Tài khoản

Tiêm phòng sởi: Chị em đừng quên khi chuẩn bị mang thai!

Trà My 4 năm trước

Đợt này dịch sởi, sốt phát ban nhiều nên chị em đừng quên tiêm phòng những mũi này để đảm bảo sức khỏe  khi mang thai nhé. Bầu bí vào là cơ thể yếu lắm, dễ mắc bệnh. 

Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc chuẩn bị mang thai nên chủ động đến các cơ y tế tiêm văcxin phòng bệnh sởi bởi bệnh sởi đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi cũng rất cao. Ngoài ra, bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch của phụ nữ mang thai khỏi bệnh sởi là khá thấp. Nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch, hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ để bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi.

Khi nào cần tiêm phòng sởi trước khi mang thai?

Để chủ động phòng bệnh sởi cho mình và con yêu sau này, tốt nhất bạn nên tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai 2 tháng. Những trường hợp đã được chẩn đoán mắc sởi thì không phải tiêm vì thường đã có miễn dịch bền vững với bệnh này. Tuy nhiên, việc tiêm bổ sung vắc xin sởi sẽ giúp củng cố miễn dịch phòng bệnh.

Vắc xin sởi không có chỉ định cho phụ nữ mang thai vì là vắc xin sống, giảm độc lực. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ có thai là nguyên nhân gây dị tật ở thai nhi. Dù vậy, trường hợp phát hiện có thai ngay sau khi tiêm vắc-xin này, các bà mẹ cần đi khám thai và theo dõi theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Nên chích ngừa vắc xin gì khi chuẩn bị mang thai?

Ngoài tiêm phòng vắc xin sởi khi chuẩn bị mang thai, chị em phụ nữ cũng nên tiêm phòng những vắc xin sau đây để bảo vệ sức khỏe của mình và con yêu suốt thai kỳ nhé:

Tiêm phòng Rubella

90% các trường hợp nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng khi bé được sinh ra.

Quai bị

Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu.

Thủy đậu

Nếu bạn từng bị thủy đậu hay may mắn thoát khỏi căn bệnh này khi còn nhỏ không có nghĩa bạn hoàn toàn miễn dịch. Thậm chí, nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn cũng nên tiêm phòng thêm một mũi tăng cường. Do đó, tốt nhất bạn nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai 1 tháng nhé!

Cảm cúm

Cảm cúm là căn bệnh thường gặp và không gây ra những biến chứng gì đặc biệt. Khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nếu bạn chưa được tiêm phòng vắc xin cảm cúm trước khi mang thai,  bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Vắc-xin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virut đã chết nên rất an toàn với mẹ bầu.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên xem xét đến việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Vắc-xin này bao gồm 3 mũi tiêm, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai. Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp nếu muốn hoàn thành việc phòng ngừa này trước khi bầu.

Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng mắc bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ bạn mà anh xã cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B nhé!

Vắc-xin phòng ngừa gồm 3 mũi và tiêm phòng trong vòng 4 tháng. Khác với vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.

Theo Bibabo.vn