Tài khoản

Chữa chứng ra mồ hôi trộm cho trẻ bằng gối lá đinh lăng, lợi hay hại?

Mẹ Minh Hí 4 năm trước

Bỏ ra vài chục ngàn để mua gối lá đinh lăng mong giúp con chữa khỏi chứng ra mồ hôi trộm, có đáng hay không?

Xem nhanh

  • Gối lá đinh lăng giúp chữa chứng ra mồ hôi đầu ở trẻ?
  • Tìm hiểu nguyên nhân trẻ bị ra mồ hôi trộm vùng đầu
  • Cách chữa chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ

Trẻ bị ra mồ hôi trộm là tình trạng thường thấy trong những tháng đầu đời của trẻ. Nhưng nguyên nhân ra sao, cách chữa như thế nào thì ít ba mẹ tìm hiểu rõ ràng nguồn gốc mà chữa theo kinh nghiệm dân gian, chữa theo lời truyền miệng, ít cần tìm hiểu thiệt hơn. Một số kinh nghiệm áp dụng rất chuẩn và bé nhanh khỏi, nhưng nhiều lời truyền miệng không hề hiệu quả, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong đó có kinh nghiệm trị chứng ra mồ hôi trộm cho trẻ bằng gối lá đinh lăng. 

Trẻ sơ sinh thường ra mồ hôi trộm trong những tháng đầu đời (Ảnh: Internet)

1Gối lá đinh lăng giúp chữa chứng ra mồ hôi đầu ở trẻ?

Trong dân gian, người ta hay mách nhau dùng lá đinh lăng xao khô lên rồi làm gối gối đầu cho trẻ để chữa chứng ra mồ hôi trộm. Nhưng theo Thầy thuốc Nhân dân BS Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, lá cây, vỏ cây, thảo dược đều là những thứ có khả năng hút nước mạnh. Mặc dù các vị thuốc này đã được phơi khô nhưng khi mồ hôi ra sẽ thấm vào gối và dễ nảy sinh nấm, mốc, dòi bộ xuất hiện khiến bé bị dị ứng nặng. Nhất là vào thời điểm mùa mưa (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau), độ ẩm không khí cao, khả năng đồ đạc bị ẩm và nấm mốc là khá cao. 

Đó là còn chưa kể, khi trẻ nằm, vùng đầu và gáy của trẻ rất nóng. Nằm trên gối lá có thể khiến bé cảm thấy nóng bức hơn rất nhiều, tăng khả năng đổ mồ hôi vùng đầu gây bí bích, khó chịu.  Làn da trẻ nhạy cảm và dễ bị kích ứng, nổi mụn mẩn, thậm chí là dị ứng với những loại gối lá kiểu như gối lá đinh lăng này. 

Rễ và lá cây đinh lăng có tác dụng làm thuốc bổ. Tuy nhiên, những loại lá rễ này chỉ phát huy tác dụng khi được xông, sắc nước uống hoặc kết hợp với một số thảo dược khác mới có hiệu quả. Nếu chỉ dùng lá đinh lăng để gối đầu sẽ không có giá trị chữa lành bệnh ra mồ hôi đầu ở trẻ. 

Gối lá đinh lăng không có nhiều giá trị chữa lành bệnh ra mồ hôi trộm cho trẻ (Ảnh: Internet)

2Tìm hiểu nguyên nhân trẻ bị ra mồ hôi trộm vùng đầu

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ra mồ hôi trộm ở vùng đầu: 

Trẻ bị mồ hôi trộm sinh lý

Trong những tháng đầu tiên, trẻ có thể bị đổ mồ hôi trộm khá nhiều. Nguyên nhân là hệ thần kinh đại não của trẻ chưa thực sự phát triển hoàn thiện, cộng thêm quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể trẻ đang diễn ra hết sức mãnh liệt, tỏa nhiệt rất nhiều. Cơ thể trẻ cần một phương thức để tản bớt nhiệt bên trong người, cân bằng nhiệt độ bên trong và bên ngoài. Đổ mồ hôi trộm vùng đầu là một trong những biện pháp tốt giúp bé hạ nhiệt. Hiện tượng này không gây hại cho sức khỏe của em bé, thậm chí còn có nhiều tác động tích cực tới sức khỏe.  

