Tài khoản

[Cảnh báo] Kiến ba khoang đang vào mùa, nguy hiểm rình rập trẻ

Mẹ Cún 4 năm trước

Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm với độc tố cực mạnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe của trẻ.

Xem nhanh

  • Kiến ba khoang là gì? 
  • Mức độ nguy hiểm của kiến ba khoang như thế nào? 
  • Ba mẹ cần làm gì để xử lý kịp thời khi trẻ bị kiến ba khoang đốt? 
  • Làm thế nào để bảo vệ bé khỏi bị kiến ba khoang đốt?

Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào mùa thu, khi vụ mùa thu hoạch đang tới. Đây được coi là loài kiến cực độc, với độc tố mạnh gấp 12 - 15 lần nọc độc của rắn hổ. Khi tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang, nếu không được xử lý kịp thời rất có thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe nặng nề. Người lớn khó có thể chịu được, trẻ con lại càng không chịu được. 

1Kiến ba khoang là gì? 

Kiến ba khoang là loại côn trùng có màu, các khoang màu đen xen kẽ khoang màu cam; thân mình thon dài, chiều dài từ 1 - 1.2cm. 

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, vùng cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải,... Loại kiến này thường hay xuất hiện vào mùa mưa khi độ ẩm không khí cao, như ở nước ta, khoảng tháng 9, tháng 10 khi vụ mùa đến là thời điểm tốt để kiến phát triển. 

Tháng 9, tháng 10 là thời điểm kiến ba khoang xuất hiện nhiều (Ảnh: Internet)

Loại kiến này rất ưa thích ánh sáng của bóng đèn điện vào ban đêm. Chúng bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, chăn màn, giường chiếu, khăn mặt,... Cho nên, con người, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa nhận biết được loại kiến ba khoang rất dễ tiếp xúc với loại kiến này và bị chúng làm tổn thương. 

2Mức độ nguy hiểm của kiến ba khoang như thế nào? 

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin với độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần so với nọc độc của rắn hổ. Tuy nhiên, do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ tiếp xúc ngoài da nên lượng độc tố này không đủ để gây chết người. 

Khi bị kiến ba khoang đốt, ba mẹ quan sát trên da của mình và của trẻ sẽ thấy một số đặc điểm: 

  • Da mặt, da tay, da chân (nơi không được quần áo che chắn cẩn thận) là khu vực dễ bị tổn thương nhất. 

  • Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. 

  • Ban đầu vết thương chỉ là những nốt nổi ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ, để ý kỹ sẽ thấy ở giữa vết thương lõm xuống, có màu trắng vàng. 

  • Nếu không được vệ sinh và giữ gìn cẩn thận, vết thương dễ bị loét, có dịch mủ. 

  • Khi bị đốt thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp nặng có thể bị sốt, nổi hạch, nhiễm trùng toàn thân,... 

Nọc độc của kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần so với nọc độc của rắn hổ, rất nguy hiểm với trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

3Ba mẹ cần làm gì để xử lý kịp thời khi trẻ bị kiến ba khoang đốt? 

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, để bảo vệ bé yêu và cả gia đình khỏi vết đốt của kiến ba khoang và các loại côn trùng khác, ba mẹ cần chuẩn bị sẵn: Cồn 70 độ, mỡ corticoid, kem Phenaegan. Khi bị kiến ba khoang hoặc côn trùng đốt, ba mẹ có thể xử lý như sau sẽ giúp vết đốt giảm nhẹ rất nhiều: 

- Bước 1: Dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị sưng tấy để giảm khó chịu và ngăn ngừa vết cắn nặng hơn. 

- Bước 2: Bôi mỡ corticoid 4 - 6 lần một ngày. 

- Bước 3: Bôi kem Phenaegan 8 - 10 lần mỗi ngày. Chú ý khi bôi cần miết mạnh vùng da bị đốt đến khi thuốc khô, thẩm thấu thuốc tốt hơn. 

Việc sử dụng thuốc bôi mỡ có chứa corticoid cần làm thật cẩn thận, ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để dùng đúng cách, tránh ảnh hưởng không tốt đến làn da của trẻ. 

Nếu lỡ dùng tay đập chết kiến ba khoang, ba mẹ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng càng sớm càng tốt để tránh độc tố nhiễm vào cơ thể. 

Đặc biệt lưu ý không gãi vùng da tiếp xúc với độc tố, tránh làm tổn thương da. 

Không may tiếp xúc với kiến ba khoang, bạn cần rửa sạch vùng da tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng (Ảnh: Internet)

4Làm thế nào để bảo vệ bé khỏi bị kiến ba khoang đốt?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu thấy có kiến ba khoang trong khu vực xung quanh nhà, ba mẹ nên thay bóng đèn huỳnh quang thành bóng đèn vàng, vì kiến ba khoang thích bóng đèn huỳnh quang hơn. 

Ngoài ra, ba mẹ nên thực hiện: 

- Đóng cửa thường xuyên khi ra vào, dùng lưới chăng xung quanh khu vực cửa sổ và cửa ra vào để ngăn kiến ba khoang. 

- Mắc màn/mùng cho trẻ và cả gia đình khi ngủ. 

- Vệ sinh môi trường sống xung quanh nhà thật sạch sẽ, thoáng đãng. 

- Mặc quần áo dài tay, đội mũ nón, dùng khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài, nhất là những khu vực gần đồng ruộng. 

Kiến ba khoang đang bùng phát trở lại, do đó ba mẹ nên áp dụng sớm các biện pháp phòng ngừa kiến ba khoang để bảo vệ bé yêu khỏe mạnh, tránh những tổn thương da không đáng có. Nếu thấy có gì bất thường, hãy đưa bé đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Theo Bibabo.vn