Tài khoản

Cho trẻ sơ sinh nằm võng: Ba mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng

Đình Hoa 4 năm trước 8 bình luận

Với kinh nghiệm của nhiều người, việc cho trẻ nằm võng giúp bé thoáng lưng, hạn chế ra mồ hôi lưng, bé ngủ ngon, ít giật mình tỉnh giấc.

Xem nhanh

  • Em bé bị "ép" ngủ
  • Cột sống và lồng ngực của trẻ có thể bị ảnh hưởng
  • Tăng nguy cơ trẻ bị ngã khi ngủ
  • Thói quen phụ thuộc vào võng
  • Lưu ý khi cho bé nằm võng khi ngủ

Thế nhưng, nằm võng khi ngủ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và thói quen sinh hoạt của bé. 

Trẻ sơ sinh nằm võng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (Ảnh: Internet)

1Em bé bị "ép" ngủ

Nhiều mẹ cho bé nằm võng thấy bé dễ ngủ hơn, ngủ ngon hơn. Thực tế, khi bé nằm võng, vải viền quanh võng bao bọc xung quanh bé, khiến bé cảm thấy ấm áp và an toàn, cảm giác như được ôm ấp khi còn nằm trong bụng mẹ. Cảm giác này khiến bé dễ chịu và dễ ngủ hơn.

Tuy nhiên, mẹ có thể chưa biết, khi mẹ đung đưa võng, em bé có thể bị chóng mặt, mệt mỏi và dần lịm vào giấc ngủ vì quá mệt. Giấc ngủ không đến tự nhiên mà bị "ép" không hề tốt cho bé. 

2Cột sống và lồng ngực của trẻ có thể bị ảnh hưởng

Các bác sĩ khuyến cáo em bé sơ sinh nên được nằm trên mặt phẳng như giường, nệm không quá mềm sẽ tốt hơn là nằm võng. Điều này sẽ giúp bé dễ ngủ hơn, đường thở không bị ảnh hưởng. 

Ở một số em bé nằm võng quá nhiều, cột sống của bé có thể cong theo độ cong của võng thay vì phát triển thẳng như bình thường. Điều này phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của khung xương, cột sống. 

Với những em bé bị còi xương, thiếu canxi, nằm võng có thể khiến bé bị biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng đến các cơ quan ở khu vực này. 

Hệ xương của bé có thể bị ảnh hưởng khi nằm võng quá nhiều, quá lâu (Ảnh: Internet)

3Tăng nguy cơ trẻ bị ngã khi ngủ

Võng không cố định như giường hay nôi cũi. Do đó, ba mẹ chỉ nên cho trẻ nằm võng đến khi trẻ biết lật, biết lăn lộn (khoảng 03 tháng tuổi), tránh bé lăn lộn khi ngủ có thể bị ngã từ võng xuống gây nguy hiểm. 

Ngoài ra, khi biết lật, bé có thể thay đổi tư thế từ nằm ngửa sang nằm nghiêng, thậm chí là nằm úp. Nếu không được ba mẹ hỗ trợ lật người lại, em bé có thể bị ngạt thở, thậm chí là tử vong. 

4Thói quen phụ thuộc vào võng

Ba mẹ cho bé nằm võng trong thời gian dài khi ngủ sẽ hình thành thói quen cần được đu đưa, cần được rung nhẹ khi ngủ. Dần dần, em bé sẽ bị phụ thuộc vào nó, không có võng sẽ không chịu ngủ. 

Nếu bạn đang ở nhà, điều này không hề khó khi cho bé ngủ trên võng nhưng khi gia đình đang có chuyến đi chơi xa, điều này sẽ gây ra khá nhiều khó khăn cho bạn.

Thói quen phụ thuộc vào võng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ (Ảnh: Internet)

5Lưu ý khi cho bé nằm võng khi ngủ

Nếu vẫn muốn cho bé nằm võng, ba mẹ chỉ nên cho bé nằm một lát, sau khi bé ngủ nên bế bé ra giường nằm. Điều này hạn chế nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS. Ngoài ra, ba mẹ nên lưu ý thêm một số vấn đề: 

Nên dùng một tấm đệm lót lưng hoặc một chiếc chiếu nhỏ đặt dưới võng trước khi cho bé nằm. 

Đặt bé nằm chéo võng, không nên nằm xuôi để lưng bé được nâng đỡ tốt hơn. 

Không nên kê gối, đặt gấu bông, chăn xung quanh trẻ, hạn chế nguy cơ trẻ bị ngạt thở khi ngủ. 

Tuyệt đối không để trẻ nằm võng một mình, hãy đặt bé dưới sự trông chừng của ba mẹ. 

Không rung lắc võng quá mạnh, chỉ nên đu đưa nhẹ nhàng. 

Cho trẻ nằm võng hại nhiều hơn lợi, ba mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho bé nằm võng.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm