Tài khoản

Hiện tượng sôi bụng và cách phòng tránh sôi bụng hiệu quả cho trẻ sơ sinh

BIBABO 5 năm trước 17 bình luận

Hiện tượng sôi bụng, ọc sữa thường hay xuất hiện ở các bé sơ sinh. Tuy không nằm trong danh mục bệnh nguy hiểm nhưng hiện tượng này thường khiến nhiều cha mẹ lo lắng vì gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé. Do vậy, việc tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị khi trẻ sơ sinh bị sôi bụng là điều vô cùng cần thiết. Cùng Bibabo tìm hiểu ngay vấn đề này mẹ nhé.

Triệu chứng sôi bụng ở trẻ

Sôi bụng hay còn được các mẹ gọi với tên sủi bụng là hiện tượng thường gặp ở các bé từ 3 - 18 tuần tuổi sau sinh. Đây được xem là một trong những phản ứng của hệ tiêu hóa non nớt của bé trước sự thay đổi về dinh dưỡng hoặc từ các tác nhân môi trường xung quanh.

Mẹ có thể dễ dàng nhận biết việc bé bị sôi bụng thông qua các âm thanh phát ra từ cơ quan tiêu hóa (ruột non và ruột già) trong bụng bé. Tiếng sôi bụng có thể gây khó chịu cho bé, thậm chí bé sẽ có dấu hiệu đi ngoài, xì hơi ngay sau khi bú mẹ hoặc uống sữa công thức. 

Sôi bụng thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng sôi bụng ở các bé

+ Mẹ cho trẻ bú ngoài quá sớm

Việc mẹ cho bé bú ngoài sớm là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng sôi bụng ở trẻ sơ sinh. Vì lúc này hệ tiêu hóa non nớt của con sẽ chưa thể hấp thu đường lactose có trong các loại sữa ngoài. Hàm lượng lactose không được bé hấp thu sẽ tích tụ ở ruột gây nên các triệu chứng rối loạn hệ tiêu hóa của bé.

+ Mẹ cho bé bú bình không đúng cách

Đối với các bé bú sữa bằng bình, việc vệ sinh bình sữa chưa sạch hoặc pha sữa chưa đúng cách cũng có thể là nguyên nhân khiến bé nuốt phải không khí trong lúc bú, gây nên tình trạng sôi bụng.

+ Chế độ ăn uống bất hợp lý

Việc mẹ ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ, các loại thực phẩm khó tiêu hay có tính cay, nóng cũng là nguyên nhân khiến bé bú sữa mẹ nhưng lại bị sôi bụng đó mẹ.

Cách khắc phục tình trạng sôi bụng ở trẻ sơ sinh

+ Thay đổi tư thế bú cho bé

Khi mẹ thấy bé quấy khóc và nghe âm thanh sủi bụng, mẹ hãy thay đổi tư thế bú cho bé bằng cách đặt bé tựa đầu lên vai và vỗ lưng nhẹ nhàng để con có thể ợ hơi. Hoặc mẹ cũng có thể đặt bé nằm ngửa, gập đầu gối và di chuyển lên xuống từng chân (giống với động tác đạp xe đạp) cho bé.  

Việc này sẽ có tác dụng đẩy lượng khí tắc nghẽn theo đường tiêu hóa ra ngoài và giúp trẻ hết sôi bụng.

Thay đổi tư thế bú và massage nhẹ nhàng cho bé là cách giúp bé hết sôi bụng nhanh chóng

+ Lựa chọn và cân nhắc kỹ càng khi dùng sữa ngoài

Nếu bé gặp phải tình trạng không dung nạp lactose, mẹ cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác của các sản phẩm sữa. Đồng thời, mẹ cũng nên chọn mua cho con các loại sữa bột chứa ít hàm lượng lactose để cơ thể bé dễ hấp thu.

+ Thay đổi chế độ ăn của mẹ

Để tránh tình trạng sôi bụng cho con, mẹ nên hạn chế các loại thực phẩm gây nguy cơ gia tăng lượng khí sinh ra trong bụng bằng cách ăn ít cam, quýt, cà chua,...và đồ cay, nóng. Thay vào đó, mẹ có thể tăng cường việc uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày mẹ nha.

+ Thường xuyên massage cho bé

Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống của mẹ và cho bé bú đúng cách thì việc mẹ thường xuyên massage bụng cho con cũng sẽ giúp bé tiêu hóa tốt hơn, tránh gây tình trạng sôi bụng.

Lưu ý: Khi mẹ nhận thấy tình trạng sôi bụng của bé trở nên nghiêm trọng và kèm theo các triệu chứng: Ọc sữa, chán bú, bé không xì hơi được, đại tiện khó khăn hoặc sốt cao,... thì mẹ nên đưa bé tới gặp các bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời mẹ nhé. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm