Tài khoản

Hội chứng bàn chân bẹt: Dấu hiệu dị tật ở trẻ mẹ cần cảnh giác

Mẹ Su Linh 4 năm trước

Bàn chân bẹt với gang bàn chân phẳng lì là một dạng dị tật ở trẻ nhỏ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của trẻ sau này. 

Xem nhanh

  • Hội chứng bàn chân bẹt là gì? 
  • Dấu hiệu nhận biết hội chứng bàn chân bẹt
  • Nguyên nhân trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt
  • Làm sao để tôi biết bé có bị hội chứng bàn chân bẹt hay không? 
  • Khi nào nên đưa trẻ đi khám? 

Chứng bàn chân bẹt khá phổ biến ở các nước châu Á và Việt Nam. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, dị tật bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận động, đi lại, chạy nhảy và khả năng cân bằng ở trẻ. 

Mặc dù là loại dị tật khá phổ biến nhưng nhiều ba mẹ vẫn rất mơ hồ về chứng bệnh này. Bài viết dưới đây hi vọng cung cấp cho ba mẹ một số thông tin cần thiết về hội chứng bàn chân bẹt, ba mẹ cùng kiểm tra cho bé nhé.

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ khá phổ biến (Ảnh: Internet)

1Hội chứng bàn chân bẹt là gì? 

Hội chứng bàn chân bẹt là hiện tượng lòng bàn chân của trẻ phẳng lì, không có vòm lõm ở giữa bàn chân như bình thường. 

Trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt khi đi lại, chạy nhảy chân của trẻ sẽ nghiêng nhiều vào phía trong, xương cẳng chân cũng di chuyển theo. Lâu dần, điều này khiến cấu trúc bàn chân của trẻ bị biến dạng, trẻ chạy nhảy không vững và hay té ngã.

2Dấu hiệu nhận biết hội chứng bàn chân bẹt

Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, hiện tượng bàn chân phẳng, không có vòm là bình thường vì lúc này bàn chân của trẻ chưa phát triển hết. Từ khoảng 2 tuổi, vòm chân của trẻ bắt đầu hình thành, đến 3 tuổi trở đi vòm chân sẽ được định hình rõ ràng hơn. 

Bàn chân phẳng, không có vòm là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt (Ảnh: Internet)

Nếu sau 3 tuổi ba mẹ quan sát thấy lòng bàn chân trẻ phẳng lì và bé gặp những vấn đề dưới đây, ba mẹ nên đưa bé đi khám: 

  • Lòng bàn chân trẻ phẳng lì, không có vòm.

  • Trẻ dễ bị ngã hoặc rất khó khăn khi di chuyển, chạy nhảy. 

  • Khi trẻ di chuyển, chân của trẻ bị biến dạng: Cạnh trong bàn chân có xu hướng áp xuống đất, gót chân vẹo ra ngoài, xương cẳng chân di chuyển theo. 

  • Trẻ cảm thấy đau các khớp cổ chân, mắt cá chân, khớp đầu gối.

3Nguyên nhân trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt

Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt. 

Ngoài ra, thói quen đi chân đất, đi dép, xăng đan có đế lót bằng phẳng ngay từ khi còn nhỏ cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng này. 

Một số trẻ có gen xương khớp mềm ở bàn chân cũng có biểu hiện phát triển thành chân bẹt. 

4Làm sao để tôi biết bé có bị hội chứng bàn chân bẹt hay không? 

Ngoài việc quan sát chân của trẻ khi đi đứng, chạy nhảy và đưa ra phán đoán, ba mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để xác định nguy cơ trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt: 

Cách 1: In chân trẻ trên giấy

Làm ướt bàn chân của trẻ (bằng nước trắng hoặc nước màu càng rõ nhìn), sau đó yêu cầu con đặt bàn chân in lên có thể thấm nước. 

  • Nếu làm ướt chân trẻ bằng nước trắng, ba mẹ nên in bàn chân con lên giấy/bìa màu. 

  • Nếu làm ướt chân trẻ bằng nước màu, ba mẹ nên in bàn chân con lên giấy/bìa trắng.

Sau đó, ba mẹ quan sát hình dạng bàn chân. 

  • Nếu phần hình in trên giấy có 1 khoảng trống nhỏ (trùng vị trí với vòm cong ở chân), chân trẻ bình thường. 

  • Nếu phần in trên giấy không có khoảng trống, toàn bộ bàn chân đều thể hiện rõ trên giấy, rất có thể trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt. 

Cách 2: Cho trẻ dẫm trên cát. 

  • Nếu cát lún và in hình bàn chân có đường cong (vị trí cong trùng với vị trí vòm cong ở chân), chân trẻ bình thường. 
  • Nếu cát lún và in hình toàn bộ bàn chân (không có đường cong), rất có thể trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt. 

Quan sát hình dạng bàn chân trẻ khi in trên giấy, trên cát để nhận biết trẻ bàn chân dẹt (Ảnh: Internet)

5Khi nào nên đưa trẻ đi khám? 

Theo các chuyên gia, từ 2 - 7 tuổi là độ tuổi tốt nhất để điều trị hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ. Do đó, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện ra bất thường ở chân trẻ và nghi ngờ trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt. 

Nếu phát hiện sớm, trẻ không cần làm phẫu thuật chỉnh hình mà chỉ cần điều trị với đế giày chỉnh hình y khoa, cùng một số bài tập kéo giãn cơ, vật lí trị liệu đơn giản và hiệu quả, giúp chân trẻ bình thường trở lại.

Theo Bibabo.vn