Tài khoản

Mẹ đã biết cách chăm sóc và phòng tránh rôm sảy cho trẻ vào mùa hè nóng "kỉ lục" sắp tới chưa?

Nguyen Trang 4 năm trước

Trẻ nhỏ rất dễ bị rôm sảy trong mùa hè khiến con ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt ăn và ngủ của bé.

Xem nhanh

  • Vì sao trẻ lại dễ bị rôm sảy?
  • Dấu hiệu phát hiện con bị rôm sảy
  • Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị rôm sảy
  • Phòng tránh rôm sảy cho trẻ vào mùa hè nóng bức 

Rôm sảy là một loại bệnh ngoài da lành tính của trẻ nhỏ và thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại dễ tái đi tái lại và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.

Hiểu rõ về nguyên nhân khiến con bị rôm sảy, cách phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm sẽ khiến bố mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc cũng như phòng tránh rôm sảy cho bé yêu.

Rôm sảy là tình trạng thường gặp vào mùa hè (Ảnh: Internet)

1Vì sao trẻ lại dễ bị rôm sảy?

Nguyên nhân chính gây ra loại bệnh ngoài da này là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Vì thế bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ có các ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn thiện. Khi thời tiết nắng nóng, mồ hôi trong cơ thể con không thoát ra được hết khiến các ống tuyến này bị nghẽn lại và các nốt rôm sảy xuất hiện trên da trẻ.

Một nguyên nhân khác là do các lỗ chân lông của trẻ bị tắc nghẽn do bụi bẩn hoặc con được mặc quá nhiều quần áo khiến mồ hôi không thoát ra được cũng gây nên tình trạng rôm sảy ở trẻ.

Rôm sảy còn dễ gặp ở những trẻ bị sốt cao, trẻ thường xuyên vận động ngoài trời hay những bé có tuyến bã nhờn phát triển mạnh.

2Dấu hiệu phát hiện con bị rôm sảy

Khi bị rôm sảy, trên da của con sẽ xuất hiện các nốt nhỏ như đầu kim, có màu đỏ hồng, đôi khi có một chút nước giống như mụn nước, các nốt này có thể mọc rải rác hoặc mọc thành từng đám khiến vùng da của con ửng đỏ gây ra cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu và đôi khi là đau đớn cho trẻ nhỏ.

Bất kì vùng da nào của con cũng có thể xuất hiện các nốt rôm sảy, tuy nhiên mẹ cần đặc biệt lưu ý một số vùng da có nếp gấp thường bị bí mồ hôi như cổ, nách, bẹn,... và các vùng da thường được che chắn quá nhiều như ngực, lưng, mông,...

Mặc dù đây là bệnh ngoài da lành tính chỉ gây ngứa rát cho con nhưng nó cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da thứ phát, viêm da hay thậm chí là nhiễm trùng máu nếu các nốt rôm sảy không được chăm sóc đúng cách khiến chúng bị vỡ ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể non nớt của trẻ.

Vi khuẩn xâm nhập khiến trẻ rất khó chịu khi mắc rôm sảy (Ảnh: Internet)

3Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị rôm sảy

Con mọc rôm đồng nghĩa với việc con đang bị nóng, mồ hôi của con không thể thoát ra ngoài được, vì thế bố mẹ nên thay quần áo rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt hơn cho trẻ.

Những nốt rôm sẽ khiến con ngứa ngáy, mẹ có thể giúp con dễ chịu hơn bằng cách lau nhẹ nhàng vùng da đó cho con bằng nước mát và khăn sạch. 

Tình trạng rôm sảy của con có thể sẽ được cải thiện nếu môi trường sống của con mát mẻ, dễ chịu hơn, vì thế mẹ nên cho trẻ sinh hoạt ở nơi thoáng mát với nhiệt độ dễ chịu và hạn chế cho trẻ ra ngoài trời nắng nóng.

Nếu con bị rôm sẩy quá nhiều, mẹ nên cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định dùng thuốc phù hợp, không nên tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian để bôi ngoài da hoặc tắm cho trẻ vì làm như vậy rất dễ khiến các nốt rôm sảy của con ngày càng nặng thêm và còn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

4Phòng tránh rôm sảy cho trẻ vào mùa hè nóng bức 

Chúng ta vẫn thường hay nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đối với bệnh rôm sảy của trẻ cũng vậy, bố mẹ có thể dễ dàng phòng tránh rôm sảy cho con chỉ cần dựa vào một số lưu ý đơn giản sau:

  • Không mặc quá nhiều quần áo cho con vào mùa hè, chú ý mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt cho trẻ

  • Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của con để đảm bảo con không bị quá nóng

  • Tắm, vệ sinh cho trẻ hàng ngày bằng các loại sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh

  • Hạn chế cho con ra ngoài trời và hạn chế cho trẻ đến nơi tụ tập đông người khi trời nắng nóng

  • Nếu phải ra ngoài, bố mẹ nên lau mồ hôi thường xuyên cho trẻ

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, cho con uống đủ nước, bú đủ sữa và nếu con đã ăn dặm thì nên cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau củ giàu vitamin để tăng sức đề kháng

  • Phòng ở của con phải luôn đảm bảo thông khí và mát mẻ

  • Không nên bôi quá nhiều kem dưỡng da cho trẻ, dễ khiến các lỗ chân lông bị bít tắc gây nên rôm sảy.

Theo Bibabo.vn