Tài khoản

Cách chăm sóc cuống rốn cho trẻ sơ sinh

Mẹ Jiyeon 4 năm trước 7 bình luận

Vệ sinh và chăm sóc cuống rốn cho bé không hề khó, mẹ cần lưu ý chút xíu là được. 

Xem nhanh

  • Cách chăm sóc cuống rốn cho bé
  • Chăm sóc rốn sau khi cuống rốn rụng
  • Dấu hiệu cuống rốn bị nhiễm trùng

Cuống rốn - phần còn lại của dây rốn sau khi được kẹp và cắt bỏ. Màu của cuống rốn thường thay đổi từ màu xanh lá cây hoặc vàng sang màu đen khi cuống rốn khô đi. Khoảng tuần thứ 4 sau khi sinh, cuống rốn sẽ rụng. Trong thời gian 4 tuần này, có một số vấn đề ba mẹ cần lưu ý khi chăm sóc cuống rốn và giữ cuống rốn khô và sạch, nhanh rụng. Cùng tham khảo nhé.

Cuống rốn cần được giữ sạch - khô - thoáng (Ảnh: Internet)

1Cách chăm sóc cuống rốn cho bé

1.1. Giữ cho cuống rốn sạch sẽ

Dùng khăn ướt thường xuyên lau nhẹ nhàng vùng rốn, không cần dùng xà phòng hoặc cồn. Sau đó lau lại bằng khăn khô để đảm bảo cuống rốn luôn được khô ráo. 

1.2. Giữ cho cuống rốn luôn khô ráo 

Thường xuyên để cuống rốn tiếp xúc với không khí, không nên băng bịt chặt cuống rốn lâu rụng, dễ ẩm. 

Cuống rốn tiếp xúc với không khí càng nhiều càng nhanh rụng và khô (Ảnh: Internet)

1.3. Không để cuống rốn dính nước khi tắm

Ba mẹ cần hết sức chú ý điều này: Không để vùng rốn của bé bị dính nước. Khi cuống rốn rụng, ba mẹ có thể thoải mái tắm cho bé trong bồn tắm nhưng khi cuống rốn chưa rụng, hãy tắm bé thật khéo léo. Nếu chẳng may cuống rốn bị khô, hãy dùng khăn mềm khô và lau thật nhẹ nhàng. 

1.4. Cẩn thận khi dùng tã

Không nên để tã che mất vùng cuống rốn, hãy để cuống rốn thoáng và tiếp xúc với không khí. Đơn giản lắm, chỉ cần gập phần tã phía trước xuống là được, như thế tã tránh xa rốn rồi. Đừng quên thay tã ướt kịp thời để tránh chất lỏng/ẩm rò rỉ lên rốn khiến cuống rốn lâu rụng và bị ảnh hưởng nhé.

Nên gấp mép tã xuống thấp hơn vùng rốn bé (Ảnh: Internet)

1.5. Lưu ý khi mặc quần áo cho bé

Ba mẹ nên ưu tiên lựa chọn quần áo vừa vặn mà không siết chặt vùng rốn hoặc những bộ quần áo có phần cắt ở vùng rốn hở là tốt nhất. Điều này giúp vùng rốn bé được tiếp xúc với không khí và tránh được cọ xát, không gây khó chịu cho bé. Những bộ kimono thoáng mát là ý kiến khá hay đấy. 

1.6. Để rốn tự rụng

Ba mẹ không nên có bất kỳ tác động gì cả ngoài việc giữ cho rốn sạch, khô và thoáng. Thậm chí nếu bạn thấy cuống rốn sắp rụng tới nơi rồi, chỉ còn một chút nữa thôi thì cũng đừng làm gì cả. Hãy để rốn tự rụng. Cuống rốn bị kéo ra quá sớm có thể khiến rốn bị chảy máu, chảy rất nhiều máu và chảy liên tục rất không tốt cho sức khỏe của bé. Chẳng may rơi vào tình trạng này, hãy gọi bác sĩ ngay để được hỗ trợ. 

2Chăm sóc rốn sau khi cuống rốn rụng

Sau khi cuống rốn rơi ra, ba mẹ có thể thấy một mảng da khô và ít máu chảy ra từ cuống rốn bé. Điều này là bình thường, ba mẹ không cần quá lo lắng. Ba mẹ dành thêm 2 tuần để theo dõi rốn của con. Nếu thấy máu tối màu vẫn tiếp tục chảy ra sau 2 tuần, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nhé. 

Cuống rốn sau khi rụng có thể có một chút máu đen (Ảnh: Internet)

3Dấu hiệu cuống rốn bị nhiễm trùng

Một chiếc cuống rốn được ba mẹ chăm sóc cẩn thận, giữ khô thoáng, sạch sẽ thường rất ít khi bị nhiễm trùng. Nhưng không gì là không thể, ba mẹ không nên chủ quan. Nếu thấy bé có dấu hiệu bị đau hoặc những dấu hiệu nhiễm trùng rốn dưới đây, hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay để được kiểm tra nhé. 

  • Chân rốn bị đỏ và sưng tấy. 

  • Rốn bé tiết ra chất dịch mủ có mùi hôi.

  • Phần cuống rốn chứa đầy chất lỏng. 

  • Rốn chảy máu. 

  • Bé bị sốt. 

  • Bé khó chịu khi bị chạm vào cuống rốn hoặc vùng da xung quanh rốn. 

  • Bé bị sưng bụng. 

Bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bé để xử lý tình trạng nhiễm trùng "đau đầu" này. 

Nói chung, việc chăm sóc rốn cho bé sơ sinh không có gì khó cả. Ba mẹ chỉ cần nhớ nguyên tắc KHÔ - SẠCH - THOÁNG cho cuống rốn là được. Đừng quá lo lắng ba mẹ nha!

Theo Bibabo.vn