Tài khoản

Cách phân biệt thai máy và cơn gò tử cung khi mang thai

Nguyen Trang 5 năm trước 6 bình luận

Rất nhiều mẹ mang thai, nhất là bé đầu thường bị nhầm lẫn giữa thai máy và cơn gò tử cung. Để giúp các mẹ đỡ bỡ ngỡ, mình xin chia sẻ những hiểu biết của mình về 2 vấn đề này nhé.


Đầu tiên, về THAI MÁY. Những chuyển động của em bé trong bụng mẹ như xoay vòng, đạp chân khua tay, húc đầu... được gọi chung là thai máy. Hiểu đơn giản thì thai máy là hiện tượng cử động của thai nhi trong bụng mẹ. Đến gần giai đoạn giữa của quá trình mang thai, mẹ bầu thường bắt đầu cảm nhận được cử động của thai nhi. Càng về những tuần cuối của thai kỳ thì chuyển động càng nhiều và càng mạnh.


Mỗi thai nhi đều có một chu kỳ thai máy riêng và vào khoảng thời gian đó, thai nhi sẽ hoạt động nhiều nhất. Mẹ có thể đếm tần suất hoạt động thường ngày của con để đánh giá xem thai nhi có phát triển bình thường hay không. Tất nhiên tần suất không phải ngày nào cũng giống nhau nhưng là một con số tương đối giống nhau.


Còn CƠN GÒ TỬ CUNG là gì?

Nếu như thai máy chỉ xuất hiện ở một vùng nhất định thì các cơn gò tử cung lại tác động lên toàn bộ bụng bầu của mẹ. Các cơn co thắt tử cung thường xuất hiện ở vùng bụng phải, sau đó lan tỏa ra cả vùng bụng nên mẹ sẽ cảm thấy cả bụng gò cứng lên.


Từ sau tuần thai thứ 36, tần suất của thai máy sẽ giảm đi do lúc này kích thước thai nhi rất lớn nên tử cung không có nhiều khoảng không cho bé “vùng vẫy” như trước. Trong khi đó số lần các cơn gò sinh lý xuất hiện lại tăng lên.


Các cơn gò sinh lý có đặc điểm chung là: Thường không đau/ Cảm giác tập trung tại bụng/ Cảm giác căng chặt bụng dưới/ Có thể khiến bạn khó chịu.


Cơn gò sinh lý không tăng dần theo thời gian cũng như đau nhiều hơn, không làm thay đổi cổ tử cung của bạn. Bạn có thể xuất hiện những cơn gò trên khi mệt mỏi, mất nước hay đi đứng quá nhiều. Cơn gò sinh lý thường sẽ biến mất khi bạn nghỉ ngơi hay thư giãn.


Mẹ bầu cũng phải lưu ý để phân biệt cơn gò sinh lý và cơn gò tử cung sinh non. Giai đoạn trước 37 tuần, nếu cơn gò xuất hiện đều đặn theo chu kỳ thời gian, chẳng hạn như cơn gò mỗi 10 đến 12 phút trong hơn 1 giờ, mẹ bầu có thể sắp sinh non.


Ngoài ra, đến ngày sinh thì cơn gò cũng xuất hiện. Lúc này là cơn gò tử cung chuyển dạ. Những cơn gò này sẽ xuất hiện tăng dần đều về khoảng cách và cường độ. Ban đầu có thể còn cách nhau khá xa, nhưng càng đến lúc chuyển dạ, mỗi cơn gò có thể xuất hiện sau 5 phút.


Những cơn gò này sẽ ngày càng đau nhiều hơn và thường xuyên hơn so với cơn gò trong giai đoạn sớm. Trong giai đoạn này, cổ tử cung sẽ mở rộng từ 4 đến 10cm, chuẩn bị để em bé được ra ngoài.


Bạn sẽ cảm thấy cơn gò này bao quanh cả cơ thể từ lưng ra trước bụng. Bạn còn có thể bị chuột rút ở chân và đau. Nếu nhận thấy mình thực sự chuyển dạ, bạn cần đến bệnh viện ngay, những cơn gò có thể kéo dài 45 đến 60 giây, sau 3 đến 5 phút.


Trong chuyển dạ, cổ tử cung mở rộng từ 7 đến 10cm, cơn gò tử cung sẽ kéo dài từ 60 đến 90 giây và khoảng cách giữa mỗi cơn gò là 30 giây hay 2 phút. Cơn gò thậm chí có thể chồng lên nhau để đẩy em bé ra ngoài. Tuy nhiên, cảm nhận về cơn gò tử cung ở những phụ nữ khác nhau sẽ khác nhau.


Hi vọng chia sẻ sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về cách phân biệt giữa thai máy và cơn gò tử cung nhé.

Theo Bibabo.vn