Tài khoản

Dấu hiệu chuyển dạ sớm mẹ sắp “vỡ chum” chú ý nha

Mẹ Lan 3 năm trước 24 bình luận

Gần đến ngày dự sinh, mẹ hãy để ý kỹ những thay đổi của cơ thể, đặc biệt là khi thấy xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ sớm. 

Xem nhanh

  • Khi nào chuyển dạ? 
  • Dấu hiệu chuyển dạ sớm? 
  • Dấu hiệu chuyển dạ cần đến bệnh viện ngay
  • Đến ngày dự sinh rồi vẫn chưa chuyển dạ phải làm sao? 

Điều này không thật sự đúng với tất cả mẹ bầu nhưng phần lớn mẹ bầu sắp “vỡ chum” đều có thể có những dấu hiệu này. Lúc này, cách tốt nhất là nên gọi điện thoại hỏi bác sĩ về những dấu hiệu đó có phải sắp đến ngày dự sinh không, chuẩn bị sẵn sàng giỏ đồ đi sinh gọn gàng để có lỡ vỡ chum bất ngờ thì chỉ phải xách giỏ đồ đi sinh là xong, không phải cuống quýt lên rồi lại quên thứ nọ, thiếu thứ kia. Kinh nghiệm của mình đó các mẹ ạ.

1Khi nào chuyển dạ? 

Thường thì ngày chuyển dạ sẽ gần so với ngày dự sinh của mẹ. Phần lớn mẹ bầu sẽ xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ khoảng tuần 37 - 38 của thai kỳ, sau đó sinh vào khoảng tuần 39 - 40, tùy theo cơ địa của từng người. Tuy nhiên, một số em bé phát triển nhanh và sớm hơn những em bé khách có thể “đòi” chui ra sớm hơn ngày dự sinh. 

Nếu mẹ mang thai con đầu lòng, mẹ thường sẽ chuyển dạ và sinh sớm hơn so với thời điểm dự sinh khoảng 1 - 2 tuần, có khi là 3 - 4 tuần tùy theo từng người. Một số mẹ khác sinh con so lại có thể sinh muộn hơn so với ngày dự sinh một chút, em bé “lì” quá khiến mẹ khá mệt và lo lắng vì con quá ngày dự sinh nhưng rồi sau đó vẫn sinh ngon lành.

Dù xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ sớm hay muộn mẹ cũng đừng lo lắng, hãy chú ý và đến bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ và sinh bé an toàn mẹ nhé. 

2Dấu hiệu chuyển dạ sớm? 

Dưới đây là dấu hiệu chuyển dạ sớm mình xin tổng hợp lại cho các mẹ kết hợp với kinh nghiệm riêng của cá nhân mình, các mẹ bầu tham khảo nhé. 

Khoảng 1 - 3 tuần trước ngày dự sinh mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được những cơn đau bụng hoặc đau lưng, đau theo từng cơn, nếu đặt tay sờ vào bụng sẽ thấy vùng bụng gò cứng dưới cánh tay. 

Lúc đầu, những cơn đau xuất hiện thất thường, đau cũng thất thường. Cơn đau kiểu này còn được gọi là các cơn gò Braxton - Hicks hay cơn gò chuyển dạ giả. Nhưng đến những tuần cuối, nếu thấy cơn đau kéo dài khoảng 20 - 30 giây, sau đó lại nghỉ khoảng 5 phút, sau đó lại tiếp tục đau, cứ thế có khoảng 2 - 3 cơn đau trong vòng 10 phút. Cơn đau ngày một tăng dần, dù có thay đổi tư thế hay làm mọi cách không hết đau thì rất có thể đây là cơn đau chuyển dạ thật. Lúc này hãy tới bệnh viện kiểm tra ngay. 

Ngoài các cơn đau tử cung thì dịch nhầy màu hồng ở âm đạo cũng là một dấu hiệu cần chú ý. Kết hợp với đó là hiện tượng gọi là “bung nút nhầy” - một lượng lớn dịch nhầy cùng 1 lúc được thoát ra ngoài, hòa lẫn một ít máu tạo thành dịch nhầy có màu hồng. Đây thường là kết quả của các cơn gò tử cung trong giai đoạn sắp chuyển dạ. Mẹ chú ý dấu hiệu này nhé. 

Một số mẹ bầu có thể thấy cơ thể ngừng tăng cân, thậm chí là sút cân những ngày sắp sinh. Một phần là do em bé thời điểm này không còn tăng cân nhanh như trước, một phần là do nước ối đang dần cạn dần đón ngày em bé chào đời. Đừng lo lắng, đây là hiện tượng khá bình thường, mẹ chỉ cần đi khám thai đúng lịch để kiểm tra sự phát triển của bé là được nhé. 

Ngoài ra, một số mẹ bầu bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân, không phải do đồ ăn không đảm bảo. Nguyên nhân mẹ bị tiêu chảy là do những thay đổi bên trong cơ thể chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Nếu gặp tình trạng này, mẹ không nên tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy mà hãy đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe chính xác hơn nhé. 

Cuối cùng, vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng nhất của quá trình chuyển dạ mẹ nào cũng cần chú ý. Nếu thấy dấu hiệu này, mẹ nên xách giỏ đồ đi sinh đi khám ngay lập tức thôi.  

3Dấu hiệu chuyển dạ cần đến bệnh viện ngay

Nếu thấy các dấu hiệu dưới đây, mẹ nên đi tới bệnh viện nhé:

  • Ra máu âm đạo

  • Vỡ ối, rỉ ối. Nước ối thường không có mùi khai, mẹ dùng dấu hiệu này để phân biệt với tình trạng són tiểu khi mang thai nhé. 

  • Đau bất thường vùng tử cung và vùng bụng dưới. 

  • Thai không cử động hoặc cử động ít hơn hẳn trong vòng 2 - 4 giờ. 

  • Đột ngột đau ngực, đau đầu, nôn mửa dữ dội, sốt cao,... 

Một số mẹ bầu không có dấu hiệu bất thường nhưng bản thân cảm thấy lo lắng và không an toàn, nếu vậy, hãy cứ đi kiểm tra cẩn thận tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi để cảm thấy yên tâm nhất. 

4Đến ngày dự sinh rồi vẫn chưa chuyển dạ phải làm sao? 

Một số mẹ sẽ rơi vào trường hợp này, quá ngày dự sinh vẫn chưa chuyển dạ. Điều này khiến mẹ khá lo lắng và không biết phải làm gì tiếp theo. 

Thực tế, việc thai quá ngày dự sinh có thể liên quan đến một số vấn đề như thai chết lưu, thai quá lớn, thai khó thở hoặc gặp một số vấn đề sức khỏe. Do đó, mẹ cần tới bệnh viện kiểm tra ngay nhé. Các bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn tiếp theo, có thể gợi ý mẹ sinh mổ hoặc sinh thường tùy theo sức khỏe của mẹ và bé. 

Đừng quá lo lắng nếu thấy bụng “yên ắng quá”, “chẳng thấy động tĩnh gì”, hãy bình tĩnh xử lý mẹ nhé! Chúc mẹ và bé bình an gặp nhau đúng hạn. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm