Tài khoản

Cho trẻ ăn dặm cơm sớm sẽ bị đau dạ dày?

Le Thu 4 năm trước 9 bình luận

Xem nhanh

  • 1. Tại sao ăn cơm sớm không khiến trẻ đau dạ dày?
  • 2. Khi nào nên cho trẻ ăn cơm?
  • 3. Lưu ý khi cho trẻ ăn cơm

Nhiều mẹ cho rằng ăn thô sớm sẽ khiến dạ dày con bị tổn thương, rất dễ đau dạ dày từ bé. Nhưng sau khi tìm hiểu, mình kết luận rằng không phải vậy, ăn cơm sớm và đau dạ dày không liên quan gì đến nhau. 

11. Tại sao ăn cơm sớm không khiến trẻ đau dạ dày?

Vì thủ phạm khiến dạ dày bị tổn thương không phải “độ thô của thực phẩm” mà là vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), ăn thô hay nhuyễn gì mà dính phải vi khuẩn này thì cũng đau dạ dày hết. Đừng đổ tại cho việc ăn cơm sớm mẹ nhé, tội nghiệp “bát cơm”. Vấn đề vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ có thể phần nào giúp trẻ giảm bớt được tình trạng nhiễm khuẩn HP gây đau dạ dày này. 

Thực ra, theo mình biết ăn thô sớm còn có lợi cho dạ dày của con hơn việc ăn đồ nhuyễn quá lâu. Khi con ăn thô sớm, miệng của con phải nhai thức ăn, nước bọt được tiết ra mang theo enzym tiêu hóa một phần thức ăn trước khi nuốt, đồng thời dạ dày nhận được tín hiệu sẽ tiết các men tiêu hóa sẵn sàng tiêu hóa thức ăn, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Nếu mẹ cho trẻ ăn nhuyễn quá lâu, dần dần con chỉ nuốt mà không tạo được phản xạ nhai, dạ dày cũng không nhận được các tín hiệu từ não nhận biết việc con đang xử lý thức ăn, dẫn đến tình trạng men tiêu hóa tiết ra ít, quá trình tiêu hóa diễn ra lâu hơn và thụ động. Như vậy cũng không tốt cho dạ dày chút nào. 

Cho trẻ ăn cơm đúng thời điểm sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả hơn

22. Khi nào nên cho trẻ ăn cơm?

Mình nghĩ không có tiêu chuẩn nào cả, vì điều này tùy thuộc vào khả năng của bé và điều kiện của mẹ nữa. Mẹ có thể thử khả năng của bé bằng việc tăng dần độ thô lên. Nếu con ăn được cơm mềm, nhai và nuốt rất hợp tác, đến khi cho ăn lại thực phẩm có độ thô giảm xuống không chịu ăn nữa thì khả năng con ăn được cơm mềm rồi đấy. Nhà mình bạn đầu tiên đến tháng 15 là đã có thể ăn được hạt cơm mà không sợ con bị hóc hay hại dạ dày. Mặc dù con chưa mọc răng đầy đủ nhưng lợi của con rât cứng, đủ để con có thể nghiền nát thức ăn mà chẳng cần băn khoăn suy nghĩ gì cả. 

Trẻ được 1 tuổi là có thể ngồi vào bàn ăn cơm cùng gia đình, ăn những món gia đình ăn (tất nhiên mẹ cần lưu ý liều lượng gia vị hợp lý vì vẫn không nên cho trẻ ăn đồ nhiều gia vị và gia vị mặn). Hãy thử để biết khả năng của con mẹ nhé, mỗi bạn một sự phát triển khác nhau, không nên áp bạn nào vào bạn nào cả.

33. Lưu ý khi cho trẻ ăn cơm

Mình chỉ muốn lưu ý một chút trong việc tập cho bé ăn cơm. 

  • Lúc này vẫn cần giữ vững nguyên tắc tăng dần độ thô và thử cho con ăn một chút một. Không nên chuyển luôn từ cháo hạt sang cơm mà vẫn cho con ăn cháo nhưng điểm thêm một chút cơm một, quan sát phản ứng của con. Sau vài ngày sẽ tăng dần lên lượng cơm nhiều hơn, cháo ít dần và sau đó chuyển hẳn sang cơm nếu con hợp tác. Chuyển quá gấp có thể khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn vì không thích nghi được đó mẹ ạ. 

  • Không nên ép trẻ ăn nhiều cơm vì thực tế cơm không có nhiều dưỡng chất ngoại trừ tinh bột. Thay vào đó, hãy cho con ăn nhiều thức ăn chút, ăn đa dạng các nhóm chất để con tự cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể mình. 

Tập cho trẻ ăn cơm không hề dễ vì đây là bước tiến khá lớn, con phải học cách làm nhuyễn thức ăn nhiều hơn, nhai và nuốt nhiều hơn. Con nuốt chửng không hề tốt. Nếu mẹ thấy tình trạng này khi cho con ăn cơm thì nên dừng lại, đổi thức ăn mềm hơn nhé vì mình nghĩ lúc đó con chưa sẵn sàng. Việc nuốt chửng có thể gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ. 

Mẹ cũng không nên để con ăn dặm cháo quá lâu mà không chịu tăng độ thô vì như thế trẻ sẽ hơi lười ăn và có thể biếng ăn sau này, hoạt động nhai, nuốt, cơ hàm cũng phát triển chậm hơn nữa đấy. 

Theo Bibabo.vn