Tài khoản

Cẩm nang chăm sóc vết khâu tầng sinh môn đẹp như thời con gái dành riêng cho mẹ sau sinh

Mẹ Cún 3 năm trước

Sau khi sinh, mẹ cần thận trọng với những biến chứng có thể gặp trong giai đoạn hậu sản, đặc biệt là việc rách, nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn.

Xem nhanh

  • Những điều mẹ nên biết về thủ thuật cắt tầng sinh môn
  • Dấu hiệu cho thấy vết khâu tầng sinh môn của mẹ đang gặp vấn đề
  • Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn hạn chế đứt chỉ, nhiễm trùng,...

1Những điều mẹ nên biết về thủ thuật cắt tầng sinh môn

Tầng sinh môn nằm ở phần sàn chậu, đoạn giữa âm đạo và hậu môn. Khi các mẹ sinh thường, phần mô của tầng sinh môn có thể sẽ được cắt ra để thúc đẩy quá trình chuyển dạ và đưa con ra ngoài nhanh hơn trong các trường hợp:

  • Quá trình rặn đẻ của mẹ quá lâu, con dễ bị thiếu oxy

  • Âm đạo của mẹ mở không đủ lớn để đưa đầu con ra ngoài

  • Mẹ có xương chậu hẹp

  • Đầu em bé quá lớn hoặc thai nhi quá to

  • Mẹ cần hỗ trợ sinh bằng kẹp forceps, giác hút hoặc một số công cụ khác

Bên cạnh mục đích giúp thúc đẩy quá trình chuyển dạ, thủ thuật cắt tầng sinh môn cũng sẽ giúp mẹ hạn chế được nguy cơ rách tầng sinh môn khiến mẹ dễ mất nhiều máu hơn.

Sau khi em bé chào đời, vết rạch tầng sinh môn của mẹ sẽ được bác sĩ khâu lại và thông thường sẽ tự lành trong khoảng 2-4 tuần. Tuy nhiên quá trình hồi phục vết khâu tầng sinh môn của mẹ có thể sẽ kéo dài hơn nếu vết khâu bị hở, đứt chỉ hoặc nhiễm trùng,...

Cách chăm sóc quyết định rất lớn đến thẩm mỹ của vết khâu tầng sinh môn (Ảnh: Internet)

Tình trạng rách, hở, nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn có thể là do mẹ vệ sinh vết mổ không cẩn thận, sinh hoạt không đúng cách sau khi sinh hoặc do vết khâu tự tuột chỉ vì các mô mới ở tầng sinh môn quá yếu khiến chỉ khâu bị lỏng,...

2Dấu hiệu cho thấy vết khâu tầng sinh môn của mẹ đang gặp vấn đề

Cũng giống như các vết khâu ở vị trí khác, mẹ cũng sẽ có cảm giác đau tức ở vết mổ tầng sinh môn, tuy nhiên nếu mẹ thấy đau kèm một số dấu hiệu sau thì mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức:

  • Đau nhiều, đau bất thường kèm hiện tượng sưng, ngứa ngáy, mưng mủ, có mùi hôi bất thường ở vùng vết khâu

  • Đau kèm nóng rát tầng sinh môn, đặc biệt là khi đi tiểu

  • Đau và chảy máu nhiều, ra cả máu cục

  • Sốt hoặc ớn lạnh

  • Không thể kiểm soát trung tiện, đại tiện

Nếu có các dấu hiệu trên mà không được xử lý kịp thời, vết khâu tầng sinh môn của mẹ có thể sẽ bị rách nặng hơn, dễ dẫn đến nhiễm trùng, đau đớn và ngăn cản quá trình hồi phục của bộ phận nhạy cảm này.

Các bác sĩ sẽ giúp mẹ thăm khám và đánh giá tình hình của vết khâu để có biện pháp xử lý an toàn và phù hợp.

Thủ thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện để giúp mẹ chuyển dạ dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

3Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn hạn chế đứt chỉ, nhiễm trùng,...

Để vết khâu tầng sinh môn nhanh lành, mẹ nên chú ý đến những điều sau:

  • Vệ sinh vết khâu nhẹ nhàng, sạch sẽ, không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo

  • Chỉ nên đi lại nhẹ nhàng, hạn chế đi lên xuống cầu thang, vận động mạnh

  • Có thể chườm lạnh nếu vết khâu hơi sưng đỏ

  • Không quan hệ tình dục, không sử dụng tampon khi vết khâu chưa lành hẳn

  • Mặc quần lót rộng rãi, thoải mái, chất liệu thấm hút tốt

  • Hạn chế rặn mạnh khi đại tiện, nếu bị táo bón có thể tham khảo bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân

  • Thay băng vệ sinh thường xuyên

  • Không nên ngồi bế con quá lâu dễ gây áp lực lên vùng sàn chậu

  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, tăng cường ăn chất xơ và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ

Theo Bibabo.vn