Tài khoản

5 dấu hiệu cho thấy trẻ có chỉ số EQ thấp, cần nhanh chóng cải thiện

Bùi Hà 4 năm trước 4 bình luận

Giai đoạn 1-5 tuổi là thời điểm bắt đầu cho những giao tiếp, tương tác và xử lý tình huống với thế giới chung quanh của trẻ. Nếu chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) thấp, trẻ sẽ thiếu tự tin và không biết cách tạo các mối quan hệ, khó thành công trong cuộc sống.

Cũng giống như dạy con tập nói và tập đếm, việc phát triển chỉ số EQ cho con cũng vô cùng quan trọng. Khi con có chỉ số cảm xúc cao, bé sẽ có mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và đương đầu được với những chấn thương tâm lí khi lớn lên.

Tuy nhiên, khi trẻ có những biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm nếu không muốn con “đánh rớt” chỉ số EQ của bản thân.

Trẻ thích ngắt lời


Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ thích nói chuyện là điều bình thường nhưng cần phải tùy trường hợp và đối tượng giao tiếp.

Nếu trẻ không biết phân biệt lớn nhỏ, luôn chen ngang vào lời nói của người khác và chỉ muốn lấn lướt người khác bằng lời nói thì chỉ thể hiện trẻ thiếu tôn trọng người xung quanh.

Khi trưởng thành, trẻ dễ trở nên độc đoán, không biết cảm thông và có thể bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích của mình.

Trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ thích phản bác để nâng mình lên

Cùng với hành vi ngắt lời, việc trẻ có xu hướng cao giọng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nên được bố mẹ quan tâm đúng mực.

Thái độ cư xử này cho thấy không hẳn trẻ thật sự thông minh, uyên bác. Đôi khi chỉ là tâm lý muốn hơn người, thậm chí là thiếu sự tôn trọng người xung quanh.

Nếu bố mẹ không uốn nắn và giúp trẻ sửa sai, lớn lên trẻ rất dễ trở thành người độc tài, “thùng rỗng kêu to”, các mối quan hệ xã hội không được tốt đẹp và khó thành công trong cuộc sống.

Nguyên nhân của 2 vấn đề trên thường là do trong thời gian mới học hỏi, trẻ thích khám phá mọi thứ xung quanh, muốn được mọi người biết bản thân biết điều đó.

Hành động phản bác và ngắt lời của trẻ cũng là cách con thể hiện sự không đồng ý. Nếu như trước kia trẻ còn nhỏ thường phản ứng không đồng ý bằng hành động, khóc lóc, giận dỗi, ăn vạ… thì khi lớn lên, trẻ thay bằng hét to, chen ngang những lời nói của mọi người.

Khắc phục bằng cách

  • Dành thời gian riêng tư để nói chuyện, lắng nghe mong muốn của con, phân tích cho con hiểu vì sao không nên tranh lời, cướp lời người khác. Tuyệt đối không nên sử dụng đòn roi, quát mắng, dẫn đến phản tác dụng, trẻ không nghe lời.
  • Chú ý trong cách giao tiếp hàng ngày để làm gương cho con học theo. Giải thích cho con rõ bằng hành động cụ thể trong trường hợp nếu người bị ngắt lời là con, con sẽ cảm thấy thế nào, qua đó biết cách điều chỉnh hành vi của mình. Đồng thời hướng dẫn trẻ cách nói chuyện, cư xử nhã nhặn, lễ phép, cũng như dạy con cách nói xin lỗi vì đã ngắt lời.
  • Khi trẻ quên mất lời bạn dạy, bố mẹ có thể dùng 1 ngón tay đặt lên miệng, để ám chỉ cho trẻ hiểu nên im lặng, đợi người khác nói xong.

Trẻ chỉ thích nghe lời nịnh nọt, tán dương

Không ít trẻ chỉ muốn và nghe theo những lời khen ngợi ngon ngọt từ người khác. Nếu đối phương nói chuyện không theo ý của mình, trẻ liền tỏ ra tức tối, ương bướng hoặc gào khóc để thể hiện sự phản kháng.

