Tài khoản

Bệnh Whitmore - Căn bệnh đáng sợ từ "vi khuẩn ăn thịt người"?

Mẹ Ngọc Anh 4 năm trước

Bệnh Whitmore đáng sợ ở chỗ biểu hiện bệnh không đặc trưng nên rất khó chẩn đoán. Bệnh có thể tiến triển rất nhanh và nguy hiểm. 

Xem nhanh

  • Bệnh Whitmore là gì? 
  • Bệnh Whitmore lây nhiễm như thế nào? 
  • Biểu hiện mắc bệnh Whitmore
  • Bệnh Whitmore có điều trị được không? 

Mấy ngày nay báo đài ầm ầm lên thông tin về bệnh Whitmore và con vi khuẩn đáng sợ mang tên "vi khuẩn ăn thịt người". Nghe là đã hết hồn rồi các mẹ ạ. Nhiều người nói bệnh Whitmore sắp bùng phát thành dịch, bệnh Whitmore có thể lây lan từ người này sang người khác. Toàn những thông tin gây lo lắng trong cộng đồng. Tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh "lạ" này, mình thấy bệnh không hề đáng sợ, không hề "ăn thịt người" kinh khủng như báo chí "giật tít". Nếu hiểu rõ về bệnh Whitmore, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh, bảo vệ gia đình khỏi căn bệnh này, các mẹ đừng quá lo lắng. Dưới đây là một số thông tin cơ bản nhất mình tìm hiểu được về bệnh Whitmore, cùng đọc nha các mẹ. 

Bệnh Whitmore dễ gặp nhưng ít người biết đến (Ảnh: Internet)

1Bệnh Whitmore là gì? 

Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (tên dài quá không nhớ được ạ, mà cũng không cần nhớ chi tiết quá). Loại vi khuẩn này đã xuất hiện từ những năm 19xx rồi cơ mà đợt này chúng xuất hiện nhiều hơn, gây bệnh nhiều hơn. Hàng năm đều có một số bệnh nhân mắc bệnh này và được điều trị ở các bệnh viện lớn như Bạch Mai nhưng số lượng ít hơn, và ít được báo chí quan tâm hơn thì phải. Bệnh Whitmore được đánh giá là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng đã bị "bỏ quên", đến nay mới nhắc lại.

2Bệnh Whitmore lây nhiễm như thế nào? 

Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei lây nhiễm. Mọi người cứ bảo vi khuẩn này là "vi khuẩn ăn thịt người" - cách nói đúng là hù dọa người. Thực ra, đây cũng chỉ là một loại vi khuẩn gây bệnh, còn là loại vi khuẩn không hiếm gặp, nó cũng giống như những loại vi khuẩn gây bệnh khác mà thôi.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không đáng sợ như lời đồn (Ảnh: Internet)

Loại vi khuẩn này tìm thấy nhiều ở đất bẩn và nước bẩn như ở ngoài ruộng, đất bùn, đất ao, nước sông, nước ngòi bẩn. Thế nhưng không phải vùng đất, nước bẩn nào cũng có loại vi khuẩn này. Còn tùy thuộc theo từng vùng, từng điều kiện nữa. Mắt thường tụi mình làm sao biết hết được, để an toàn nhất, cứ chỗ nào bẩn thì tránh xa hoặc bảo hộ thật cẩn thận các mẹ nhờ. 

Có 2 con đường vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh: 

  • Qua VẾT THƯƠNG HỞ. Trên da có vết thương hở và tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bẩn chứa vi khuẩn là điều kiện quyết định cơ thể có bị lây nhiễm hay loại vi khuẩn này không. Thông qua vết thương hở, vi khuẩn đi vào trong cơ thể và gây bệnh. 

  • Qua đường ăn, uống, nuốt, hít đất hoặc nước có chứa vi khuẩn này. 

Đây là hai con đường phổ biến nhất khiến vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể người. Chị em ở các khu vực ô nhiễm nước và đất, đặc biệt hơn ở vùng nông thôn cần hết sức chú ý điều này nhé. Nhà mình cũng ở nông thôn nên rất lo lắng. 

3Biểu hiện mắc bệnh Whitmore

Các triệu chứng của bệnh Whitmore khá đa dạng nhưng mình thấy dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn viêm phổi,... Bệnh Whitmore có nhiều dạng, có thể bị nhẹ và kéo dài lâu ngày, cũng có thể bị nặng và diễn biến cực nhanh. 

Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, một số triệu chứng của bệnh Whitmore có thể kể đến như: 

  •  Gây nhiễm khuẩn tại chỗ: ví dụ như vết nhiễm trùng trên da tại chỗ vết thương hở chẳng hạn, kèm SỐT CAO…

  • Gây viêm phổi: SỐT CAO, ho, đau ngực…

  • Nhiễm khuẩn huyết: SỐT CAO, mệt mỏi, li bì kèm các triệu chứng của cơ quan bị vi khuẩn tấn công.

Triệu chứng thì rất nhiều, rất đa dạng nhưng đều có biểu hiện là sốt cao. Nếu thấy sốt cao, ba mẹ hãy đưa con đi khám để được bác sĩ kiểm tra, làm xét nghiệm phát hiện bệnh kịp thời. Hãy đưa con đi khám nếu con bị sốt nhé.

Sốt là dấu hiệu dẫn tới nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh Whitmore (Ảnh: Internet)

4Bệnh Whitmore có điều trị được không? 

Mặc dù nguy hiểm và khó phát hiện nhưng tin mừng là bệnh Whitmore hoàn toàn có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm. Như trường hợp bệnh nhân Whitmore bị vi khuẩn "ăn mòn" phần mềm ở cánh mũi hiện nay đã được điều trị kịp thời, vết thương đã hết mủ, da non đã ăn dần. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy nếu phát hiện sớm bệnh Whitmore thì không cần quá lo lắng. 

Bệnh Whitmore sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Trong những ngày đầu dùng kháng sinh liều cao để "xử lý" nó vì vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh. Đến khi khỏi bệnh vẫn cần tiếp tục duy trì sử dụng kháng sinh tối thiểu 3 tháng và theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh, nếu bệnh tái phát, tỉ lệ tử vong khá cao. 

Một số trường hợp phát hiện bệnh muộn nên việc điều trị rất khó khăn và tỉ lệ tử vong cao hơn. Do đó, không chủ quan với sốt cao ở cả người lớn và trẻ nhỏ

Phòng tránh bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore nghe thì nguy hiểm nhưng không phải là bệnh hiếm gặp, hoàn toàn có thể phòng tránh được. 

Các bố mẹ cùng mình lưu lại những ghi chú dưới đây nhé: 

  • Không để trẻ đi chân trần, dùng tay không tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn và đất bẩn. Người lớn cũng vậy. Cần có biện pháp bảo hộ như đi ủng, đeo găng tay thật cẩn thận, nhất là vùng da bị trầy xước. 

  • Sau khi tiếp xúc bùn, đất, nước bẩn cần vệ sinh thật sạch sẽ với xà phòng. Nếu cơ thể có vết thương hở bị nhiễm bẩn, nên áp dụng các biện pháp khử trùng, sát trùng hoặc nặng hơn, khi bị viêm nên đến bệnh viện để xử lý phù hợp. Nhớ nhắc bác sĩ là đã từng đi chơi, làm ruộng,... mà vết xước có cơ hội gặp đất/nước bẩn. 

  • Không chủ quan với bất kỳ triệu chứng gì, đặc biệt là SỐT, viêm phổi, có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Người có hệ miễn dịch suy yếu hơn như người bị bệnh tiểu đường, trẻ nhỏ, người bị bệnh thận, bệnh phổi sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Cần có biện pháp bổ sung, tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho cả gia đình. 

  • Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài môi trường để tránh trẻ hít phải bụi bẩn, nước bẩn gây hại. 

Ở nước ta hiện nay thấy vùng đất Thanh Hóa và Nghệ An là khả năng mắc bệnh cao nhất. Do vậy, các bố mẹ ở khu vực này hết sức lưu ý cho con yêu nhé! Bệnh không quá ghê gớm như chúng ta tưởng tượng, chỉ cần nắm chắc thông tin và cách xử lý sẽ giúp chúng ta yên tâm hơn đáng kể. Hi vọng chút thông tin sẽ giúp ích cho các mom nha. 

Nguồn kiến thức tổng hợp: 

https://www.facebook.com/BVNDTP/posts/2358311334435248?

https://vtv.vn/suc-khoe/benh-whitmore-co-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-hay-khong-20190913232137764.htm

https://vtv.vn/suc-khoe/ly-do-nguoi-mac-benh-whitmore-de-tu-vong-2019091222381763.htm

https://www.vnu.edu.vn/ttsk/? C1654/N18312/TS.-Trinh-Thanh-Trung:--Whitmore---benh-cu-bi-bo-quen.htm

https://www.cdc.gov/melioidosis/bioterrorism/threat.html? fbclid=IwAR22ZLl7aMPM_EajKw2mk-bLhNxl3f9bDOxjuXoHTPeyGyD4FPJufXu8Kaw

Theo Bibabo.vn