Tài khoản

3 căn bệnh mùa nóng ở trẻ em, mẹ nên cảnh giác

Ngọc Hân 5 năm trước

Thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ thường mắc phải nhiều bệnh. Bố mẹ cần tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh các bệnh mùa nóng ở trẻ.

Mùa nóng với nhiệt độ và độ ẩm cao mang đến cơ hội sinh sôi cho nhiều loại vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho sức khỏe. Bệnh tiêu chảy, chân tay miệng và sốt xuất huyết là 3 trong nhiều căn bệnh trẻ em mùa nóng phổ biến mà bố mẹ cần quan tâm.

Tiêu chảy, bệnh mùa nóng ở trẻ phổ biến nhất

Bệnh tiêu chảy ở trẻ xuất hiện nhiều vào mùa hè. Vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng đường ruột là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.

Trẻ nhỏ đã ăn thức ăn bẩn, ăn hoa quả không sạch, uống nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với phân của người bị tiêu chảy.

Bên cạnh đó, bé cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột hay dị ứng sữa, thức ăn hoặc dị ứng với thuốc nhuận tràng trong giai đoạn bú mẹ.

Bố mẹ có thể quan sát các triệu chứng của tiêu chảy để xử lý kịp thời. Trẻ bị tiêu chảy thường đi đại tiện ít nhất 3-5 lần mỗi ngày, thậm chí là 10-15 lần mỗi ngày.

Bé đại tiện ra phân lỏng, nhiều nước, mùi chua, có thể dính nhầy màu. Bé sẽ có biểu hiện đau bụng, đau vùng hậu môn, buồn nôn, nôn mửa.

Đây là căn bệnh mùa nóng ở trẻ có thể gây nên nhiều biến chứng khó lường. Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ khó hấp thu dưỡng chất, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch và suy nhược.

Mẹ cần thực hiện các bước phòng tránh cần thiết để ngăn ngừa bệnh cho con. Mẹ tắm rửa sạch sẽ và vệ sinh nơi bé ngủ mỗi ngày.

Các thực phẩm cần được chọn lựa và rửa sạch trước khi cho bé ăn. Nếu có triệu chứng của tiêu chảy, cách tốt nhất là mẹ nên đưa bé thăm khám bác sĩ để chữa trị.

Chân tay miệng, dịch bệnh nguy hiểm cần đề phòng

Dịch chân tay miệng ở trẻ nhỏ bùng phát vào mùa Hè nắng nóng. Nguyên nhân  của căn bệnh truyền nhiễm cấp tính này là do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra.

Con đường lây lan của bệnh từ người sang người khi trẻ tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi, dịch bọng nước hoặc qua đường phân – miệng (do tiếp xúc với nhà vệ sinh có virus).

Khi mắc bệnh, trẻ thường đau họng, lở loét miệng, lưỡi, lợi, và xuất hiện bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hay vùng mông.

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng, mẹ cần vệ sinh và tắm rửa bé thật sạch sẽ mỗi ngày. Mẹ dùng xà phòng để rửa tay cho trẻ và người lớn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bồng con, và sau khi thay tã.

Các bữa cơm cần đảm bảo ăn chín, uống chín, và đồ dụng ăn uống cần rửa sạch sẽ. Nguồn nước sử dụng trong nhà cần đảm bảo độ sạch khuẩn.

Bên cạnh đó, mẹ không cho bé ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi hay không dùng chung các loại khăn hay bát, đĩa. Mẹ không nên cho bé tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Nếu con bị nhiễm bệnh chân tay miệng, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác và tránh biến chứng nguy hiểm và co giật, thở nhanh, hốt hoảng.

Thậm chí là viêm não, phù phổi hay tử vong… – những biến chứng có thể xảy ra nếu không chữa trị kịp thời.

Sốt xuất huyết, căn bệnh có thể ảnh hưởng tính mạng

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra thông qua đường muỗi đốt. Đặc biệt, không khí ẩm trong mùa Hè là cơ hội để muỗi sinh sôi. Chúng sẽ chích người bệnh sốt xuất huyết và truyền cho người khác.

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ thường sốt cao đột ngột dù trước đó sức khỏe bình thường. Thời gian sốt kéo dài từ 2-7 ngày, với nhiều biểu hiện khác:

Nôn ói, đau bụng, tay chân lạnh, mặt đỏ, da sung huyết, đau khớp, đau cơ, đau đầu. Da của bé xuất hiện nhiều nốt xuất huyết nhỏ tròn tương tự vết muỗi cắn nhưng không biến mất.

Để phòng ngừa bệnh mùa nóng ở trẻ này, mẹ cần:

  • Mắc màn để muỗi không đốt trẻ mỗi khi ngủ
  • Mẹ lên kế hoạch tiêu diệt muỗi và lăng quăng bằng các thiết bị chuyên dụng
  • Mẹ cần dọn dẹp và vệ sinh các khu vực muỗi để trứng như kẻ lá, hốc cây, chum đựng nước hoặc lốp xe, chai lọ…

Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, mẹ nên cho bé nằm nghỉ ngơi, bổ sung nước. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Thường xuyên theo dõi, kiểm tra thân nhiệt của trẻ
  • Chế độ ăn uống của bé nên bao gồm cháo, súp và sữa
  • Khi các biểu hiện bệnh ngày càng rõ rệt, mẹ đưa con đến bệnh viện để được xét nghiệm và chẩn đoán tình trạng bệnh
  • Thăm khám kịp thời giúp bé tránh khỏi các biến chứng đe dọa tính mạng như suy hô hấp, sốc, tổn thương gan hay rối loạn tri giác…

Nguồn: marrybaby.vn

Theo Bibabo.vn