Một người nếu chỉ thích nghe lời xu nịnh mà cự tuyệt những góp ý, đánh giá từ người khác thì dù lớn hay nhỏ cũng sẽ không có nhìn nhận đúng đắn về bản thân.

Khi trưởng thành, trẻ cũng sẽ có chỉ số EQ thấp không có khả năng phân biệt đúng sai, không có lập trường và dễ bị lừa gạt.

Nguyên nhân

Những đứa trẻ thường được cha mẹ hay những người chung quanh khen vô cớ đã lớn lên mà không biết cách đương đầu với sự thất vọng, phê bình và thất bại.

Dần dần thay vì giúp con trở thành người dễ hòa nhập và hạnh phúc, những lời khen vô hình chung đã tạo ra một quân đoàn mắc chứng tự yêu mình.

Cách khắc phục

Dạy con khiêm nhường bằng cách khen khi xứng đáng, sửa chữa khi cần thiết. Thay vì bảo vệ con khỏi mọi khó khăn, hãy chuẩn bị cho con đương đầu với thử thách mà chúng sẽ gặp khi trưởng thành…

Khi được dạy và làm theo nguyên tắc trên, con trẻ có thể nhận ra mọi người đều hơn mình ở một khía cạnh nào đó.

Tính “Khôn nhà, dại chợ”

Câu thành ngữ này chỉ những trẻ khi ở ngoài thì gặp chuyện là sợ hãi, rút lui giống như một người có tính cách hướng nội, nhút nhát. Tuy nhiên khi về nhà, trẻ lại trở nên phách lối, muốn mọi người chiều theo mọi ý muốn của mình.

Nguyên nhân

Vấn đề này thường đến từ những lý do như trong gia đình bé được chiều chuộng, coi là trung tâm, là nhất mà không cần phải để ý đến ai khác, từ đó hình thành ở con thói quen muốn gì được nấy. Thực tế khi ra ngoài trẻ lại không có sự hòa nhập cũng như chẳng được bênh vực nữa nên lại tỏ ra nhút nhát, tự ti.

Cách khắc phục

Khi những biểu hiện này xuất hiện ở trẻ có chỉ số EQ thấp, bố mẹ nên đặc biệt chú ý để kịp thời uốn nắn, cải thiện tính khí cũng như cách cư xử của trẻ. Nếu không khắc phục thì khi lớn lên, trẻ dễ trở thành người nhu nhược bên ngoài xã hội nhưng lại là kẻ ngang ngược, bạo hành trong gia đình.

Trẻ thích phàn nàn và nói xấu người khác

Dù là người lớn hay trẻ con thì sẽ khó tránh những lúc tâm trạng buồn bực và có xu hướng phàn nàn với người khác. Tuy nhiên nếu con bạn có hành động này thường xuyên, thậm chí trở thành thói quen hàng ngày thì cần khắc phục kịp thời.

Nguyên nhân

Trẻ thích phàn nàn về mọi thứ, than phiền kể khổ những chuyện xảy ra với mình và còn nói xấu người khác chỉ chứng tỏ trẻ thiếu năng lực làm chủ cảm xúc, không biết cách đối diện và giải quyết vấn đề.

Cách khắc phục

Lúc này, bố mẹ cần dạy trẻ học cách dũng cảm gánh vác trách nhiệm thuộc về mình khi trẻ làm sai. Đồng thời, tạo cơ hội cho trẻ nhìn nhận những mặt tích cực trong cuộc sống, thúc đẩy thế giới quan của trẻ rộng mở và lạc quan hơn.

Với những bí quyết trên đây, hy vọng các mẹ đã tìm được cho mình phương pháp giáo dục bé có chỉ số EQ thấp thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời.

Nguồn: Marrybaby.vn

Theo Bibabo.vn