Tài khoản

Bà bầu hay đói bụng và thèm ăn liên tục – Mẹ cẩn thận ăn nhiều mà “vào mẹ không vào con”

Le Thu 4 năm trước

Rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu hay đói bụng và thèm ăn trong thai kỳ. Ăn nhiều không phải là xấu nhưng mẹ cần biết cách bổ sung dinh dưỡng theo thời điểm nhất định chứ không nên ăn uống "vô tội vạ".

Tình trạng bà bầu hay đói bụng và thèm ăn ngay khi vừa kết thúc bữa ăn thường xảy ra khi mẹ mang thai 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Việc duy trì thói quen ăn uống “không đường, không lối” này khiến nguy cơ mẹ bị thừa cân và mắc các bệnh về tiêu hóa rất cao.

Nguyên nhân khiến bà bầu hay đói bụng và thèm ăn

Chủ yếu nguyên nhân đến từ sự thay đổi hormone và cơ thể mẹ cần năng lượng nhiều hơn để phục vụ em bé. Cụ thể bà bầu thường xuyên thèm ăn là do:

Thai nhi phát triển nhanh

Từ 3 tháng giữa cho đến những tháng cuối là giai đoạn em bé của mẹ tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ đòi hỏi lượng ăn nhiều hơn để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của em bé và cho cả mẹ trong đó. Nếu không ăn uống đủ, cân nặng của thai nhi có thể sẽ chậm tăng trưởng hơn so với tiêu chuẩn.

Do mẹ uống nhiều nước trước khi ăn

Nước là chất lỏng cần thiết và các bác sĩ cũng sẽ khuyên mẹ uống nhiều nước hơn trong quá trình mang thai để bổ sung nước ối. Tuy nhiên nếu mẹ có thói quen uống nhiều nước trước khi ăn sẽ làm mẹ cảm thấy no trước mắt, từ đó ăn ít hơn và cơn đói lại ập đến nhanh chóng sau khi ăn. Ngoài ra, nếu mẹ uống quá nhiều nước cũng sẽ làm giãn lớp dạ dày và hấp thụ thức ăn kém đi.

Do mẹ bầu bị giun sán

Nguyên nhân phổ biến khiến mẹ ăn xong lại đói là do bà bầu bị nhiễm giun sán. Điều này sẽ khiến bà bầu hay đói bụng và tăng sự thèm ăn. Nếu chẳng may bị nhiễm giun thì mẹ bầu sẽ bị chúng “ăn cắp” chất dinh dưỡng của cơ thể, dẫn đến sự thiếu hụt về dinh dưỡng mặc dù mẹ đã ăn rất no và đủ bữa.

Thay đổi hormone

Hormone có ảnh hưởng đến hầu như là tất cả mọi hoạt động của mẹ trong quá trình mang thai. Nếu như mẹ thường xuyên thèm ăn và nhất là thèm một món gì đó bất chợt chính là tác động của hormone gây ra. Có nhiều mẹ bầu trở nên “khó chiều” hơn vào 3 tháng giữa cũng là vì thế.

Căng thẳng khi mang thai

Với những bà bầu bị stress và đối mặt với nhiều áp lực thường hay bị đói và thèm ăn liên tục,. Lý do là bởi cơ thể mẹ sẽ kích thích phải ăn nhiều để chống lại các hormone tiêu cực.

Do thói quen ăn uống không hợp lý

Nhiều mẹ có thói quen ăn rất nhanh, đến mức não bộ chưa tiếp nhận được cảm giác no thì mẹ đã dùng hết bữa. Ngoài ra, việc nhai không kỹ sẽ làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa nên dù mẹ đã đầy bụng nhưng não bộ vẫn chưa được “thỏa mãn”, dẫn đến việc bà bầu hay đói bụng và buồn miệng.

Ăn nhiều đồ khô thay vì ăn nhiều rau củ trong thời kỳ mang thai cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu hay đói bụng liên tục. Khi nạp nhiều chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu thực phẩm do đó mà làm tăng cường cảm giác no, nên mẹ hãy bổ sung rau xanh nhiều hơn trong thai kỳ nhé.

Cách chống lại cảm giác đói khi mang thai

Thói quen ăn uống vô tội vạ dù bụng vẫn đang no rất có hại cho sức khỏe của mẹ. Thứ nhất, nó có thể khiến mẹ bầu tăng cân chóng mặt. Thứ 2 là thai nhi có thể sẽ quá lớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh thường sau này. Vì thế hãy thử những cách sau để đối phó với cơn đói mẹ nhé:

  • Mẹ hãy chia bữa ăn thành 6 phần nhỏ dùng cách đều 2 – 3 tiếng một lần, bữa ăn vẫn phải đủ tinh bột, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất.
  • Mẹ nên chuẩn bị các loại hoa quả, các loại hạt khô, ngũ cốc… để ăn bất cứ lúc nào khi đói, các món ăn vặt này rất lành mạnh và không khiến mẹ tăng cân quá nhanh.
  • Một thói quen giúp bà bầu hay đói bụng no lâu hơn là mẹ nên ăn chậm và nhai kỹ, lượng thức ăn được hấp thu chậm chạp sẽ lấp đầy dạ dày nhanh hơn.
  • Ăn thêm rau xanh là nguyên tắc quan trọng để bà bầu không bị thèm ăn, trong bữa ăn của mẹ cần đến 50% là rau và 20% đạm, 30% tinh bột.
  • Uống một cốc sữa nóng trước khi ngủ sẽ giúp mẹ dự trữ năng lượng đến sáng và không phải thức dậy nửa đêm vì chiếc bụng cồn cào.

Nguồn: Conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn