Cùng mẹ tìm hiểu từ A đến Z về ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật là một trong ba phương pháp ăn dặm phổ biến được các mẹ Việt lựa chọn để giúp con làm quen với việc ăn các loại thức ăn ngoài sữa.
Xem nhanh
- Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
- Khi nào thì nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật?
- Cách chế biến đồ ăn cho bé trong ăn dặm kiểu Nhật
Vậy ăn dặm kiểu Nhật là gì, ưu điểm vượt trội của phương pháp này là gì, cách chế biến đồ ăn có gì đặc biệt? Mời mẹ cùng Bibabo tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Đúng như tên gọi của mình, ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp được hầu hết các mẹ ở Nhật Bản áp dụng khi cho con ăn dặm. Đặc trưng của phương pháp này là trẻ được ăn các loại đồ ăn từ mịn đến thô, từ loãng đến đặc theo các giai đoạn nhất định phù hợp với sự phát triển thể chất và kĩ năng của con.
Dạng đồ ăn ban đầu của ăn dặm kiểu Nhật có thể khiến mẹ nhầm lẫn với ăn dặm truyền thống vì thức ăn cũng ở dạng loãng và mịn nhưng sự khác nhau lớn nhất giữa hai phương pháp này là các loại thức ăn trong ăn dặm kiểu Nhật sẽ được chế biến và cho ăn riêng rẽ chứ không phải trộn chung tất cả vào một bát rồi cho bé ăn như ăn dặm truyền thống.
Đồ ăn trong bữa ăn của trẻ ăn dặm kiểu Nhật được chế biến và đựng trong các bát riêng biệt (Ảnh: Internet)
Ví dụ như nếu bữa ăn của con gồm có cháo loãng, rau ngót và thịt heo thì các mẹ cho con ăn dặm truyền thống thường hầm tất cả vào một nồi rồi xay nhuyễn ra cho bé ăn. Còn các mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật sẽ hầm cháo riêng, nấu rau ngót riêng, nấu thịt heo riêng và nghiền thức ăn theo độ thô phù hợp vào các bát riêng biệt rồi cho con ăn.
2Khi nào thì nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật?
Cũng giống như các phương pháp ăn dặm khác, mẹ nên bắt đầu cho con làm quen với việc ăn dặm khi trẻ được 5,5 đến 6 tháng tuổi và khi con đã có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm ví dụ như: Trẻ đã có thể giữ được cứng cổ, con có thể tự ngồi trên ghế ăn, con có hứng thú với đồ ăn của người lớn,...
3Cách chế biến đồ ăn cho bé trong ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật thường không dùng đến máy xay để xay nhuyễn thức ăn như ăn dặm truyền thống mà thay vào đó, các mẹ sẽ dùng bộ dụng cụ chế biến trong ăn dặm kiểu Nhật để chuẩn bị đồ ăn cho con.
Bộ dụng cụ như vậy thường bao gồm:
Đĩa mài: Dùng để mài các loại thức ăn cứng (như cà rốt sống, khoai tây sống,...) hoặc thức ăn đang được đông lạnh (thịt, cá đông lạnh) sau đó mới nấu chín.
Rây, lọc thức ăn: Thường dùng để rây các loại thức ăn chín để thức ăn đạt độ nhuyễn, mịn mong muốn.
Bộ nghiền thức ăn (gồm cối và chày): Các loại rau, củ đã được nấu chín thường được nghiền cho đến khi đạt độ thô thích hợp.
Ngoài ra, một số bộ dụng cụ còn có thêm dụng cụ vắt để mẹ có thể vắt nước trái cây cho trẻ.
Cách chế biến đồ ăn cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật trong giai đoạn đầu chủ yếu là hấp, luộc chín, nghiền hoặc rây nhuyễn sau đó pha thêm với nước dashi để tạo ra thức ăn có độ đặc, loãng phù hợp với từng giai đoạn ăn dặm của trẻ.
Bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật thường gồm có bàn mài, rây, chày nghiền, đồ vắt,.. (Ảnh: Internet)
Nước dashi là loại nước không thể thiếu trong ăn dặm kiểu Nhật và mẹ cũng có thể nấu rất dễ dàng tại nhà. Dashi có hai loại đó là dashi rau củ (mẹ chỉ cần ninh các loại rau củ để lấy nước trong là được) và dashi cá bào + rong biển (hai nguyên liệu này mẹ có thể tìm mua ở các địa điểm bán đồ ăn dặm kiểu Nhật cho bé sau đó cũng ninh lên và lọc lấy nước trong).
(Còn tiếp)
Trong bài viết tiếp theo về ăn dặm kiểu Nhật, mình sẽ chia sẻ cùng các mẹ thông tin về các giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật, ưu điểm và một số lưu ý quan trọng để mẹ có thể tập cho con ăn dặm kiểu Nhật thành công, mẹ nhớ đón đọc nhé!
-
Thích bài viết
-
64 người thích
Nhận ngay 10 Xumom khi chia sẻ bài viết
Hỏi đáp, bình luận
bình luận
Viết bình luận của bạn...