Tài khoản

Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng chuẩn “vợ đảm”

Mẹ Lan Anh 4 năm trước 5 bình luận

Mùa dịch hạn chế ra đường, tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh nhưng mẹ đã biết cách bảo quản thực phẩm tốt nhất chưa? 

Xem nhanh

  • Cần bọc/gói thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh
  • Cách sắp xếp thực phẩm
  • Bảo quản thịt - cá - trứng - sữa
  • Bảo quản trái cây và rau củ

Mỗi loại thực phẩm sẽ có cách bảo quản khác nhau. Thực phẩm sống bảo quản một kiểu, thực phẩm chín lại bảo quản một kiểu. Rau - củ - quả mỗi loại một kiểu. Làm sao để bảo quản hết 1 lúc các thực phẩm này trong cùng một chiếc tủ lạnh để giữ được chất lượng tốt nhất, màu sắc tươi ngon nhất và dinh dưỡng nguyên vẹn nhất đây? 

Bài viết này hy vọng mang đến cho mẹ những gợi ý cơ bản nhất về cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, mẹ tham khảo và áp dụng cho cả gia đình nhé. 

Bảo quản đúng cách giúp thực phẩm luôn tươi ngon, nguyên vẹn chất dinh dưỡng (Ảnh: Internet)

1Cần bọc/gói thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh

Trước khi cho thực phẩm vào tủ lạnh, cần bọc kín chúng bằng nilon hoặc cho vào các hộp nhựa có nắp đậy kín. Điều này giúp cho mùi thực phẩm không bám vào tủ lạnh, hạn chế các vi sinh vật trong thức ăn phát triển trong tủ lạnh gây hỏng. 

2Cách sắp xếp thực phẩm

Thứ tự sắp xếp trong ngăn mát tủ lạnh: 

  • Thực phẩm chín (đã qua nấu nướng) ở ngăn trên. 

  • Thực phẩm sống (chưa qua nấu nướng) ở ngăn dưới. 

  • Thực phẩm sống và thực phẩm chín đặt ở hai ngăn khác nhau. 

Điều này giúp tránh được tình trạng vi khuẩn từ thực phẩm sống chuyển qua thực phẩm chín và ngược lại từ thực phẩm chín sang thực phẩm sống gây hỏng, rất lãng phí. 

Ngoài ra, hãy chú ý sắp xếp các hộp/túi đựng thực phẩm tránh đè/chắn các lỗ thoáng khí. Như vậy sẽ đảm bảo hệ thống khí làm lạnh lan tỏa đều trong tủ, giữ cân bằng nhiệt độ và đảm bảo chất lượng, khả năng bảo quản tốt nhất. 

Đóng tất cả thực phẩm vào trong túi/hộp bảo quản trước khi đặt trong tủ lạnh (Ảnh: Internet)

3Bảo quản thịt - cá - trứng - sữa

Với thịt, cá: 

  • Không nên bảo quản thịt, cá tươi hơn 1 tuần trong tủ lạnh vì nếu để quá lâu các phân tử protein sẽ biến tính, không còn tốt cho sức khỏe. Đặc biệt gia đình có trẻ em càng cần chú ý điều này vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện và cực kỳ yếu ớt. 

  • Nếu để thịt, cá trong ngăn đá: Cần làm sạch sẽ, sau đó bọc kín nhiều lớp. 

  • Nên chia nhỏ thịt, cá thành nhiều phần khác nhau đủ dùng cho một bữa ăn, khi cần rã đông lấy 1 túi, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến những miếng thịt/cá khác. 

Với trứng: 

  • Trứng cần giữ nguyên trong hộp thoáng khí hoặc đặt vào khay đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh. 

  • Không để trứng ở khay bên cánh cửa. 

  • Không để trứng gần các thực phẩm có chứa nhiều tinh dầu như gừng, hành, ớt,... vì những thực phẩm này có thể thâm nhập vào bên trong trứng thông qua các lỗ thoáng khí, khiến vỏ trứng bị biến chất. 

Với sữa đặc, dầu thực vật và mật ong: 

  • Không cần bảo quản trong tủ lạnh, tránh đường ở sữa đặc và đường trong mật ong bị tách ra, lắng xuống. 

  • Chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát, đậy kín là được. 

Trứng không nên đặt ở cánh cửa tủ lạnh (Ảnh: Internet)

4Bảo quản trái cây và rau củ

Với chanh: 

  • Nhiều nước, nhiều tinh dầu. Bởi vậy, cần gói chanh lại bằng giấy trước khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tránh chanh bị mất nước, héo rũ. 

Với chuối: 

  • Với chuối tươi, chuối vừa chín tới: Chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ thường. Treo chúng lên trên 1 cái móc, tránh ánh nắng, để nơi mát mẻ. 

  • Với chuối đã chín: Bọc màng bọc thực phẩm quanh cuống nải chuối hoặc bọc cả trái chuối sẽ giúp chuối chín chậm lại và hạn chế tình trạng thâm vỏ. 

Với cà chua: 

  • Cà chua xanh: Bảo quản ở nhiệt độ phòng. 

  • Cà chua chín mọng: Cho vào bảo quản trong tủ lạnh. 

Với khoai tây, hành tím, hành tây: 

  • Không nên rửa trước khi bảo quản. 

  • Bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát, không để nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào hay có độ ẩm không khí cao. 

  • Không để gần các loại trái cây như chuối, táo, lê,... vì khí trong trái cây này khi thoát ra sẽ làm khoai nhanh hỏng. 

Với rau có nhiều lá: 

  • Nhặt sạch những lá vàng, hỏng, rửa sạch và để ráo trước khi cho vào búi và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. 

Trái cây, rau củ cần được bảo quản cẩn thận và tỉ mỉ hơn (Ảnh: Internet)

Hi vọng những thông tin trên hữu ích cho các mẹ. Những kinh nghiệm này được chia sẻ bởi Kỹ sư Dinh dưỡng Võ Thị Thùy Linh thuộc Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Chúc các mẹ có khoảng thời gian tránh dịch COVID cùng gia đình thật vui vẻ, hạnh phúc. 

Theo Bibabo.vn