Đổ mồ hôi do nóng

Một nguyên nhân nữa dẫn đến hiện tượng này. Trẻ đổ mồ hôi là do nóng. Ba mẹ cho bé mặc quá nhiều quần áo, đắp chăn quá kín khiến trẻ cảm thấy nóng bức, khó chịu và đổ mồ hôi. Thực tế, nhiệt độ của cơ thể trẻ luôn cao hơn so với cơ thể của người lớn. Nguyên nhân có thể là do sự tỏa nhiệt trong quá trình trao đổi chất của trẻ mạnh mẽ hơn so với người lớn (như đã nói ở trên). Ba mẹ sợ con lạnh, nhưng thực tế con có thể cảm thấy nóng. Nóng và sau đó đổ mồ hôi đầu, thậm chí là lưng. Đây cũng là nguyên nhân tương đối phổ biến. 

 Mặc quá nhiều quần áo trong khi ngủ cũng là nguyên nhân khiến trẻ ra mồ hôi trộm (Ảnh: Internet)

Đổ mồ hôi trộm bệnh lý

Một số trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm sẽ có biểu hiện đổ mồ hôi trộm vùng đầu, nhất là khi trẻ bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi sẽ ra nhiều hơn. 

Để xác định trẻ có đổ mồ hôi trộm bệnh lý hay không, ba mẹ cần quan tâm tới một số biểu hiện đi kèm như thóp liền chậm, xương đầu to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng (với trẻ bị bệnh còi xương) và biểu hiện ho kéo dài, ăn uống kém, chụp X-quang phổi thấy tổn thương lao sơ nhiễm (với trẻ bị lao sơ nhiễm). 

Tuy nhiên, với chế độ dinh dưỡng như hiện nay, việc bổ sung đều đặn vitamin D cho trẻ ngay sau sinh, chế độ nuôi con sữa mẹ giàu dưỡng chất hoặc dùng sữa công thức nhiều canxi, tình trạng trẻ bị còi xương không phải vấn đề phổ biến. Nếu không chắc chắn về vấn đề sức khỏe của bé, ba mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn chính xác.  

3Cách chữa chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ

Với trẻ đổ mồ hôi sinh lý, khi trẻ lớn lên, tình trạng này sẽ tự hết mà ba mẹ không cần làm gì cả. Hãy dùng một chiếc khăn khô, thấm hút tốt, mềm mại để lau mồ hôi cho trẻ, tránh tình trạng mồ hôi thấm ngược trở lại vùng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 

Với trẻ đổ mồ hôi bệnh lý, tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để biết vấn đề chính xác trẻ đang gặp phải và điều trị kịp thời. 

Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để biết chính xác nguyên nhân khiến trẻ ra mồ hôi trộm và chữa trị kịp thời (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, ba mẹ cần có một số lưu ý nho nhỏ để đảm bảo giấc ngủ của trẻ được tốt nhất: 

  • Giữ cho phòng ngủ của trẻ được thoáng mát, không bí bích. 

  • Không để trẻ mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn quá dày khi ngủ tránh trẻ bị nóng, nên mặc quần áo thoáng mát và có khả năng thấm hút tốt. 

Hiện tượng đổ mồ hôi trộm sinh lý là hiện tượng bình thường. Nếu trẻ vẫn ăn uống ngoan, phát triển các kỹ năng tốt và tăng cân đều đặn, không quấy khóc, ba mẹ không nên lo lắng quá mức và tự ý áp dụng các biện pháp điều trị mà không được bác sĩ hướng dẫn. 

Theo Bibabo.vn