Tài khoản

Cách chăm sóc trẻ bị côn trùng cắn giúp con giảm khó chịu, nhanh hết ngứa

Thanh Hiền 4 năm trước

Côn trùng cắn có thể khiến con ngứa ngáy, khó chịu và vết cắn đôi khi còn gây ra bội nhiễm, nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách.

Xem nhanh

  • Dấu hiệu khi con bị côn trùng cắn
  • Mẹ cần làm gì khi con bị côn trùng cắn?
  • Cách chăm sóc khi trẻ bị côn trùng cắn
  • Bảo vệ trẻ khỏi côn trùng cắn như thế nào?

Trẻ nhỏ tò mò và thích khám phá mọi thứ nên con thường hay lăn lê chơi ở khắp nơi. Thêm vào đó, khả năng tự vệ của con còn yếu ớt nên khó có thể tự bảo vệ mình khi bị côn trùng tấn công.

Thế nên trên làn da mỏng manh của con thường xuyên xuất hiện các nốt do côn trùng cắn để lại mà đôi khi mẹ còn không biết con bị cắn ở đâu và từ bao giờ.

Các vết cắn này thường lành tính và sẽ hết sau một vài ngày, thế nhưng cũng có nhiều trường hợp vết thương bị bội nhiễm hoặc có độc gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Mùa hè đến rồi, mẹ không cẩn thận bé rất dễ bị côn trùng cắn đấy (Ảnh: Internet)

1Dấu hiệu khi con bị côn trùng cắn

Côn trùng cắn thường để lại các vết sưng đỏ trên da của trẻ, đôi khi vết cắn có thể nổi một chút mụn nước khiến con ngứa ngáy, khó chịu.

Trong một số trường hợp, nếu mẹ phát hiện trên da con có vết đỏ phù nề, tấy đỏ, sưng đau hoặc phồng rộp nghiêm trọng và con có vẻ rất đau đớn, khó chịu hơn bình thường, có thể kèm theo sốt hoặc ớn lạnh thì rất có thể con đã bị một loại côn trùng có độc cắn và mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Nhiều trẻ cơ địa nhạy cảm khi bị côn trùng cắn còn có thể bị sốc phản vệ rất nguy hiểm, cần được sơ cứu, cấp cứu càng sớm càng tốt. Vì vậy mẹ tuyệt đối không nên lơ là trong việc trông nom và chăm sóc con nhỏ.

2Mẹ cần làm gì khi con bị côn trùng cắn?

Khi phát hiện con bị côn trùng cắn, điều đầu tiên là mẹ cần phải xác định được loại con đã bị loại côn trùng nào cắn. Nếu là loại không có độc như muỗi, dĩn, kiến,... thì mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vết cắn, bôi thuốc ngoài da an toàn cho trẻ.

Nếu mẹ nghi ngờ con bị côn trùng có độc cắn (ong, kiến ba khoang,...) thì mẹ nên liên hệ với bác sĩ để biết cách sơ cứu cho con, không nên tự ý chữa trị hay bôi các loại thuốc không được chỉ định lên các vết cắn này của trẻ.

Vết cắn do côn trùng độc cần được xử lý cẩn thận, tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ tới viện (Ảnh: Internet)

3Cách chăm sóc khi trẻ bị côn trùng cắn

Các vết côn trùng cắn có thể sẽ dịu đi và không để lại sẹo trên da bé sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên tình trạng vết cắn có thể sẽ nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng, mưng mủ nếu con gãi và khiến vết cắn bị xước liên tục, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Để vết cắn trên da con mau lành, mẹ nên chú ý một số điều sau:

  • Cắt móng tay sạch sẽ cho con để hạn chế việc trẻ gãi nhiều làm xước vết cắn

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da có vết cắn của con

  • Nếu vết cắn có bọng nước hay mưng mủ, mẹ nên dùng miếng gạc sạch để che chắn

  • Có thể chườm lạnh cho con để giảm sưng nếu vết thương bị sưng đỏ

  • Bôi các loại thuốc phù hợp để giúp con giảm ngứa ngáy, khó chịu

  • Có thể sử dụng các loại kem trị sẹo dành cho trẻ em để hạn chế sẹo thâm, sẹo xấu cho con.

4Bảo vệ trẻ khỏi côn trùng cắn như thế nào?

  • Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, vườn tược

  • Cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ

  • Hạn chế cho con chơi ở ngoài trời vào buổi chiều muộn và buổi tối vì đây là giờ côn trùng hoạt động mạnh

  • Bôi kem chống côn trùng cắn cho trẻ

  • Luôn để mắt đến con, không nên để trẻ chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn.

Theo Bibabo.vn