Tài khoản

Hiểu về phân trẻ: Màu sắc, hình dáng phân phản ánh điều gì về sức khỏe?

Nguyen Trang 4 năm trước 13 bình luận

Ngoài những biểu hiện bên ngoài, quan sát hình dáng, màu sắc phân của bé phần nào giúp ba mẹ biết tình trạng sức khỏe của bé. 

Xem nhanh

  • Đoán tình trạng sức khỏe của bé thông qua hình dạng phân 
  • Trường hợp cần đưa bé đi khám 
  • Trường hợp cần đi bé đi khám cấp cứu

Từ ngày sinh bé, ba mẹ bỗng chốc trở thành những “chuyên gia” phân tích phân mẫn cán và chuyên nghiệp. Chỉ cần “đầu ra” hôm đó không ổn, ba mẹ chắc chắn “lo sốt vó” không biết có phải con táo bón không, hay đang bị tiêu chảy, hay gặp bất thường về sức khỏe.

Nếu ba mẹ vẫn soi “đầu ra” thường xuyên mà không biết “đầu ra” như vậy có ổn chưa, con có gặp vấn đề gì về sức khỏe không thì có thể tham khảo những thông tin dưới đây nhé.  

Dựa vào hình dạng và màu sắc của phân, ba mẹ phần nào hiểu được sức khỏe hệ tiêu hóa của em bé (Ảnh: Internet)

1Đoán tình trạng sức khỏe của bé thông qua hình dạng phân 

1.1. Phân lỏng

Nếu phân lỏng, bé đi tiêu nhiều lần, bé có thể bị tiêu chảy. Tuy nhiên, trong trường hợp bé đang mọc răng thì phân bé cũng lỏng hơn bình thường. 

Nếu bé không mọc răng thì có thể bị viêm nhiễm, ăn quá nhiều trái cây, phản ứng với thuốc hoặc hệ tiêu hóa của bé bị dị ứng thực phẩm. Hãy kiểm tra lại những nguồn thực phẩm bé bổ sung trong thời gian gần nhất để tìm hiểu nguyên nhân. 

Ba mẹ chú ý bổ sung đủ nước cho bé, tránh trường hợp bé tiêu chảy dễ bị thiếu nước. 

1.2. Phân thô

Nếu phân của bé nhỏ và thô như phân thỏ, hoặc cũng có thể to và cứng; khi đi tiêu con đỏ mặt và cần rặn mạnh; sờ bụng thấy cứng; thậm chí phân có lẫn máu, em bé của bạn đang bị táo bón. 

Tốt nhất nên đưa bé tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra nguyên nhân và đưa ra lời khuyên chăm sóc bé tốt nhất. Có thể điều bạn cần làm là tăng lượng nước, tăng chất xơ trong chế độ ăn của bé hàng ngày, hoặc pha sữa công thức loãng hơn, cho bé uống sữa mẹ nhiều hơn,... tùy theo nguyên nhân khiến bé bị táo bón. 

Đoán tình trạng sức khỏe của bé thông qua màu sắc phân

Thang điểm Bristol đánh giá mức độ táo bón của bé (Ảnh: Internet)

2.1. Phân su

Phân su thường xuất hiện trong khoảng 2 - 3 ngày đầu sau sinh, có màu xanh đậm. Sau khoảng thời gian này, khi bé bú sữa mẹ, phân dần dần chuyển sang màu vàng. 

2.2. Phân của bé trong những tháng đầu sau sinh 

a. Với em bé bú sữa mẹ hoàn toàn: 

Khi bé bú sữa mẹ, phân chuyển dần sang màu vàng vì sữa mẹ rất giàu oligosaccharides - một loại chất kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn. Hầu hết em bé bú sữa mẹ đều không gặp phải các vấn đề về “đầu ra” như táo bón hay tiêu chảy. 

Tần suất đi tiêu khoảng 5 - 6 lần/ngày. 

Đặc điểm phân của em bé khỏe mạnh: 

  • Nhão như mù tạt. 

  • Màu vàng hoa cà hoa cải

  • Đôi khi có chất nhầy trong phân

  • Đôi khi xả phân xanh

  • Không có mùi đáng kể

  • Không có bọt. 

Nếu em bé bú mẹ hoàn toàn, phân có màu đen thẫm như hạt vừng có thể là do bé nuốt phải máu của mẹ khi bú (mẹ bị nứt hay chảy máu đầu ti). Hệ tiêu hóa chuyển máu từ màu đỏ sang màu đen hoặc đỏ thẫm. 

b. Với em bé bú sữa công thức

Tần suất đi tiêu khoảng 3 - 4 lần/ngày. 

Đặc điểm phân của em bé khỏe mạnh: 

  • Màu vàng - trắng. 

  • Tương đối khô. 

Nếu hệ tiêu hóa của bé đang gặp vấn đề, phân thường sẽ có màu nâu, mùi hơi chua. 

2.3. Phân của bé trong thời kỳ ăn dặm

Khi bé bắt đầu ăn dặm, phân của bé cũng sẽ phong phú hơn. 

Tần suất đi tiêu khoảng 2 - 3 lần/ngày, có bé 2 - 3 ngày đi 1 lần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bé đang bị táo bón. Nếu phân của bé vẫn ướt, không khô cứng, tức là bé không bị táo bón. 

Lúc này, ba mẹ cần quan sát thêm hình dạng và màu sắc phân của bé. Đặc biệt là các trường hợp: 

a. Phân màu đen

Nếu mẹ bổ sung sắt hoặc cho bé ăn nhiều thực phẩm có chứa sắt, phân bé có thể chuyển từ màu xanh đậm sang màu đen, đây là dấu hiệu bình thường. Nếu mẹ không cho bé bổ sung sắt mà phân bé vẫn có màu đen, lúc này mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ. 

b. Phân có nhiều màu sắc và khối

Đây là tình trạng hệ tiêu hóa không tiêu hóa được những thực phẩm này, khiến chúng giữ nguyên hình dạng và màu sắc ở “đầu ra”. Điều này hoàn toàn bình thường vì ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên một số thực phẩm bé không tiêu hóa được. Lúc này, mẹ nên giảm khẩu phần ăn cho bé, hoặc tạm ngưng cho bé tiêu hóa các loại thực phẩm đó nhé. 

c. Phân dính màu đỏ

Nếu bé không ăn thực phẩm có màu đỏ như canh rau dền, củ cải đỏ, dưa hấu, cà chua,... mà phân của bé vẫn có màu đỏ, đây có thể là dấu hiệu bé đi tiêu ra máu. 

  • Nếu phân bé bình thường, có dính màu đỏ tươi: Bé gặp rắc rối trong việc tiêu hóa protein sữa. 

  • Nếu phân khô có dính máu: Bé đang bị táo bón. 

  • Nếu phân tiêu chảy có dính máu: Bé bị vi khuẩn gây hại tấn công gây nhiễm trùng. 

d. Phân trắng

Đây là tình trạng nguy hiểm, bé có thể mắc bệnh về gan hoặc túi mật. Hãy cho bé đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác hơn. 

2Trường hợp cần đưa bé đi khám 

Nếu em bé có những biểu hiện dưới đây, ba mẹ cần đưa bé đi khám: 

  • Bé mệt mỏi, màu sắc phân không bình thường sau vài ngày. 

  • Bé đi ngoài ra máu mà không có biểu hiện bị táo bón. 

  • Phân nhợt màu kéo dài. 

  • Đi ngoài phân xanh và lỏng, bé mệt mỏi, có dấu hiệu bệnh lý khác. 

  • Đi ngoài phân xanh và lỏng trong khi đang bú sữa công thức hoàn toàn, không bú sữa mẹ. 

3Trường hợp cần đi bé đi khám cấp cứu

  • Đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch. Trong thời gian đợi cấp cứu tuyệt đối không cho bé ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. 

  • Da hay lòng trắng mắt bị vàng. 

  • Nước tiểu màu vàng nâu hoặc màu đen

  • Phân có màu bất thường sau khi dùng thuốc. 

Trong bài viết này, mình có tham khảo tư liệu từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, các mẹ tham khảo thông tin nhé. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm