Tài khoản

Trẻ bị ho khi giao mùa: Nguyên nhân, cách xử lý và cách phòng tránh

Mẹ Mun 4 năm trước 5 bình luận

Giao mùa là thời điểm trẻ dễ nhiễm bệnh, trong đó trẻ ho là tình trạng phổ biến nhất. 

Xem nhanh

  • Ho là gì? 
  • Nguyên nhân trẻ bị ho khi giao mùa
  • Phải làm gì khi trẻ bị ho?
  • Phòng ngừa trẻ bị ho khi giao mùa

Trẻ sơ sinh bị ho nếu không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh viêm đường hô hấp rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Ba mẹ nên nắm chắc nguyên nhân trẻ bị ho vào thời điểm giao mùa để từ đó có các xử lý và phòng ngừa hiệu quả. 

1Ho là gì? 

Trong cuốn "Để con được ốm", trang 224, bác sĩ Trí Đoàn có viết: "Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay siêu vi ra khỏi đường thở (phế quản) trong phổi và giúp phòng ngừa viêm phổi, chứ không phải ho nhiều làm cho trẻ bị viêm phổi...". Như vậy, ho là một phản xạ tốt cho cơ thể, là một cơ chế bảo vệ hệ hô hấp hoạt động khỏe mạnh. 

Trẻ rất hay bị ho khi thời tiết thay đổi (Ảnh: Internet)

2Nguyên nhân trẻ bị ho khi giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, trẻ thường bị ho nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Nguyên nhân là do: 

  • Virus gây bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,... thường xuất hiện nhiều hơn. 

  • Chất kích thích: Khói bụi, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, gió lạnh,...  

  • Dị ứng khi thời tiết thay đổi nhiệt độ, độ khô, độ ẩm,...

  • Lây nhiễm: Bạn bè ở lớp, người lớn trong nhà,... bị ho.

Trường hợp ho do bệnh lý, trẻ thường có biểu hiện đi kèm như sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, quấy khóc, không chịu ăn, ngủ kém. Những trường hợp khác rất ít có biểu hiện đi kèm, bé chịu chơi, ít quấy khóc hơn. 

Số lượng virus, vi khuẩn gây bệnh gia tăng là nguyên nhân chính khiến trẻ bị ho (Ảnh: Internet)

3Phải làm gì khi trẻ bị ho?

Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Ba mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân trẻ bị ho là do đâu, từ đó có thể đưa ra hướng điều trị và phòng ngừa kịp thời cho trẻ. Một số cơn ho có thể tự khỏi nhưng một số cơn ho thì không, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Trường hợp ho do bệnh lý:

  • Đưa trẻ đi khám bác sĩ để biết rõ bệnh trẻ đang mắc, từ đó điều trị đúng cách. 

  • Với trẻ dưới 6 tuổi, không tự ý sử dụng thuốc trị ho cho trẻ.

  • Có thể dùng mật ong cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, phòng trường hợp trẻ dị ứng.

Trường hợp ho thông thường: 

  • Cho trẻ uống nước mỗi ngày. 

  • Bảo vệ trẻ tránh xa các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, bụi, khu vực ô nhiễm bằng khẩu trang chất lượng tốt. 

  • Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. 

  • Giữ bé tránh xa khỏi những người đang bị ho. 

  • Không nên cho bé dùng các sản phẩm từ sữa như phô mai, pho mát,...

  • Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ. 

  • Tránh xa nơi ẩm thấp, hoặc quá lạnh. 

  • Có thể dùng một số thảo dược trị ho như húng chanh, gừng, bạc hà,...

Trong trường hợp đã áp dụng rất nhiều biện pháp mà tình trạng ho của trẻ không được cải thiện, mẹ hãy đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để trẻ ho kéo dài không tốt cho hệ hô hấp. 

Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý phần nào giúp bé giảm ho (Ảnh: Internet)

4Phòng ngừa trẻ bị ho khi giao mùa

Một số biện pháp dưới đây không chỉ bảo vệ bé khỏi bệnh ho khi thời tiết giao mùa mà còn giúp tăng cường sức khỏe hệ hô hấp cho bé. 

  • Không uống nước lạnh, ăn đồ nguội. 

  • Bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

  • Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý. 

  • Duy trì vệ sinh răng miệng mỗi ngày. 

  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, lưu ý giữ ấm vùng cổ, đặc biệt khi bé ngủ. 

  • Không nên cho bé ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn. 

  • Cho bé dùng khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đưa bé tới chỗ đông người. 

Hi vọng thông tin trên có thể giúp các ba mẹ xử lý và phòng ngừa tình trạng ho cho trẻ. Thời tiết đang giao mùa rồi, chuẩn bị tinh thần nào các ba mẹ ơi.

Theo Bibabo.vn