thì tôi phải hiểu nó nhất”. Những sự gọi là “hiểu” này sẽ ăn sâu vào trí não của con cái. Có bao nhiêu đứa con sẽ tin vào sự hiểu này và tiếp tục sống cuộc đời lủi thủi của những người không có năng lực? Và có bao nhiêu đứa con sẽ được thoát ly, tìm được chính mình và cố gắng sống bằng năng lực, theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình?
Mình đi học ở phương Tây được vài năm, cái mà mình ấn tượng nhất là cách họ dạy con mình phát huy hết mọi tiềm năng của bản thân. Mình nhớ mãi khi đi dự tiệc sinh nhật của đứa bạn cùng lớp, một đoạn ba mẹ bạn ấy đã phát biểu trong buổi tiệc rằng: “Ba mẹ biết con không giỏi toán, nhưng con lại rất giỏi môn hoá. Ba mẹ nhìn thấy và luôn trân trọng những cố gắng của con để tốt hơn từng ngày. Và ba mẹ TIN là con sẽ làm được. Ba mẹ sẽ luôn ở bên ùng hộ con.” Lúc đó mình đã nước mắt hai hàng vì cảm động.
Điểm khác biệt mình thấy rõ ràng nhất ở đây là “sự áp đặt suy nghĩ” so với “niềm tin dành cho con”. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể đặc biệt với những tiềm năng riêng. Mình cũng chưa nhìn thấy hết tiềm năng của con gái. Mình chỉ biết khuyến khích con làm tất cả những thứ con muốn và mỗi khi con sợ hoặc ngập ngừng, mình bảo: “Châu Anh làm được mà! Cố lên!”. Mình hy vọng mỗi ngày mình sẽ cho con thêm niềm tin rằng con bé có thể làm được những thứ mà con muốn.
Mình tin vào câu: “Nếu mọi người không cười vào ước mơ của bạn, điều đó có nghĩa là ước mơ đó chưa đủ lớn.” Mình vẫn đang đi chinh phục ước mơ của mình. Nên nếu sau này, con của mình có muốn làm gì đi nữa, dù những điều đó có khác biệt đến thế nào, mình tự hứa sẽ không ngần ngại khuyến khích con theo đuổi. Nếu con thất bại, đã có ba mẹ đây, hãy khóc và vật vã nếu con cần, nhưng sau đó, hãy đứng lên và làm lại.
Không phải của cải, không phải vật chất, NIỀM TIN VÀO BẢN THÂN CHÍNH LÀ MÓN QUÀ QUÝ GIÁ NHẤT MÀ BẠN CÓ THỂ DÀNH CHO CON. Hãy bắt đầu cho con niềm tin từ ngày đầu tiên