Tài khoản

CẢI THIỆN CHIỀU CAO CHO CON, CÂU HỎI MUÔN THUỞ CỦA CÁC ÔNG BỐ, BÀ MẸ!

Thảo Phương 4 năm trước

Chăm sóc cho con trẻ như thế nào là đúng và đủ luôn là những thử thách thú vị và đau đầu dành cho các bậc phụ huynh. Cha mẹ đã dành cả thanh xuân để lo lắng cho con từ khi còn trong bụng mẹ cho đến tuổi trưởng thành, từ bữa ăn đến giấc ngủ mỗi ngày. Và khi đó, những lo toan lại tiếp nối lo toan. Liệu con mình sau này có cao lớn hơn chúng bạn hay không? Con có thể xinh đẹp như diễn viên T, cao to như người mẫu A, hay đủ chuẩn để làm phi công giống chú LL được không?

Chúng ta liệu có thể dự đoán được chiều cao tương lai của con trẻ? Hay ảnh hưởng phần nào đó đến quá trình phát triển cơ thể này ?

Câu trả lời là: Có

Không một ai có được quả cầu tiên tri để dự đoán chính xác chiều cao của con trẻ. Tuy vậy trong quá khứ đến nay vẫn có một vài phương pháp giúp các bậc phụ huynh có thể dự đoán và theo dõi sự phát triển chiều cao của các con. Chúng ta cùng điểm qua một vài phương pháp còn được sử dụng đến lúc này nhé!

Phương pháp 2x2
Bạn có biết rằng giai đoạn phát triển nhảy vọt sớm nhất ( giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi ) thường chiếm khoảng ½ chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Do đó, để dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành, bạn có thể gấp đôi chiều cao trẻ lúc 2 tuổi.
Đối với trẻ gái, do trẻ thường phát triển sớm hơn trẻ trai, nên các bạn có thể gấp đôi chiều cao trẻ gái lúc 18 tháng tuổi.
Phương pháp này đơn giản, dễ sử dụng tại nhà, tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu để củng cố và chứng minh độ chính xác của phương pháp này.

Phương pháp tính trung bình chiều cao của ba mẹ
Bạn biết rằng con trẻ chính là tấm gương phản chiếu của ba mẹ, các con sẽ được thừa hưởng những đặc điểm di truyền từ cả ba lẫn mẹ như đôi mắt đen tuyền của mẹ hay vầng trán cao của ba, cả những tính cách và những điều tốt đẹp từ ba mẹ. Vì vậy chiều cao của con trẻ phụ thuộc phần lớn vào chiều cao của ba và mẹ.

Con gái: [Chiều cao của ba-13 cm+chiều cao của mẹ]/2

Con trai: [Chiều cao của ba+13 cm+chiều cao của mẹ]/2

Phương pháp này phức tạp hơn, giúp dự đoán và ước lượng chiều cao của trẻ, tuy nhiên có độ chênh lệch cao so với chiều cao thật sự của trẻ khi trưởng thành, dao động từ +/- 8.5 cm.

Biểu đồ tăng trưởng của trẻ theo các lứa tuổi
Voila! Đây là những đường biểu diễn các chỉ số liên quan đến sự phát triển của trẻ về chiều cao/chiều dài, cân nặng, vòng đầu theo từng lứa tuổi, đã được Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tiến hành khảo sát và lấy làm cơ sở dữ liệu từ 8440 trẻ khỏe mạnh ở những quốc gia khác nhau.
Phương pháp này có độ tin cậy và độ chính xác cao giúp ba mẹ và các bác sĩ nhi khoa có thể theo dõi và đánh giá tốt về dinh dưỡng cũng như sự phát triển của trẻ.
Khuyết điểm: khi sử dụng cần được hướng dẫn và hiểu về các đường biểu diễn.

Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao trẻ:
Dinh dưỡng : trẻ dư cân thường cao hơn các bạn cùng lớp, mặc dù vậy điều này không đảm bảo cho việc trẻ sẽ tiếp tục cao khi trưởng thành. Nếu trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường chiều cao sẽ thấp hơn mong đợi khi trẻ trưởng thành.

Tình trạng sức khỏe: trẻ có bệnh lý mạn tính như viêm khớp, bệnh lý đường ruột, hay ung thư thường chiều cao trẻ sẽ thấp hơn mong đợi.

Hormones: mất cân bằng về hormone do suy tuyến giáp, suy tuyến yên hay giảm hormone tăng trưởng (GH) dẫn đến chiều cao trẻ thấp hơn mong đợi.

Thuốc: một số thuốc có thể ảnh hưởng đến chiều cao như valproate, oxcarbazepine hay dùng Corticosteroid liều cao, kéo dài..

Vậy làm thế nào để tăng chiều cao cho trẻ?
Để trả lời câu hỏi muôn thuở này của các ông bố bà mẹ, chúng ta cùng suy nghĩ và thực hiện những bước sau đây:

Cho trẻ đi ngủ sớm vào buổi tối, trẻ cần ngủ đủ giấc vào ban đêm vì việc ngủ đủ giúp cơ thể trẻ được nghỉ ngơi, phục hồi tế bào và tăng cường các phản ứng chuyển hóa tốt trong cơ thể.
Trẻ từ 1-5 tuổi ngủ đêm đủ từ 11-12 tiếng
Trẻ từ 6-12 tuổi ngủ đêm đủ từ 10-11 tiếng
Trẻ từ 13-18 tuổi ngủ đêm đủ từ 8-9 tiếng

Cho trẻ ăn thực phẩm giàu protein như cá, thịt nạc, trứng, các sản phẩm từ sữa. Đảm bảo một chế độ ăn cân bằng
Trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi: trung bình 2 cữ ăn giàu đạm/ngày (tương đương 2 muỗng canh có thịt, kèm ½ quả trứng đầy đủ lòng đỏ và lòng trắng trứng)
Trẻ từ 4-8 tuổi: trung bình 2-3 cữ ăn giàu đạm/ngày (tương đương 1 muỗng canh bơ đậu phộng, 2 muỗng canh thịt, 1-2 muỗng canh thịt cá)
Trẻ từ 9-13 tuổi: trung bình 2-3 cữ ăn giàu đạm/ngày (tương đương 100 gram thịt, cá, đậu hũ kèm 1-2 quả trứng)

*1 muỗng canh = 15 ml

Đảm bảo chế độ ăn mỗi ngày đầy đủ các thành phần như Calcium, Sắt, Kẽm và Vitamin A
Sắt, Kẽm rất phong phú và có nhiều trong thịt nạc, hải sản, đậu que, hạt mè, cải xoăn..
Cà rốt, cà chua, khoai tây, cải bó xôi, bí ngô, xoài rất giàu Vitamin A và các vi chất khác.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời giúp trẻ chống lại tình trạng béo phì và phát triển vững chắc.

Hi vọng bài viết trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm nguồn tham khảo và tìm được cho mình câu trả lời cho bản thân

(BS PHẠM QUANG VINH - HAPPY BABY )

Theo Bibabo.vn