Tài khoản

Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh chuẩn bài giúp con không còn nôn trớ

Thu Nguyễn 4 năm trước 13 bình luận

Vỗ ợ hơi cho trẻ là việc làm quan trọng sau mỗi lần cho trẻ bú, nó giúp làm thông luồng khí bị nén trong quá trình bé mút sữa mẹ hoặc sữa bình. Tuy nhiên, có nhiều mẹ bỉm sữa lần đầu “lên chức” nên không biết điều này. Vậy cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh như thế nào là đúng chuẩn?

Tại sao trẻ sơ sinh thường bị đầy hơi, nôn trớ?

Đối với trẻ sơ sinh, nhất là trong 3 tháng đầu đời thì hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối và đồng thời cách mút sữa của con vẫn chưa tốt nên trẻ rất dễ gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, nôn trớ, khó tiêu, thậm chí nguy hiểm hơn là gây hiện tượng trào ngược thực quản…

Ngoài việc trẻ bị đầy hơi sau khi bú thì khi khóc trẻ cũng dễ bị đầy hơi vì bé sẽ nuốt nhiều không khí và tạo thành hơi trong bụng. Điều này khiến bụng bé khó chịu và lưng lửng nên không có cảm giác đói bụng, dẫn đến bỏ ăn.

Cuối cùng, một nguyên nhân khác khiến trẻ thường bị đầy hơi cũng khá phổ biến đó là trẻ bị tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ gây mất nước, các chất điện giải và gây đầy hơi, chướng bụng kèm theo nôn ói nhiều do cơ hoành bị chèn ép. Dấu hiệu khi trẻ bị đầy hơi là bụng chướng lên khá rõ và có thể là dấu hiệu của hiện tượng giãn đại tràng bẩm sinh.

Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh

Áp dụng cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh là phương pháp tuyệt vời giúp ngăn ngừa chứng đầy hơi ở trẻ sau khi bú. Nó giúp loại bỏ lượng khí dư thừa đi vào hệ tiêu hóa của trẻ một cách nhanh chóng và cách thực hiện cũng khá đơn giản, mẹ có thể làm theo các cách sau đây:

  • Tư thế bế bé áp vào ngực: với tư thế này thì mẹ ngồi thẳng người và điều chỉnh sao cho đầu bé tựa vào vai, thân người bé áp vào ngực. Mẹ dùng một tay đỡ mông bé và một tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ, đều đặn vào lưng bé.
  • Cho bé ngồi trong lòng mẹ: mẹ cho bé ngồi thẳng trên đùi mẹ, sau đó dùng lòng bàn tay đỡ cằm của bé và phần cổ tay đỡ phần ngực bé. Tay còn lại nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé. Hoặc mẹ cũng có thể cho bé ngồi hơi nghiêng về đằng trước để đẩy hơi ra dễ dàng hơn.
  • Để bé nằm sấp: Mẹ đặt bé nằm sấp trên đùi mẹ và điều chỉnh sao cho bé không bị khó chịu, sau đó dùng tay để hỗ trợ phần đầu cho bé. Đồng thời, mẹ hãy đảm bảo rằng phần đầu bé cao hơn phần ngực và sau đó là dùng tay còn lạm vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé.

Lưu ý khi áp dụng cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh

  • Khi áp dụng các cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh thì bố mẹ phải lưu ý thực hiện nhẹ nhàng, không có lý do gì mà phải dùng lực mạnh vì nó cũng sẽ không giúp trẻ ợ hơi tốt hơn mà ngược lại nó còn khiến cho trẻ có ác cảm với việc làm này.
  • Cần phải đảm bảo rằng tư thế bế bé để vỗ ợ hơi sao cho thuận tiện. Đồng thời, đầu và cổ con luôn được nâng đỡ để bé luôn được an toàn.
  • Dù cho con ăn vào ban ngày hay ban đêm thì mẹ cũng vẫn phải vỗ ợ hơi cho con. Đừng vì thấy đêm khuya, mệt mỏi hay nghĩ rằng con chỉ đầy bụng vào ban ngày mà để con bị đầy hơi sẽ khiến con quấy khóc.
  • Đối với những trẻ thường xuyên bị nôn trớ, trào ngược thì cứ sau mỗi cữ bú mẹ nên bế bé thẳng đứng trong 10 đến 15 phút để tránh không cho sữa trào ra.

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn