Tài khoản

Con thức đêm quấy khóc, mẹ phải làm sao?

Mẹ An Bình 4 năm trước 7 bình luận

Những tưởng sinh con ra là bớt đau, bớt mệt nhưng hóa ra, đó chỉ là khởi đầu của những chuỗi ngày “ác mộng” khi con quấy khóc vào ban đêm. 

Bài viết hơi dài, mang tính kể lể nên các mẹ cân nhắc trước khi đọc nha :))) Thời gian đầu sinh bé, em đến trầm cảm các mẹ ạ. Mới sinh xong cơ thể thì mệt mỏi, đau nhức khó chịu. Cộng thêm sữa lúc nhiều lúc ít, lúc căng lúc mềm làm em chỉ sợ mất sữa hoặc tắc tia. Nhưng như vậy vẫn chưa là gì, kinh khủng nhất có lẽ phải kể đến cuộc sống vào buổi đêm sôi động hơn ban ngày những ngày này. 

Em bé nhà em bị khó ngủ. Chứ hơi một chút là ọ ọe, thức dậy rồi khóc. Có lần bé đòi ăn, có lần tã bẩn khiến bé khó chịu, có lần bé chán muốn dậy chơi, nhưng cũng có lần chỉ là dậy và khóc, chẳng biết lí do tại sao, thích là dậy… Hai vợ chồng thay nhau người ngủ người thức, đổi ca trông bé đến là nản. Chỉ khoảng 3 tuần sau sinh mà nhìn vợ chồng em ai nấy đều bù xù, phờ phạc, biến thành gấu trúc hết cả. Mắt thì không mở được ra, người chẳng còn sức lực để mà cáu gắt với chồng với con nữa. Thật sự là ác mộng. 

Sang tháng thứ 2, tình trạng này còn kinh khủng hơn. Em đọc thì bảo là do những tháng này em bé đã hoàn thiện cơ thể hơn, chân tay vận động nhiều và nhanh nhẹn hơn nên vừa thức vừa quấy… Cảm thấy không thể tiếp tục như thế này được nữa, vợ chồng em lục tìm hết các thông tin trên mạng, tìm kiếm các phương pháp luyện ngủ và chăm sóc bé. Rồi em quyết định làm Cry it out với hi vọng bé ngoan hơn, chịu ngủ hơn và ba mẹ có thời gian hồi phục sức lực, đỡ vất vả hơn. 

Có thể các mẹ sẽ hỏi mình sao không cho bé ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm. Nhưng các mẹ ạ, không phải bé nào cũng giống bé nào, và nhất là trong những tuần đầu sau sinh, em bé sinh hoạt khá tùy ý, không phải mẹ cứ muốn là được. Buồn ngủ sẽ buồn ngủ, muốn thức là thức, nhất là khi thức lại muốn có người phải thức cùng, để chơi vào vỗ về nữa. Tính khí kỳ cục ghê mà vẫn phải chiều không làm sao được ấy các mẹ ạ. 

---

Cry it out là phương pháp luyện ngủ mình đã lựa chọn cho bé. Phương pháp này chấp nhận cho bé tự khóc, tự nín, tự học cách vỗ về bản thân trong thời gian nhất định, sau đó ba mẹ sẽ hỗ trợ vỗ về trẻ.

Trong khoảng thời gian trẻ khóc, ba mẹ tuyệt đối không được bế con. Ba mẹ nên đi ra ngoài, khuất tầm nhìn của con và quan sát con từ xa. Nếu con không nín khóc trong thời gian quy định (thường là vài ngày đầu bé không nín đâu), lúc này ba mẹ sẽ dỗ dành và vỗ về bé, giúp bé đi vào giấc ngủ.  

Nguyên tắc luyện là vậy, đi vào thực tế thì sao? 

Đêm đầu tiên thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ, em đặt bé xuống giường và để bé ở đó. Chắc chắn là bé sẽ khóc. Em cho khóc trong vòng 3 phút, sau đó bắt đầu dỗ dành, vỗ nhẹ lên người bé. Nếu bé ngủ luôn thì tốt. Nếu bé khóc, em để cho bé khóc lâu hơn, khoảng 5 phút, lần sau tăng lên 10 phút, dần dần kéo dài thời gian ra để bé có thêm thời gian tự trấn an bản thân mình và không quá ỷ nại vào mẹ. Cơ mà thú thực để con khóc đến lần thứ 3 là em đã không nhịn được mà bế bé lên ôm rồi. Đêm thứ nhất thất bại. 

Đêm thứ hai tiếp tục hành trình như đêm thứ nhất. Vẫn là để cho bé khóc 1 lúc, xong dỗ, xong lại để khóc, xong lại dỗ. Mỗi lần khóc thời gian sẽ kéo dài hơn, để con có thêm cơ hội tự trấn an bản thân mình. Nhưng đến lần thứ 5 là em lại mềm lòng, thật sự đau lòng lắm và không kìm được mà “phạm quy” - lại bế bé lên ôm ấp. Đêm thứ hai thất bại. 

Đêm thứ ba, trước lúc luyện tập ông xã đã bảo em nhất định phải cứng rắn lên, quá tam ba bận thôi nhé, chứ cứ thế này dần dần con sẽ biết là mẹ không kiềm chế được, con cứ khóc là mẹ bế nên nó sẽ càng quấy và luyện không được đâu. Haizz. Quyết tâm rồi em tiếp tục luyện cho bé. Từ 9h bé bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ, cứ như thế chu trình khóc rồi dỗ, hai mẹ con đánh vật với nhau đến tận 12h thì bé ngủ được. Coi như thành công rồi. Nhưng mẹ khóc, con khóc tùm lum hết cả. 

Từ ngày thứ 4 trở đi, có chiến thắng của ngày thứ 3 em bước vào ngày thứ 4 tự tin hơn, và mọi chuyện cũng đơn giản hơn rất nhiều. Cứ thế khoảng 1 tuần sau đó bé đã ngoan và có thể tự ngủ ngon lành mà không quá phụ thuộc vào sự ôm ấp dỗ dành trước khi ngủ của ba mẹ, cũng không đòi ba mẹ bế ẵm như trước nữa. Vậy là thành công rồi. Từ đợt đó em nhàn lắm chẳng phải lo lắng gì, chỉ có đêm dậy cho con ăn chút xong lại đi ngủ tiếp thôi. 

---

Việc áp dụng phương pháp Cry it out thành công hay không tùy thuộc vào từng em bé và sự quyết tâm của ba mẹ cũng như hoàn cảnh xung quanh. Phương pháp này có một số lợi ích khá rõ ràng, như giúp con ngủ sâu giấc, ngủ ngoan hơn và ba mẹ cũng có thời gian dành riêng cho mình. Mức độ stress của con cũng giảm, mẹ cũng bớt áp lực. Con tự lập và vững vàng hơn. 

Tuy nhiên, mình biết có rất nhiều mẹ không đồng tình với phương pháp này. Vì mẹ cho rằng như vậy là đã tước đi quyền được âu yếm, được vỗ về yêu thương của con, cũng là của mẹ. Một số mẹ khác không thể nhìn con khóc mà không dỗ, không đủ quyết tâm và vững vàng. Thậm chí một số mẹ cho rằng việc để bé khóc mà không được vỗ về dễ khiến bé bị tự kỷ, stress, bơ vơ, không yêu thương ba mẹ.

Điều này thật sự rất dễ hiểu, đó là lựa chọn của mỗi người. Còn với mình, mình lựa chọn Cry it out và mình đã thành công. Dằn lòng cứng rắn lên một vài tuần đầu, sau đó cả mẹ và con đều nhàn hạ. Thay vì cứ ôm nhau quấy khóc cả vài tháng trời, mẹ có chắc con không mệt mỏi không? Còn mẹ thì đã mệt mỏi lắm rồi. 

Lời khuyên cho các mẹ: Nếu các mẹ có ý định luyện ngủ cho con theo cry it out, mẹ nên tìm hiểu thật kỹ và cảm thấy chắc chắn em bé phù hợp, gia đình phù hợp với phương pháp này thì hãy triển khai nhé. Còn rất nhiều phương pháp luyện ngủ khác có thể phù hợp hơn với ba mẹ, hãy tham khảo thêm để có nhiều lựa chọn hơn nha.

Theo Bibabo.vn