Xử lý tắc tia sữa: Mẹ chườm ấm thôi là chưa đủ!
Chườm ấm có thể làm tan phần nào vùng sữa bị tắc, tuy nhiên, nó không xử lý tắc tia sữa một cách triệt để. Chị em cần làm thêm một số thao tác khác nhé!
1. Tắc tia sữa là gì?
Cùng tưởng tượng một đường ống nước đang chảy rất mượt nhưng tự dưng có một vật cản gì đó làm nước không thể chảy được, tích tụ dần sẽ gây tắc đường ống. Tắc tia sữa cũng giống vậy. Sữa được sản xuất ra nhưng bị ứ đọng, không thể theo các ống dẫn sữa ra ngoài đầu ti được nên xảy ra hiện tượng tắc tia sữa.
2. Biểu hiện của tắc tia sữa
Một ngày đẹp trời chị em tự dưng cảm thấy vùng ngực bị đau ở một chỗ nào đó, xong sờ sờ tay vào thì thấy có một khối, một cục nho nhỏ, bóp bóp vào thấy căng tức là khả năng chị em bị tắc tia rồi. Nặng hơn, chị em có thể bị sốt, lạnh run người; vùng tắc tia sữa đỏ, nóng và đau rát rất khó chịu.
3. Nguyên nhân gây tắc tia sữa
Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc tia sữa có thể kể đến:
Lượng sữa mẹ quá nhiều. Sữa mẹ nhiều nhưng con không ti được, có thể do sai khớp ngậm khiến con không ăn được sữa, lâu dần là chán và không chịu ti mẹ, hay mẹ bị bỏ cữ hút sữa, cai sữa đột ngột quá. Sữa nhiều mà đầu ra bị bịt rồi, không thể thoát ra được sẽ gây tắc tia.
Vùng ngực bị chèn ép có thể do mặc áo ngực quá chật, hoặc mẹ nằm ngủ nghiêng sang một bên làm sữa không chảy được hay khi mẹ dùng ngón tay massage ngực không đúng cách đều có thể là nguyên nhân gây tắc tia sữa.
4. Xử lý tắc tia sữa như thế nào là đúng cách?
Nếu chườm ấm là không đủ, vậy mẹ sữa nên xử lý như thế nào? Mình có một vài kinh nghiệm trong việc này, các mẹ có thể làm theo khi bị tắc tia nhé. Nguyên tắc chung là xử lý tắc tia sữa ngay khi phát hiện ra, xử lý càng sớm thì càng dễ thông tia sữa.
Bước 1: Chườm ấm. Chườm ấm là bước đầu tiên của quy trình xử lý tắc tia sữa. Mình dùng khăn ấm để chườm lên ngực, nhất là vùng nổi cục, bị tắc tia trong khoảng 15 - 20 phút.
Bước 2: Massage vùng tắc tia. Dùng tay mạnh dạn massage vào chỗ vùng tắc tia sữa, massage từ đó hướng về phía núm vú. Đau một chút cũng phải cố gắng chịu, như vậy mới làm tan được vùng đang đóng cục.
Bước 3: Làm trống ngực. Mình sẽ nhờ con làm cái “máy hút” tạo lực hút siêu đỉnh để thông vùng tắc tia luôn. Con hút rất mạnh nên sẽ dễ hút được hơn máy hút. Cơ mà trường hợp con ti mãi không thấy sữa đâm ra chán không ti nữa thì phải dùng đến máy hút sữa các mẹ ạ. Hút hết phần sữa trong ngực ra, đau cũng phải hút để làm trống ngực, như vậy mới đỡ được tắc tia.
Bước 4: Nghỉ ngơi và ăn uống. Cái này với mình là quan trọng. Dù tắc tia nhưng mình vẫn cố gắng ăn uống đầy đủ để cơ thể có chất mà chiến đấu, bất chấp việc có thể tạo nhiều sữa hơn ảnh hưởng tới việc thông tia. Nhưng sợ gì các mom ơi, lại bị tắc sẽ lại cố gắng quay lại bước 1 là hết ngay thôi à.
5. Lưu ý khi xử lý tắc tia sữa
Quan trọng nhất là không để ngực bị chèn ép thêm, không mặc áo ngực.
Mẹ nhất định phải kiên trì và thật tích cực kỳ xử lý tắc tia sữa. Đừng nản lỏng. Một lần chưa được thì tiếp tục những cữ thứ hai, thứ ba,... kiểu gì cũng được thôi mẹ nhé.
Nếu thấy tình trạng sốt nghiêm trọng thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được hỗ trợ xử lý nhanh hơn các mom nhé.
Biết xử lý đúng cách thì tắc tia sữa không phải chuyện quá đau đầu. Cố lên nào các mẹ sữa.
-
Thích bài viết
-
8 người thích
Nhận ngay 10 Xumom khi chia sẻ bài viết
Hỏi đáp, bình luận
bình luận
Viết bình luận của bạn...