Tài khoản

Liệu trẻ bị méo đầu thì có tròn lại bình thường được không?

Bích Liên 4 năm trước

Có rất nhiều trường hợp trẻ bị méo đầu sau khi chào đời và các mẹ tất nhiên cảm thấy lo lắng, không biết khắc phục ra sao. Vậy thì hãy cùng Conlatatca.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Phần đầu của trẻ sơ sinh là một trong những phần rất yếu ớt và dễ bị tổn thương. Bởi vì trẻ vừa chào đời thì sẽ có 2 thóp mềm – nơi các xương sọ chưa phát triển và liền lại với nhau. Các thóp này có nhiệm vụ giúp đầu trẻ trở nên linh hoạt cho quá trình chào đời, nhưng cũng vì thế mà khiến trẻ bị méo đầu dễ dàng.

Nguyên nhân khiến trẻ bị méo đầu

Theo đánh giá của các chuyên gia thì có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị méo đầu gồm:

Trẻ bị méo đầu do lực đẩy khi mẹ sinh thường

Trong quá trình mẹ rặn đẻ thì phần đầu của trẻ sẽ tự động điều chỉnh sao cho mềm và linh hoạt hơn để đi ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, trong những trường hợp mẹ phải rặn quá nhiều và rặn lâu thì đầu trẻ rất dễ bị méo sang một bên hoặc bị dài ra.

Trẻ sinh non

Hầu hết trẻ sinh non, thiếu tháng sẽ có nguy cơ bị méo đầu cao hơn những đứa trẻ bình thường khác. Nguyên nhân rất đơn giản đó là do phần đầu của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, còn rất yếu ớt và mềm hơn so với những trẻ sinh đủ tháng.

Lượng nước ối trong thai kỳ

Trẻ bị thiếu ối chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị méo đầu. Bởi vì bọc nước ối có nhiệm vụ chính là bảo vệ thai nhi khỏi những nguy hiểm và tác động mạnh từ bên ngoài cơ thể. Không những vậy, khi bước vào thời điểm trẻ chào đời thì lượng nước ối này sẽ giúp làm giảm áp lực tác động lên phần đầu non nớt của trẻ.

Những trẻ sinh đôi dễ bị méo đầu

Khi mang thai đôi thì diện tích trong tử cung sẽ trở nên chật chội hơn vì 2 đứa trẻ sẽ phải “phân chia” chỗ nằm của mình. Khi con càng lớn thì bụng mẹ sẽ càng trở nên chật hẹp và khi con di chuyển, đạp đá, uốn người… đều sẽ vô tình chạm phải đến nhau và khiến trẻ bị méo đầu.

Do tư thế nằm sai

Hầu hết trẻ bị méo đầu đều là do tư thế nằm mà ra. Nguyên nhân là do mẹ cho trẻ nằm trên gối cứng, không bằng phẳng hoặc nằm nghiêng đầu ở một tư thế cố định trong một thời gian dài. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho đầu của trẻ bị móp vào trong.

Trẻ bị méo đầu có nguy hiểm không?

Đầu tiên, tình trạng trẻ bị méo đầu sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mĩ khi nhìn vào. Nếu bên đầu bị móp có liên quan đến áp lực tác động phần đầu bên đó, nhưng lại không gây tổn hại gì đến não bộ thì sẽ không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị méo đầu và kèm theo các dấu hiệu như đầu trẻ to bất thường thì rất có thể trẻ đang mắc phải những căn bệnh nguy hiểm:

Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám và có cách khắc phục an toàn để giúp con phát triển bình thường, khỏe mạnh trở lại.

Trẻ bị méo đầu có tròn lại được không?

Nếu tình trạng trẻ bị méo đầu không phải là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm thì bố mẹ không cần phải lo lắng hình dáng đầu của trẻ. Bởi vì trẻ bị méo đầu hoàn toàn có thể trở về hình dáng ban đầu nếu được điều chỉnh lại tư thế nằm. Khi trẻ lên 6 – 8 tháng tuổi, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ngồi vững và hạn chế thời gian nằm, hộp sọ của bé cũng sẽ tự thay đổi khi bé được 6 tháng tuổi và tiếp tục biến đổi dần dần sau đó.

Và để giúp đầu của trẻ sớm tròn trở lại thì bố mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây:

Không cho trẻ nằm một bên quá lâu

Việc cho trẻ sơ sinh nằm một tư thế quá lâu sẽ khiến cho trẻ dễ bị méo đầu bởi lúc này xương sọ của trẻ vẫn còn rất mềm. Vì thế, nếu muốn đầu trẻ được tròn, đẹp mẹ cần điều chỉnh tư thế nằm cho con trong 0 – 6 tuần đầu tiên.

Ngoài ra, khi cho trẻ nằm thì mẹ nên lưu ý một số điều sau:

  • Không nhất thiết phải sử dụng gối cho trẻ mà chỉ cần dùng một chiếc khăn xô lót dưới đầu cho trẻ là được.
  • Thỉnh thoảng điều chỉnh tư thế nằm cho trẻ, nghiêng sang trái, nghiêng sang phải, có thể dùng một chiếc gối chặn sau lưng để trẻ giữ được tư thế nằm.

Cho bé nằm sấp

Khi cho trẻ nằm sấp sẽ giúp con nhanh cứng cổ và cũng không cần phải quá lo về việc trẻ bị méo đầu. Không những vậy, khi trẻ được nằm sấp trên ti mẹ để bú sẽ giúp trẻ phát triển cơ bắp tốt hơn và giảm áp lực lên sọ não. Lưu ý không nên cho trẻ nằm sấp khi không có bố mẹ bên cạnh vì dễ khiến trẻ bị ngạt thở.

Thay đổi bên khi cho trẻ bú

Khi cho trẻ bú sữa mẹ nên thay đổi qua lại giữa hai bên ngực. Việc làm này vừa giúp kích thích cả 2 tuyến sữa đều hoạt động tốt vừa giúp đầu trẻ không bị nghiêng về một bên quá lâu, từ đó đầu trẻ sẽ nhanh tròn hơn.

Xoa nắn đầu trẻ nhẹ nhàng

Trong những tháng đầu đời thì hộp sọ của trẻ vẫn còn rất mềm nên việc áp dụng cách cho trẻ nằm nghiêng, nằm sấp sẽ giúp đầu trẻ nhanh tròn hơn. Tuy nhiên, khi trẻ đã được trên 6 tháng thì những cách này không còn đem lại hiệu quả nữa. Thay vào đó, nên áp dụng các cách xoa nắn nhẹ nhàng, tốt nhất là nên nhờ đến các bác sĩ trị liệu để đảm bảo an toàn.

Sử dụng mũ chỉnh đầu tròn

Đối với những trẻ đã hơn 8 tháng nhưng vẫn còn bị móp đầu thì bố mẹ có thể chọn cách sử dụng mũ chỉnh đầu tròn để giúp giữ hình dáng đầu hiệu quả. Tuy nhiên, điều trị bằng mũ chỉnh đầu sẽ không còn hiệu quả khi trẻ trên 1 tuổi, vì lúc này xương sọ đang dính lại và não phát triển chậm hơn.

Tóm lại, nếu muốn giúp khắc phục tình trạng trẻ bị méo đầu thì bố mẹ nên áp dụng đúng tư thế nằm, tư thế địu cho trẻ trong những tháng đầu đời. Sau đó, nếu trẻ lớn nhưng vẫn còn bị méo đầu thì tốt nhất nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị chuyên môn.

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn