Tài khoản

Cách thoa phấn rôm cho trẻ đúng chuẩn: Mẹ đã biết chưa?

Thảo Phương 4 năm trước

Có nhiều mẹ sử dụng phấn rôm như “giải pháp” để điều trị rôm sảy cho trẻ, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo mẹ chỉ nên thoa phấn rôm ở lưng và mông bé. Khi bôi, không nên đổ trực tiếp phấn lên cơ thể bé mà phải đổ một ít vào lòng bàn tay thoa đều rồi mới từ từ thoa nhẹ lên da của con.

Tuyệt đối không bôi phấn rôm lên mặt, mũi hoặc những phần kín trên cơ thể bé (mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới) bởi những vị trí này thường ra nhiều mồ hôi và nếu mẹ cứ lạm dụng phấn rôm thì khả năng trẻ bị viêm da, bí da và viêm lỗ chân lông có thể xảy ra. Mẹ cũng không nên thoa phấn rôm lên cổ của bé, vì đây là khu vực gần mũi, bé sẽ dễ hít phải và gây ra nguy cơ bệnh về đường hô hấp khi bé hít phải.

Nếu như trẻ bị rôm sảy do thời tiết thì mẹ chỉ cần giữ cho cơ thể trẻ luôn được thoáng mát, có thể cho bé vào phòng có nhiệt độ mát, tắm rửa sạch sẽ cho bé là hết rôm ngay. Nếu bé đổ mồ hôi nhiều thì mẹ nên thay quần áo, thay tã thường xuyên để giữ vệ sinh da cho con. Hạn chế quấn bé quá kín gây nóng hoặc để nhiệt độ phòng bé quá cao, nếu như con ít tiết mồ hôi thì rôm sảy cũng sẽ hết nhanh hơn.

Có nên dùng phấn rôm, kem chống hăm để trị hăm tã cho trẻ?

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ hăm tã là do lạm dụng phấn rôm thường xuyên và áp dụng sai cách thoa phấn rôm cho trẻ sơ sinh. Có rất nhiều mẹ sau khi tắm cho trẻ xong thường thoa ngay phấn rôm vào nách, háng, mông cho con bởi lầm tưởng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy, chống hăm và giúp con mát mẻ.

Khi trẻ bị hăm tã thì mẹ không nên bôi phấn rôm cho bé, các mẹ nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Để da con khô hẳn thì con cũng sẽ cảm thấy dễ chịu và vết hăm cũng sẽ mau lành hơn. Khi chăm sóc trẻ bị hăm tã, quan trọng nhất là mẹ cần tắm rửa vệ sinh cho bé. Để tránh tổn thương da con, mẹ không nên chà xát hay dùng xà phòng tắm cho bé, chú ý rửa vùng kín cho bé bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới.

Một số cách dân gian để chữa hăm tã cho trẻ là dùng nụ vối, lá chè xanh hoặc lá trầu không rửa sạch, cho nước vào đun sôi lên rồi để ấm rửa cho bé. Nếu như mẹ vẫn thấy tình trạng hăm tã xảy ra khiến trẻ đau rát, vùng da bị hăm sưng tấy, đỏ, có dấu hiệu mưng mủ, rỉ nước, trẻ bị sốt và khóc nhiều, cần đưa đi khám bác sĩ nhi để có cách điều trị hợp lý.

Chú ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ

Thực chất, phấn rôm vẫn có rất nhiều công dụng có lợi cho trẻ nhưng để phát huy tác dụng tối đa thì bố mẹ nên có cách thoa phấn rôm cho trẻ sơ sinh theo lưu ý sau

  • Không nên sử dụng phấn trực tiếp trên da bé hay cho bé chơi cùng chai phấn. Thay vì vậy, mẹ nên đổ lên tay và xoa nhẹ lên da của con.
  • Mẹ cần tránh mở quạt hay ngồi gần cửa sổ khi đang đổ phấn trên tay để tránh làm bé hít phải bột phấn rất nguy hiểm.
  • Nên ngưng sử dụng phấn rôm ngay nếu nhận thấy da trẻ bị nổi mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy.
  • Hạn chế thoa nhiều phấn lên những vùng da có nếp gấp của bé như da cổ, nách, nếu phấn dư thừa có thể kết hợp với mồ hôi gây kích ứng da.
  • Không nên sử dụng phấn ở những vùng nhạy cảm như mũi và mắt.

Nguồn: St

Theo Bibabo.vn