Tài khoản

Bài tập hít thở đúng cách cho mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ

Mẹ BiBi 4 năm trước

Khoảng 1 tháng trước thời điểm dự sinh, mẹ bầu đã có thể tập hít thở để giảm bớt cơn đau chuyển dạ và rặn đẻ dễ dàng hơn.

Xem nhanh

  • Hiểu về cơn gò chuyển dạ
  • Bài tập hít thở khi chuyển dạ

Ngay cả khi bạn quyết định sử dụng thuốc giảm đau, kỹ thuật hít thở khi chuyển dạ vẫn giúp bạn giảm bớt khó chịu rất nhiều. Hít thở đúng cách, bạn có thể cảm nhận rõ ràng sự thay đổi bên trong cơ thể trong quá trình chuyển dạ, giữ sức tốt hơn và chủ động trong quá trình sinh bé. 

1Hiểu về cơn gò chuyển dạ

Trước khi đi vào bài tập hít thở, chúng ta cùng tìm hiểu về các cơn gò chuyển dạ, hiểu về tính chu kỳ của nó, từ đó xây dựng bài tập theo chu kỳ của cơn gò. 

Một cơn gò tử cung thường có 3 giai đoạn: 

  • Giai đoạn 1: Bắt đầu cơn gò, bụng căng cứng lên, xuất hiện cảm giác đau đớn và tăng dần lên theo thời gian và đạt đến đỉnh điểm. 

  • Giai đoạn 2: Sau khi đạt đến đỉnh điểm, cảm giác đau đớn giảm dần, giảm dần.

  • Giai đoạn 3: Không còn cảm giác đau đớn nữa. 

Giai đoạn 3 chính là thời điểm để mẹ bầu phục hồi sức lực, chuẩn bị tập trung vào cơn gò tử cung tiếp theo, bắt đầu từ giai đoạn 1. 

Tập thở đúng cách giúp điều hòa cơ thể, giảm đau khi xuất hiện cơn gò chuyển dạ (Ảnh: Internet)

2Bài tập hít thở khi chuyển dạ

Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung khi chuyển dạ mẹ có thể tập thở theo bài tập dưới đây: 

Cách thở ở giai đoạn 1 của cơn gò

Bạn bắt đầu thở sâu khi cơn gò tử cung ở giai đoạn 1, tức là bắt đầu xuất hiện cơn gò và cảm giác căng cứng vùng bụng, và bắt đầu cảm thấy đau đớn.

Bạn hãy bắt đầu bằng việc hít một hơi thật sâu để không khí ngập tràn phổi và thở mạnh hết ra. 

Sau đó bắt đầu tập trung nhìn vào một điểm (trần nhà, tủ đồ,...), tập trung vào hơi thở và tập thở nhanh dần. Cảm giác đau đớn càng tăng, bạn thở càng nhanh và càng nông hơn. Hơi thở của bạn lúc nào tạo ra âm thanh như tiếng rít hay tiếng huýt sáo nhỏ. 

Thông thường, cơn gò sẽ đạt đỉnh điểm trong khoảng 30 giây. Bạn có thể tự đếm giây và hít thở theo sẽ dễ bắt nhịp hơn. Nếu bạn vẫn không biết mình nên thở nhanh đến mức nào, hãy căn sao cho số lần thở gấp đôi so với bình thường là được. 

Lưu ý: Thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi. 

Cách thở ở giai đoạn 2 của cơn gò

Sau khi cơn gò tử cung đạt đến đỉnh điểm, bạn sẽ cảm nhận được lúc này mình đã bớt đau, cơn đau ngày càng giảm dần. 

Lúc này, hơi thở cần được điều tiết. Bạn cần thở chậm lại, hít thở sâu hơn, nhịp thở giảm dần, không còn “vội vã” và “gấp rút” như ở giai đoạn 1 của cơn gò nữa. 

Điều này giúp bạn dần dần phục hồi lại sức lực, các bộ phận được thư giãn, tim đập chậm dần và ổn định trở lại. 

Cách thở ở giai đoạn 3 của cơn gò tử cung

Giai đoạn 3 được coi là giai đoạn nghỉ ngơi và phục hồi cơ thể. Trong giai đoạn này, mẹ bầu nên tập thở sâu và nhẹ nhàng như bình thường để lấy lại năng lượng, điều hòa hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, chuẩn bị sức lực cho chu kỳ tiếp theo của cơn gò. 

Trong quá trình tập thở, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, bạn nên thở chậm lại, hoặc dừng hẳn lại để nghỉ ngơi, lấy sức luyện tập trong trong lần tiếp theo, đừng cố gắng quá. 

Bạn lôi kéo được ông xã luyện tập cùng là tốt nhất, vì ông xã có thể giúp bạn bắt nhịp, hướng dẫn bạn nên tập thở như thế nào và động viên bạn. 

Ngoài việc tập thở, bạn có thể kết hợp luyện tập cùng việc rặn đẻ để giảm bớt đau khi sinh và giúp mẹ không bị kiệt sức. Nếu các mẹ quan tâm, mình sẽ chia sẻ trong bài tiếp theo nhé. Cảm ơn các mẹ đã đọc bài. 

Theo Bibabo.vn