Tài khoản

Cách phòng tránh và cải thiện táo bón thai kỳ mẹ bầu nào cũng nên biết

Lê Phương Anh 4 năm trước

Chị em khi mang bầu phải trải qua rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt, đứng đầu trong số những “nỗi niềm” thầm kín đó phải kể đến táo bón thai kỳ.

Xem nhanh

  • Nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón khi mang thai
  • Ảnh hưởng của táo bón đến sức khỏe thai kỳ
  • Cách phòng tránh và cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ

Có đến hơn một nửa mẹ bầu phải sống chung với tình trạng táo bón trong thai kỳ, có những mẹ còn bị táo bón dai dẳng đến giai đoạn sau sinh và thậm chí có những mẹ còn mắc bệnh trĩ do bị táo bón nặng lâu ngày, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý.

1Nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón khi mang thai

“Thủ phạm” đầu tiên phải kể đến đó là sự thay đổi hormone, cụ thể là sự tăng tiết hormone progesterone khiến ruột của mẹ di chuyển chậm hơn, vì thế nên thức ăn cũng sẽ được tiêu hóa chậm hơn bình thường.

Bên cạnh đó, chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước hay mất ngủ thường xuyên cũng có thể khiến mẹ bầu bị táo bón. 

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, một nguyên nhân khác có thể khiến tình trạng táo bón của mẹ nghiêm trọng hơn đó là sự gia tăng kích thước của thai nhi và tử cung gây áp lực lên trực tràng, cản trở quá trình thải phân ra ngoài cơ thể.

Ngoài ra, một số loại thuốc mẹ bổ sung trong thai kỳ cũng có thể gây nên hiện tượng nóng trong, ví dụ như thuốc bổ sung sắt và canxi, dễ gây nên hiện tượng táo bón khi mang bầu.

Táo bón khiến mẹ bầu gặp đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt (Ảnh: Internet)

2Ảnh hưởng của táo bón đến sức khỏe thai kỳ

Táo bón nhẹ có thể chỉ khiến mẹ hơi khó chịu trong sinh hoạt nhưng nếu tình trạng táo bón ngày càng nghiêm trọng hơn thì mẹ không nên chủ quan mà cần có phương pháp điều trị, cải thiện để hạn chế các ảnh hưởng có hại đến sức khỏe thai kỳ.

Mẹ bầu bị táo bón nặng rất dễ phải đối mặt với bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và một số vấn đề về trực tràng. Việc thải phân gặp nhiều đau đớn, khó chịu có thể gián tiếp tác động đến tâm lý của mẹ, khiến mẹ chán ăn, căng thẳng và thường xuyên nổi cáu vô cớ.

Thời gian thải phân chậm cũng có nghĩa là chất thải sẽ lưu lại trong cơ thể mẹ lâu hơn và các chất độc trong chất thải cũng sẽ có nhiều cơ hội để tấn công ngược trở lại sức khỏe của mẹ bầu.

Khi mẹ bị táo bón, mẹ thường sẽ dùng nhiều lực hơn để rặn đưa chất thải ra ngoài, động tác này có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc đẻ non.

Tình trạng táo bón thai kỳ nếu không được điều trị kịp thời ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của mẹ (Ảnh: Internet)

3Cách phòng tránh và cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ

Mẹ bầu có thể tham khảo một số cách phòng tránh và cải thiện tình trạng táo bón an toàn sau đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều chất xơ

  • Uống nhiều nước

  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục phù hợp với thể chất
  • Tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày vào một giờ nhất định

  • Giữ tinh thần thoải mái

  • Thử thay đổi tư thế ngồi đi vệ sinh, ví dụ như đặt chân lên một chiếc ghế đẩu thay vì để chân dưới sàn nhà

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ và thay đổi loại thuốc sắt, canxi phù hợp với thể trạng hơn.

Hi vọng bài viết hôm nay của mình sẽ giúp mẹ giải đáp các thắc mắc thường gặp về táo bón thai kỳ. Chúc mẹ và con yêu có một thai kỳ thật khỏe mạnh, hạnh phúc!

Theo Bibabo.vn