Tài khoản

6 nguyên nhân khiến trẻ nháy mắt liên tục, nhìn bình thường nhưng mẹ chớ chủ quan

Duy Phương 5 năm trước

Trung bình đối với một đứa trẻ, tần suất nháy mắt là 1.500 lần/giờ và nếu trẻ nháy mắt liên tục nhiều hơn số lần này thì gia đình nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra. 

Dấu hiệu trẻ nháy mắt liên tục khiến nhiều mẹ lầm tưởng rằng con chỉ đang đùa giỡn và làm dáng. Tuy nhiên có thể nhận thấy nếu bé nháy mắt do tự nhiên và cố tình nháy mắt, phân biệt được sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về thị giác của bé khi còn nhỏ.

Nguyên nhân trẻ nháy mắt liên tục

Hãy quan sát bé để thấy con nháy mắt là do bản thân bé muốn hay do yếu tố khách quan nào khác tác động. Nếu rơi vào trường hợp thứ 2 thì nguyên nhân là do các bệnh lý sau:

Trẻ bị tăng động


Trẻ nháy mắt liên tục là một trong những triệu chứng của trẻ bị tăng động. Để nhận biết thì mẹ còn căn cứ vào những dấu hiệu khác như trẻ khịt mũi, trẻ khạc khan, nháy cơ mặt, đứng ngồi không yên mà hay ngọ nguậy và chạy nhảy. Lúc này, mẹ nên theo dõi những biểu hiện của bé kèm theo tần suất nháy mắt để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị chứng tăng động càng sớm càng tốt.

Rối loạn tạm thời về mắt

Triệu chứng rối loạn tạm thời về mắt phổ biến nhất ở trẻ em tuổi mẫu giáo. Không phải lúc nào điều này cũng diễn ra mà có thể xảy ra nhất thời, nếu bé đang bình thường bỗng nhiên nháy mắt liên tục hoặc lúc bé ho, nhỏ mắt cho bé cũng nháy mắt. Có thể bé đang căng thẳng mệt mỏi do không khỏe, nhưng mẹ hãy yên tâm vì tình trạng này sẽ nhanh chóng kết thúc sau khi bé lớn hơn.

Đôi mắt trẻ bị khô

Khô mắt là triệu chứng thường xảy ra với những trẻ sơ sinh và kèm theo đó bé sẽ nháy mắt liên tục. Khô mắt khiến bé luôn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy nên phản xạ tự nhiên giúp bé nháy mắt để điều chỉnh cảm giác của mình. Trẻ bị khô mắt do thiếu nước, trẻ suy dinh dưỡng hoặc là do bé sinh non, để điều trị bé cần được đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.

Hội chứng Transient Tic

Ít nhiều mẹ biết về hội chứng Transient Tic, hội chứng này không đáng lo ngại vì chỉ diễn ra nhất thời trong giai đoạn trẻ được 2 – 4 tuổi. Ngoài ra, một nguyên nhân khác còn là do hệ thần kinh của trẻ đang phát triển và cố gắng tiếp cận thông tin. Nếu cùng lúc bé phải tiếp nhận quá nhiều thông tin thì hệ thần kinh nối liền với cơ mắt trẻ sẽ bị rối loạn nhẹ và làm tăng cơ mặt dẫn tới hiện tượng nháy mắt.

Do trẻ bị dị ứng và thị lực kém

Với những trẻ bị dị ứng với thực phẩm hay phấn hoa, bụi, đôi mắt bé sẽ rất mẫn cảm nếu tiếp xúc phải những yếu tố này. Dị ứng khiến đôi mắt của bé đỏ và sưng lên, đôi khi bé sẽ ngứa và nháy mắt liên tục do phản xạ tự nhiên.

Những trẻ có thị lực kém bẩm sinh, trẻ thiếu vitamin A cũng có nguy cơ cao mắc bệnh về mắt hơn bình thường.

Hội chứng Tourette

Một hội chứng khác khiến trẻ nháy mắt liên tục là Tourette – đây là hội chứng rối loạn thần kinh không đáng lo ngại. Hội chứng này cũng sẽ dần biến mất trong giai đoạn trẻ trưởng thành. Cũng theo các bác sĩ, hiện tại chưa có thuốc điều trị về bệnh này và tạm thời chỉ có thể ức chế hoạt động bằng thuốc.

Mẹ nên làm gì khi bé nháy mắt liên tục?

Hầu hết những nguyên nhân khiến trẻ nháy mắt liên tục đều không quá nguy hiểm hay ảnh hưởng đáng ngại tới sức khỏe của trẻ. Thế nhưng nếu bé còn nhỏ mà không được điều trị có thể thành thói quen vĩnh viễn ở trẻ. Tùy vào từng nguyên nhân sinh lý, bệnh lý mà mẹ nhờ đến bác sĩ can thiệp.

Với những trường hợp trẻ nháy mắt do mắt bị khô, trẻ thiếu vitamin, trẻ bị đau mắt thì cần bổ sung thêm dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ.

Bảo vệ bé trước những tác nhân gây hại từ bên ngoài bằng cách đeo kính mát cho con khi ra đường; hạn chế cho trẻ xem tivi nhiều hoặc đọc truyện tranh. Khi trẻ đến độ tuổi đi học thì gia đình và nhà trường nên tập cho các bé thói quen ngồi đúng tư thế để không bị đau mắt, cận thị hoặc mắc bệnh vẹo xương sống.

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn